Quảng bá văn hóa và ẩm thực tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản bắt đầu được tổ chức từ năm 2008, giúp quảng bá các nét đặc trưng về ẩm thực và văn hóa Việt Nam tới người dân Nhật Bản.

Ngày 11/12 tại Tokyo, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã chính thức khai mạc ở Công viên Ueno, thủ đô Tokyo, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ và quốc hội Nhật Bản. 

Quảng bá văn hóa và ẩm thực tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản - 1

Các quan khách Việt Nam và Nhật Bản cắt băng khai mạc lễ hội. Ảnh: Đức Thịnh/TTXVN.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Lâm Thị Thanh Phương, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Nhật Bản, kiêm Trưởng ban Tổ chức, cho biết Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản bắt đầu được tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây là một trong những lễ hội thường niên lớn nhất ở thủ đô Tokyo. Lễ hội này giúp quảng bá các nét đặc trưng về ẩm thực và văn hóa Việt Nam tới người dân Nhật Bản. 

Bà Lâm Thị Thanh Phương cũng khẳng định với tinh thần đảm bảo lễ hội vui và an toàn, năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Ban tổ chức đã quán triệt tuân thủ tuyệt đối theo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản cũng như chính quyền thành phố Tokyo.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shingo Miyake bày tỏ vui mừng trước sự phát triển trong quan hệ Việt-Nhật.

Ông nói: “Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp sau khi nhậm chức là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Đó là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của quan hệ Việt-Nhật trên mọi lĩnh vực.”

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Miyake cho biết theo thống kê tại Nhật Bản hiện có 450.000 người Việt đang sinh sống. Các món ăn của Việt Nam cũng được người dân Nhật Bản rất ưa thích, trong khi cái tên Việt Nam đã trở nên thân quen với người Nhật Bản. 

Theo Thứ trưởng Miyake, trước đại dịch, các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới các hoạt động này. Do vậy, lễ hội là sự kiện để người dân Nhật Bản có thể thưởng thức món ăn Việt Nam cho dù vẫn ở Tokyo. 

Trong khi đó, ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Công minh - đối tác của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Nhật Bản, nhấn mạnh hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Vì vậy, ông hy vọng quan hệ giữa hai nước không chỉ phát triển trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị, mà còn cả trong lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân.

Lễ hội Việt Nam là một hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức từ năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đây là một hoạt động nằm trong chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ở Nhật Bản, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết của người Nhật Bản về Việt Nam. 

Lễ hội năm nay được tổ chức trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội. Vì vậy, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, cũng như những người Nhật Bản yêu Việt Nam.

Tham gia lễ hội, các vị khách có cơ hội được thưởng thức các món ăn truyền thống và các chương trình văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam và Nhật Bản. 

Ban Tổ chức hy vọng lễ hội này sẽ đáp ứng các kỳ vọng về tái khởi động các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội của chính quyền Tokyo.

Để đảm bảo an toàn cho những người tham gia, Ban Tổ chức đã yêu cầu tất cả các quan khách đeo khẩu trang và tiến hành đo thân nhiệt ở cửa ra vào. 

Lễ hội dự kiến sẽ kéo dài tới hết ngày 12/12.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thanh Tùng - Đức Thịnh - Phạm Tuân (TTXVN)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.