Rượu vang nóng - Thức uống gây thương nhớ ngày tôi làm dâu trên đất Pháp
Tết ở châu Âu bắt đầu cùng với mùa đông, gió, tuyết và băng giá. Thế nhưng không khó gặp những nhóm người tụ tập nhau xung quanh quầy bán hàng Tết. Và trên tay họ là cốc vang nóng nghi ngút hương thơm.
Tết mà, ở đâu cũng có Tết
Ở đâu cũng có Tết. Một sự thật mà không ai có thể từ chối. Từ Đông sang Tây, cứ hết một năm (tùy từng nền văn hóa mà có thể theo lịch dương, lịch âm hoặc lịch tôn giáo…) vào lúc bắt đầu một năm mới, lễ hội của Tết cũng sẽ bắt đầu. Người người vui, nhà nhà đoàn viên.
Chính bởi lẽ đơn giản đó mà Tết luôn là giai đoạn hồ hởi nhất trong năm, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất. Một trong những nét văn hóa đó là các món đặc sản của từng mảnh đất.
Ngày còn trẻ, tôi cứ nghĩ rằng chỉ có ở phương Đông, Tết mới vui và ấm áp vì có hoa mai hoa đào, có bánh Tết và được đi chơi Tết. Nhưng sau này, khi rời xa quê hương, tôi mới hiểu Tết thì ở đâu cũng vui, cũng nhiều món ăn và thức uống. Và tôi đã khám phá ra nó, một thứ thức uống thơm phức mùi gia vị, ngọt dịu của hương hoa quả và lâng lâng của chất men, một thứ uống không đắt tiền mà vô cùng sang chảnh cho những mùa đoàn viên. Đó chính là rượu vang nóng.
Những quầy chợ Tết bán vang nóng. Ảnh: Quyên GAVOYE
Nói về rượu vang nóng thì hẳn người châu Âu nào cũng biết và cũng thích, thậm chí những người thường ngày không bao giờ uống rượu cũng bị mê hoặc bởi chính những hương vị dịu dàng đó.
Tôi lại nhớ Tết đầu tiên về làm dâu nhà anh, một người gốc Pháp, trước đó tôi mới chỉ nhấp môi một vài lần chất cồn nhưng vị chát và mùi nồng của rượu khiến tôi ghét nó. Vậy mà khi được nhấp ngụm vang nóng đầu tiên, tôi đã bị những hương liệu ấy quyến rũ. Từ đó đến nay món vang nóng trở thành món uống truyền thống trong gia đình nhỏ của tôi như bao gia đình khác.
Vang nóng có từ khi nào?
Vang nóng có nguồn gốc từ rất xa xưa, thời Đế chế La Mã đã có loại thức uống gọi là Conditum Paradoxum. Vào thời đó, do sản xuất khó khăn nên dù sản phẩm chưa đạt chất lượng cũng vẫn được sử dụng. Vậy là người ta tìm cách tăng thêm chất lượng cho loại vang chưa đạt chuẩn, bằng cách đun sôi nó cùng mật ong rồi thêm gia vị (tiêu, lá nguyệt quế, nghệ tây) và chà là. Sau đó chúng sẽ được trộn thêm với loại rượu hảo hạng, để giúp tăng độ cồn.
Thức uống này tuy khác với rượu vang nóng hiện nay, nhưng nó có thể được coi là tổ tiên của rượu vang nóng.
Sang đến thế kỷ 13, nhờ vào việc phát triển thương cảng gia vị Latte, nằm gần thành phố Montpellier (cộng hòa Pháp) nơi giao thông thương mại đường biển giữa các quốc gia Âu châu khá nhộn nhịp, món vang nóng được lan tỏa ra khắp mọi miền của châu lục.
Vua nước Anh lúc bấy giờ là Henry III, đã uống và bị mê hoặc bởi sự tinh tế của vang nóng, liền biến nó thành thức uống phổ biến trong giới quý tộc. Ở Đức, rượu vang nóng trở nên phổ biến nhờ vào Bá tước John IV, và ở Thụy Điển nhờ vào vua Gustav I.
Chỉ cần điểm qua cũng thấy được sức quyến rũ của vang nóng, họ là những ông hoàng với gu ẩm thực cao, đã bị thu phục bởi sự tinh tế của vang nóng. Nhưng khi đó vang nóng vẫn là thứ uống không mùa, và uống bất kỳ khi nào khi người ta muốn.
Nguyên liệu để "chế" cốc vang nóng cho trẻ con ngày Tết. Ảnh: Quyên GAVOYE
Vào khoảng những năm 1890, truyền thống uống vang nóng trong mùa lễ Tết mới phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tại các hội chợ Giáng sinh truyền thống ở Đức, nơi mỗi thương gia cung cấp món vang nóng do chính họ sản xuất bằng những bí quyết riêng. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người buôn bán đã tạo ra nét đẹp văn hóa dân gian trong các khu chợ Giáng sinh giúp thu hút thêm người tiêu dùng.
Từ thành công của các gian hội chợ Giáng Sinh ở Đức, những nước láng giềng cũng theo đó biến vang nóng thành thứ thức uống chính thức của các hội chợ sau này. Và từ đó, vang nóng len lỏi vào các gia đình trở thành món uống truyền thống dịp lễ Tết.
Có gì trong rượu vang nóng?
Tết ở châu Âu bắt đầu cùng với mùa đông, gió, tuyết và băng giá. Những con phố sôi động vào mùa hè trở thành nỗi ám lạnh mùa đông. Thế nhưng đây đó vẫn có những nhóm người tụ tập nhau xung quanh một quầy bán hàng Tết. Họ là những người, những gia đình rủ nhau đi chợ Tết, những người khách du lịch bất chấp cái lạnh để thưởng thức vẻ đẹp mùa lễ hội.
Và chẳng có gì khó khăn để nhận ra, trên tay họ chính là những cốc vang nóng nghi ngút hương thơm, giúp họ sưởi ấm và quên đi cái lạnh của vùng hàn đới.
Không chỉ ngoài phố, ngay ở trong nhà vào những buối tối đoàn viên xung quanh lò sưởi, không gì thú vị bằng những cuộc chuyện trò bên cốc vang nóng thơm phức.
Để chế biến vang nóng, bước đầu tiên là phải chọn loại rượu phù hợp. Ảnh: Quyên GAVOYE
Để tạo ra được thứ hương thơm đậm đà đó thì việc kết hợp gia vị không phải là một sự ngẫu nhiên mà là cả một quá trình tìm tòi. Quế, hồi, đinh hương, thảo quả là những gia vị nóng rất hợp với mùa đông lạnh, kết hợp với tinh dầu cam làm dậy mùi của nho, thứ quả dùng để chiết xuất rượu. Thêm vào đó một lượng đường hoặc mật ong để cân bằng các vị tạo thêm độ ngọt cho rượu. Khi đun sôi, rượu sẽ giảm độ cồn nên rất hợp với các món khai vị nhẹ nhàng.
Đó chính là lý do biến vang nóng trở thành thức uống khai vị truyền thống trong dịp lễ Tết.
Làm sao để có một cốc vang nóng ngon
Vì không ai có thể cưỡng lại sức quyến rũ của cốc vang nóng nên trẻ con cũng phải có vang nóng ngày Tết. Nhưng trẻ con thì không thể uống rượu. Vậy là người lớn nghĩ ra cách làm “vang nóng” cho chúng.
Họ thay thế rượu vang bằng nước ép táo. Để tạo thêm vị đậm đà, người lớn sẽ thay thế hương cam bằng cách thêm vào đó những múi táo tươi. Vậy là thành “nước táo nóng”
Để chế biến được một cốc vang nóng ngon nghe thì rất dễ, nhưng không phải ai cũng đủ bí quyết nấu ngon. Mẹ chồng tôi thường bảo món ngon nào cũng cần có bí quyết gia đình. Món vang nóng của mẹ rất được mọi người trong gia đình yêu thích, cũng bởi đó là công thức truyền lại từ đời bà ngoại của chồng tôi.
Đầu tiên, để chế biến vang nóng, khâu đầu tiên của mẹ tôi là chọn rượu. Loại tốt nhất là vang đỏ mới được chiết xuất, có hương trái cây và vị ngọt phù hợp với các gia vị được sử dụng.
Cứ vào mỗi dịp lễ Tết, tôi lại nấu mời gia đình và bạn bè những cốc vang nóng, thứ thức uống không thể thiếu khi sum vầy. Ảnh: Quyên GAVOYE
Công thức chế biến của mẹ tôi như sau :
1,5L rượu vang đỏ hoặc trắng (tùy vào gu người thưởng thức)
150g đường nâu hoặc mật ong
1 quả cam
Gia vị: quế, hồi, đinh hương, thảo quả (bào mịn)
Đun sôi rượu với các gia vị trên lửa nhỏ trong 5 phút. Sau đó dùng lọc để loại bỏ những tạp chất.
Đơn giản thế thôi nhưng vang nóng của mẹ đã trở thành thức uống truyền thống trong các bữa cơm gia đình tôi vào dịp lễ Tết. Giữa mùi thơm của bánh trái là mùi quế, hồi, đinh hương, thảo quả, hương vị cam quyện với vị rượu vang Pháp, thứ rượu đã trở thành thương hiệu của đất nước tháp Eiffel.
Phải nói rằng khi đã được cầm trên tay một cốc vang nóng, không ai kể cả những người chưa từng nhấp môi một ngụm rượu có thể từ chối được sức quyến rũ của những hương vị tinh tế tạo nên sự sóng sánh đến mê ly của nó.
Và tôi, vào mỗi dịp lễ Tết, lại nấu mời gia đình và bạn bè những cốc vang nóng.
Dù Tết xưa hay Tết nay thì bếp nhà tôi vẫn ngày ngày đỏ lửa, vẫn rộn ràng chan chứa những hương vị của tình thân....