Nhớ mãi chiều 29 Tết thuở ấu thơ
Dù có đi đâu xa gần ai cũng mong được đoàn tụ với gia đình những ngày Tết đến...
Khi gió heo may chớm sang, đem theo cái se lạnh cho mùa đông đất Bắc cũng là lúc hoa mai, hoa đào nảy lộc, đơm bông cùng khoe sắc. Tiết trời mùa đông lạnh giá dần nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp, được mở đầu bằng những cơn mưa bụi lất phất...
Mỗi khi Tết đến, người ta lại hân hoan, háo hức chờ đón một cái gì thiêng liêng, kỳ diệu hay ôn lại những kỷ niệm đã qua - kỷ niệm không bao giờ quên bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng xanh hay những vệt vôi trắng quét trên gốc cây trong khu vườn sau nhà.
Không khí Tết của những năm thập niên 90
Hoa quả vườn nhà dễ tìm, dễ kiếm, có quả chỉ để bày, có lẽ là cho đẹp, cho dễ nhớ, cho tỏ lòng cùng tiền nhân khám phá và cũng để được hưởng cái hương vị của bao loài quả đó. Những chuối xanh, bưởi vàng, cam đỏ là không thể thiếu được. Dù gia cảnh có nghèo đến mấy, người ta cũng có cách sắm được, có thể ngay trong vườn nhà, vì đó là sương nắng chắt chiu, là công phu chăm sóc của họ. Hương thơm, quả ngọt chứa đựng hồn quê, hồn làng, là hơi thở của đất trời..., giờ phút này cùng con người đón xuân mới.
Thời buổi cơ chế thị trường, mọi thứ đều thay đổi. Hàng hóa, bánh kẹo từ nước ngoài nhập vào trong nước tràn lan... đủ màu sắc, mùi vị và quảng cáo rất rầm rộ, nhưng có một thứ bánh ngày Tết mà không có một loại bánh hảo hạng nào có thể thay thế đươc, đó là bánh chưng – một thứ bánh cổ truyền độc đáo, đặc trưng cho truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nhớ mãi chiều 29 Tết năm ấy, hai chị em tôi được phân công cắt lá dong trồng ở khu vườn sau bếp, sau đó rửa sạch, để ráo nước dùng gói bánh chưng. Trong lúc chúng tôi ngồi xếp, cha chẻ lạt, cắt lá tạo khuôn. Trước đó, mẹ tôi đã đồ gạo nếp, thứ gạo nếp cái hoa vàng cấy 6 tháng, hạt to, tròn đều, mẩy, được mẹ tôi cẩn thận sàng sẩy, phơi khô, cất riêng trong cái chum sành cổ, chỉ dành để gói bánh.
Nồi đỗ xanh được đồ chín, đổ ra giá tre, để ráo nước rồi trộn thêm một, hai muỗng muối cho đậm đà. Cha tôi lấy cái khung gỗ hình vuông, xếp bốn chiếc lá dong bằng cách gấp mép dưới lên, gấp mép bên trái qua để tạo đường nếp gấp cho lá. Cha rải đều nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ, hành, hạt tiêu... rồi phủ lại bằng một lớp gạo nếp, gấp lá lại, dùng bốn chiếc lạt buộc chặt.
Nếp gói bánh chưng là loại nếp cái hoa vàng. Ảnh:Hiếu Trần
Gói xong, cha cho một ít cuống lá vào nồi to đùng vừa mượn được và xếp bánh theo thứ tự. Nắp chiếc nồi bánh chưng ấy là cái bùi nhùi bằng rơm và chiếc nồi nước nhỏ dự phòng.
Củi để nấu bánh là những gốc tre già, cành cây to tỉa ở vườn, từ mấy tháng trước được cha xếp thành đống ở góc nhà, phủ rơm rạ, che mưa, che nắng cho đỡ bị ướt, không bị mối mọt. Mẹ tôi mang thúng trấu khô đổ quanh bếp đượm nhiệt. Ngọn lửa bùng lên. Cả nhà quây quần bên bếp lửa, ấm áp và hạnh phúc.
Nhưng vui nhất là mấy chị em tôi, vừa sưởi ấm, vừa nô đùa, vừa chơi tam cúc... và đợi chiếc bánh chưng nhỏ xíu đang buộc dây thả trong nồi bánh chưng to đùng sôi ùng ục.
Bánh được nấu với lửa lớn, liên tục trong nhiều giờ. Ảnh:Hiếu Trần
Ngọn lửa vẫn liu riu, âm ỉ. Tôi gối đầu vào lòng mẹ nghe mẹ kể chuyện Thạch Sanh, chuyện bánh chưng, bánh dày... rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Chập chờn bên ánh lửa hồng, tôi mơ một giấc mơ tuyệt đẹp, gặp lại chàng Lang Liêu cùng những chiếc bánh chưng xanh vuông vức, ngon lành còn bốc hơi nghi ngút...
Tiếng pháo giao thừa bỗng rộ lên cùng với tiếng chúc Tết. Tiếng reo hò từ chiếc loa phát thanh đầu làng khiến tôi choàng tỉnh. Mẹ tôi đang vớt bánh ra cho vào một thùng nước lạnh ngâm và lấy hòn đá đè nặng lên trên hàng bánh, ép để bánh không bị nhão và bảo quản lâu hơn. Người chọn cặp bánh chưng đẹp nhất, buộc lại dây lạt giang màu hồng rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên khấn vái. Chúng tôi đã thêm một tuổi!
Ngày Tết xưa cũ.
Thời gian dần trôi, những cái Tết đến rồi lại đi. Cuộc sống của con người cũng nhiều đổi thay nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên mâm cỗ Tết của mọi gia đình, bánh chưng xanh vẫn là biểu tượng cho hình ảnh trời tròn, đất vuông, báo hiệu những ngày no ấm, đủ đầy của người Việt.
Bóc tấm bánh chưng xanh thơm màu lá dong, thơm vị gạo nếp hương cùng vị ngọt bùi ngầy ngậy của đỗ xanh đãi vỏ, vị béo của thịt lợn ba chỉ thái mỏng... do chính tay người thân mình gói mới thấm thía hết tình yêu quê nhà. Dù có đi đâu xa gần ai cũng mong được đoàn tụ với gia đình trong những ngày Tết đến...
Ba bảo, gói bánh Tét để đỡ nhớ quê, để cảm nhận ý nghĩa ngày Tết thật trọn vẹn.