Về Tây Ninh dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung
Hội Yến Diêu Trì Cung là một đại lễ đặc biệt quan trọng của Đạo Cao Đài, được tổ chức vào dịp Rằm tháng Tám hằng năm. Chánh lễ tổ chức trọng thể vào ngày 14, 15/8 (âm lịch) tại Điện Thờ Phật Mẫu trong nội ô Tòa Thánh.
Biểu diễn múa rồng nhang - múa tứ linh là một nghi thức trong các lễ hội lớn tại Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh, dịp này thu hút nhiều người dân đổ về dự hội
Rằm Trung Thu vừa qua (10/9/2022), tín đồ Cao Đài cùng người dân trong tỉnh Tây Ninh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tề tựu về nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh để dự Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung năm 2022.
Đây không chỉ là đại lễ của riêng tôn giáo Cao Đài mà từ lâu đã trở thành lễ hội văn hóa độc đáo của người dân Tây Ninh. Đại lễ thu hút hàng chục vạn tín đồ đạo Cao Đài cùng đông đảo bà con, bá tánh về tham dự.
Cùng với Lễ vía Đức Chí Tôn (Mùng 9 tháng Giêng), Lễ kỷ niệm Khai đạo, Lễ vía Diêu Trì Kim Mẫu hay còn gọi Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung là một trong các lễ hội lớn nhất trong năm của Đại đạo Cao Đài Tây Ninh.
Ngay từ sáng sớm ngày 9/9/2022, trong khuôn viên Tòa Thánh, thiện nam - tín nữ và các tín đồ đã tề tựu về tấp nập
Dãy nhà ăn tại Trai đường, đông đảo bà con về dùng bữa cơm chay
Vì là ngày lễ hội rất lớn của tín đồ đạo Cao Đài, nên du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc khác như biểu diễn võ nghệ, làm thơ, diễn kịch, đánh cờ tướng, thi cắm hoa hoặc làm bánh... Đặc biệt, khách hành hương về dự lễ còn có dịp thưởng thức bữa cơm chay vô cùng đặc sắc và ấn tượng tại Trai đường.
Chú Trần Công Đại ngụ tại sát bên chợ Long Hoa, TP Tây Ninh, một Hỏa Đầu công tại gian bếp Trai đường đánh giá, có thể nói, đây là bữa cơm chay tập thể lớn nhất, đông vui và tấp nập nhất với hàng trăm cô chú bác anh chị em tình nguyện làm công quả phục vụ bà con vào dịp lễ.
"Tụi này thay phiên nhau túc trực, nấu ăn phục vụ khách hành hương suốt 3 ngày, bắt đầu từ tờ mờ sáng hôm 13 âm lịch đến Rằm tháng tám. Đây cũng chính là nét đẹp riêng nơi này mà hiếm nơi nào có được", chú Hỏa Đầu cho hay.
Mâm cơm chay thịnh soạn, ngon lành, hấp dẫn mà mỗi thực khách sau khi dùng bữa xong đều tấm tắc khen ngon
Theo lời cô Trương Thị Bích mô tả, năm nay Tòa Thánh làm lễ làm trọng hơn mọi năm, nhất là tại Trai đường, dường như các anh chị trong ban phục vụ chuyển thức ăn lên các bàn không ngơi tay; cùng đó là lượng khách đổ về dùng bữa chay rất lớn.
"Hàng đoàn người xếp hàng để chờ tới lượt vào trai đường dùng bữa cơm chay ngon lành tại đây. Trước là dùng bữa chay ngon lành bổ dưỡng, sau là với tinh thần được thọ phước khi dược hưởng dùng phẩm vật tại Tòa Thánh vào dịp này", cô Bích chia sẻ.
Buổi chiều, trước giờ diễn ra Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, khắp các ngã đường đổ về trung tâm Tòa Thánh, bà con đã tập trung đông đúc
Trước đó, tại quảng trường trước Tòa thánh, phía 2 bên khán đài, tín đồ thuộc các họ đạo Cao Đài trong và ngoài tỉnh về dựng rạp, bài trí gian hàng, trang trí đèn hoa rực rỡ sắc màu với hàng trăm gian hàng trưng bày nông phẩm, ngũ quả, bánh mứt, nhạc cụ… cùng các điển tích mô phỏng lại sự tích Đức Phật Mẫu, Cửu vị Tiên Nương.
Ngoài ra, khu vực xung quanh Báo Ân Từ, không gian rực rỡ sắc màu của hoa quả và các vật phẩm, đèn hoa trang trí hiến lễ tại hơn 100 gian trưng bày của trên 400 Họ Đạo cùng với Ban Đại Diện Hội Thánh các tỉnh, thành phố...
Các đoàn xe kết bông trái sặc sỡ màu sắc di chuyển từ phía Điện thờ Phật mẫu diễu hành qua lễ đài
Đặc biệt tại Điện thờ Phật Mẫu ngoài các phẩm vật dâng cúng, nơi đây còn trưng bày các phẩm vật cầu kỳ, sinh động được làm từ trái cây, ngũ quả để thể hiện lòng tôn kính của các tín đồ vào dịp này. Các quà phẩm, bánh trái cúng lễ được phát cho các em thiếu nhi làm quà Tết Trung thu.
Trầm trồ bên tác phẩm kết từ bông trái, anh Nguyễn Công Vinh từ Bến Tre về dự lễ, anh Vinh cho hay, phải công nhận các nghệ nhân thật sự khéo tay và tài hoa, chỉ từ các loại bông hoa và trái cây bình thường đã tạo nên nhiều tác phẩm rực rỡ, sống động theo các chủ đề Long, Lân, Quy, Phụng...
Tối đến, hàng chục vạn người dân đổ về trung tâm Tòa Thánh Tây Ninh dự lễ
Vào đêm Rằm tháng Tám, từ chiều, khu vực xung quanh Tòa Thánh, hàng vạn tín đồ và đông đảo bá tánh đã nhộn nhịp người qua kẻ lại. Sôi nổi nhất là khoảng thời gian lễ hội từ 18giờ30 đến 22giờ, tại đây diễn ra màn rước cộ bông và múa lân sư rồng hoành tráng và trọng thể.
Đại lễ với nghi thức chính là Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương, múa Long – Lân – Quy - Phụng, dâng mâm ngũ quả, bánh mứt cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà bình an, ấm no, hạnh phúc...
Chú rồng dài hơn 20 mét được điều khiển bởi đội múa 30 người, khéo léo múa lượn và phun lửa rực rỡ cả một khoảng sân rộng trước Tòa Thánh
Múa Rồng nhang là nét đặc trưng chỉ diễn ra tại Tòa Thánh vào mỗi dịp lễ lớn
Đoàn rước cộ tiên xuất phát từ Điện thờ Phật Mẫu tiến về Tòa Thánh. Trông xa, cả một vùng trời rực rỡ đèn nhang nghi ngút khói hòa cùng bóng dáng chú rồng uyển chuyển múa lượn; tiếp theo sau là Đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương gồm các vị chức sắc Tòa Thánh, quan khách cùng hàng ngàn thiện nam, tín nữ, bà con họ đạo và người dân tiến dần về phía trung tâm Tòa Thánh.
Theo truyền thống của Đại đạo, chương trình đại lễ kéo dài từ chập tối đến nữa đêm với nhiều hoạt động múa rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng; đội múa phụng và đội nhạc, đội trống, vũ công và đội múa lân biểu diễn hoành tráng, long trọng.
Rồng phun lửa thể hiện uy lực và sự tôn nghiêm của con vật linh thiêng trong tín ngưỡng của Đại đạo
Trong năm, có hai dịp lễ hội có biểu diễn múa rồng nhang, đó là lễ Hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm tháng tám và Đại Lễ Đức Chí Tôn vào mùng tám tết âm lịch
Múa tứ linh với ý nghĩa mang lại thái bình và phước lành cho dân chúng đồng đạo
Xuất phát từ Thánh thất Huỳnh Đức, Q.3 TP.HCM về dự đại lễ từ sáng sớm, chú Nguyễn Đức Phong ngụ tại Bàn Cờ cho hay, phần vì đại dịch, kế đến sức khỏe không cho phép nên tới kì đại lễ năm nay mới về dự lễ.
Đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu kéo dàng hàng cây số diễu hành qua lễ đài
Bên trong Tòa Thánh, đông đảo tín đồ và các vị chức sắc đang hành lễ
Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương với các đoàn chiêng trống náo nhiệt
Khi cuộc diễu hành kết thúc cũng là lúc mọi người ùn ùn đổ về phía cổng trong để về nhà, lớp khác trải tạm tấm áo mưa ngả lưng quanh khu vực khán đài nghỉ ngơi; hoặc tiếp tục ngồi lại bên nhau trò chuyện...
Mặc dù vào giờ Rước cộ tiên xuất hiện cơn mưa nhỏ, nhưng khu vực trung tâm và xung quanh Tòa thánh không còn một chỗ trống chen chân
Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một nét đẹp sinh hoạt ở Tây Ninh nói chung và đạo Cao Đài nói riêng. Đại lễ chứa nhiều giá trị không chỉ thuộc về tâm linh mà còn tác động tích cực lên cuộc sống thường nhật.