Người Sài Gòn rung chuông – vuốt ngựa cầu tài lộc, may mắn
Tháng Giêng, đặc biệt là vào ngày Rằm tại Chợ Lớn, bà con người Hoa thường treo đèn lồng, múa lân sư rồng cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác trong suốt dịp này.
Người dân đến chùa, thắp nhang vòng, mượn lộc, thỉnh đèn đăng cầu tài lộc, làm ăn thuận lợi, dồi dào sức khỏe…
Ở những nơi người Hoa sinh sống nhiều như Chợ Lớn - TP.HCM, Cù lao phố - Đồng Nai, Hội An - Quảng Nam… lễ hội vào đêm Rằm tháng Giêng gồm nhiều hoạt động cổ truyền, nhộn nhịp.
Đặc biệt tại TP.HCM, tại các ngôi chùa, Hội quán v.v.. cộng đồng người Việt gốc Hoa thường tổ chức nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc vào dịp này.
Tết Nguyên tiêu đối với người Hoa rất quan trọng, họ thường đến các chùa, hội quán cúng lễ long trọng.
Ngay từ ngoài cổng, mỗi người được phát ba cây nhang để vào thắp hương.
Nơi chánh điện trang nghiêm, đông đảo người dân để giày dép bên ngoài, vào cúng bái.
Đến chùa Ông dịp này còn có những vị khách quốc tết đến thăm viếng.
Tại Hội quán Nghĩa An, nơi thường tổ chức các lễ hội long trọng nhất tại khu vực Chợ Lớn, người dân thường gọi Chùa Ông - Miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán (số 676 Nguyễn Trãi, P. 11, Q.5).
Nơi đây không chỉ là nơi chiêm bái của người Hoa gốc Triều Châu ở Sài Gòn, mà còn là một công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật đã được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Dịp này, người dân đến thỉnh đèn, viết sớ treo đèn để cầu gia đạo bình an, mạnh khỏe.
Đèn lồng và đèn kéo quân sẽ được treo lên cùng với lời cầu nguyện.
Trang trọng nghi thức thỉnh đèn dịp Rằm tháng Giêng.
Những ngày này, Hội quán chuẩn bị sẵn một số lượng lớn những quả quýt, bao lì xì, lồng đèn để người dân đến “mượn lộc” để cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn khấm khá, gia đạo bình yên.
Theo quy ước: nếu mượn một thì năm sau sẽ trả gấp đôi. Tục lệ này cũng giống như xin lộc đầu năm của người Việt ở nhiều nơi.
Đông đảo người dân đến cầu xin sự may mắn, bình an và gia hộ tài lộc.
Sau khi vào chánh điện làm lễ, họ sẽ đến tượng thờ Xích thố để “rung chuông – vuốt ngựa” với dụng ý loại bỏ những điều không tốt lành, cầu xin may mắn.
Với trẻ nhỏ còn có tục lệ chui qua bụng ngựa và lắc chuông để cầu xin cho trẻ sức khỏe, hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, thông minh...
Sau khi xoa tay vào mình ngựa, người đi lễ sẽ rung chuông cho tiếng kêu vang, vọng đến thánh thần.
Chị Thiên Kim ở Q.11 tin rằng, tiếng leng keng từ chiếc chuông lục lạc đeo ở cổ ngựa Xích thố mà Quan Công cưỡi, khi rung lên sẽ vang vọng lời thỉnh nguyện đến các thánh thần và các vị sẽ chứng giám lời nguyện cầu của mình.
"Không riêng vào Rằm tháng Giêng, mỗi khi có việc cần, tôi đều đến đây thành tâm khấn vái và được Ông chứng giám", chị Kim tin tưởng nói.
Khoảng sân bên ngoài, sân khấu lớn được dựng lên, nhiều tiết mục văn nghệ, chương trình sân khấu phục vụ người dân và du khách.
Khách thập phương đến dâng lễ, cầu phúc đức, vay tài lộc, xem các chương trình sân khấu truyền thống... Sôi động nhất là các màn biểu diễn của các đoàn múa lân sư rồng rộn rã trống chiêng...
Đặc biệt, năm nay tại Hội quán – chùa Ông còn diễn ra lễ diễu hành “Quan Thánh Đế xuất du”, đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa gốc Triều Châu.
Nhiều người đến chùa Bà Hải Nam thành tâm khấn vái và xin quẻ vào dịp tháng Giêng đầu năm.
Những khoanh nhang vòng với mảnh giấy đỏ ghi lời cầu nguyện được treo lên cao, cầu xin Bà phù hộ, độ trì.
Một nơi cũng thường tổ chức các hoạt động lễ hội rộn ràng khác là Hải Nam hội quán (276 Trần Hưng Đạo B, Q.5, TP.HCM), còn gọi là Hội quán Quỳnh Phủ hay chùa Bà Hải Nam - công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hoá của người Hoa gốc Hải Nam.
Nơi đây thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Bà Thiên Hậu), hội quán có nét tương đồng về kiến trúc và bài trí so với các chùa Bà Thiên Hậu ở Sài Gòn và các địa phương khác ở Nam Bộ.
Vào ngày Rằm tháng giêng hàng năm, tại đây đều tổ chức chương trình Ca kịch Hải Nam cùng các tiết nghệ thuật sân khấu đặc sắc do chính cộng đồng người Hải Nam biểu diễn.
Sân khấu Hội quán Hải Nam được dàn dựng và chuẩn bị công phu phục vụ bà con.
Với các chương trình sân khấu hấp dẫn, lôi cuốn người dân và du khách đến xem hội.
Xen giữa các chương trình sân khấu là các tiết mục biểu diễn lân sư rồng hoành tráng.
Thần tài phát lộc, tiết mục không thể thiếu trong các chương trình sân khấu diễn ra hàng năm tại đây.
Chương trình không chỉ thu hút người lớn mà các em nhỏ cũng háo hứng xem hội.
Anh Lưu Chí Vĩnh ở Q.11 cho hay, chùa Bà sẽ mở cửa thường xuyên từ sáng tới đêm để đón du khách đến tham quan và cúng bái.
"Tôi cũng và gia đình năm nào vào dịp lễ cũng ghé đến thắp hương, đốt nhang vòng, hoặc dâng đèn dầu, cầu mong phước lành, dồi dào sức khỏe cho gia đình và dòng họ trước thềm năm mới", anh Vĩnh chia sẻ.
Tiết mục lân cheo leo trên đầu cột tre đầy kịch tính, khiến người xem vỗ tay tán thưởng không ngớt.
Một chú rồng dài hơn 10 mét đang uyển chuyển múa lượn, trông vô cùng đặc sắc.
Thông lệ hàng năm, tại các chùa và Hội quán người Hoa ở Chợ lớn, các chương trình cúng lễ kéo dài trong suốt tháng Giêng.
Một số nơi, sân khấu được dựng lên với nhiều tiết mục văn nghệ và chương trình ca cổ nhạc phục vụ người dân và du khách kéo dài tới kết thúc lễ hội vào đêm 21 tháng Giêng âm lịch.