Mùa xuân trẩy hội Tây Thiên, chiêm bái cõi Phật ở chốn bồng lai
Chuyến hành hương về miền đất thiêng Tây Thiên có thể là đến thăm, hay trở về, nhưng trên tất cả đó là sự hoan hỷ, an nhiên và ngập tràn hạnh phúc.
Sau một mùa đông giá rét, người người lại hân hoan đón chào những tia nắng ấm áp của mùa xuân.Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của vạn vật sinh sôi nảy lộc, mùa của lễ hội. Đây cũng là lúc hàng vạn du khách nô nức hướng về Tây Thiên chiêm bái, trong hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu” vùng đất được coi là chốn tổ của Phật giáo Việt Nam.
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km với hơn một giờ xe chạy, khu danh thắng Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể di tích văn hóa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 1991.
Tây Thiên không chỉ được biết đến là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam từ những buồi đầu sơ khai thế kỷ thứ III trước công nguyên, mà còn là nơi phát tích tín ngưỡng thờ Mẫu, Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ 7. Sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng quần thể di tích lịch sử, văn hóa bao gồm hệ thống đền chùa đã tạo nên nét độc đáo riêng có của Tây Thiên, thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái.
Đền Thờ Quốc Mẫu Tây Thiên
Giữa núi rừng hoang sơ, Khu di tích danh thắng Tây Thiên nổi bật trên nền trời xanh thẳm, là nơi chứa đựng, kết tinh vẻ đẹp của văn hóa tâm linh hòa cùng cảnh sắc của non nước mây trời làm say đắm lòng người. Giữa đất trời bao la hùng vĩ, Tây Thiên như tọa lạc ở “chốn bồng lai tiên cảnh”, dẫn dắt du khách nhẹ bước lãng du, thỏa nguyện ước “Đến với Phật, về với Mẫu” tìm lại sự cân bằng tĩnh tại trong tâm hồn.
Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên
Bước vào hành trình để đến nơi thờ tự Quốc Mẫu Tây Thiên, du khách không thể không ghé Đền Trình là nơi đầu tiên để dâng lên một mẫm lễ vật được sửa soạn đầy đủ, báo cáo với thần linh thổ địa, chư vị Thánh Phật chứng giám lòng thành, sự viếng thăm của mình đến với vùng đất thiêng rồi sau đó mới tiếp tục hành trình. Phía trước cửa đền là cây đa chín cội hàng trăm năm tuổi như “vị thần gác cửa” uy nghiêm, đứng sừng sững, như thách thức với thời gian.
Đền Thượng Tây Thiên trong mùa lễ hội Xuân.
Kết thúc lễ dâng hương tại đền, giữa núi rừng hoang sơ hãy để thiên nhiên dẫn dắt chúng ta đến với đền Cậu, đền Cô, suối Giải Oan. Từ đây, đi tiếp lên núi đến Hồ Sen nơi có nhiều hòn đá bạc vời hình dạng kỳ lạ khác nhau và sen đỏ nở suốt bốn mùa... Quá thêm một quãng đường nữa sẽ lên đến Tịnh thất Tây Thiên nơi tu hành của các ni cô phái Mật tông Tây Tạng.
Những thanh âm của các pháp cụ cùng tiếng đọc kinh giữa chốn rừng sâu u tịch, mây nước hiền hòa và không gian thanh tịnh sẽ giúp ta cảm nhận được sự huyền bí của thiên nhiên, lòng mình như nhẹ nhõm thư thái hơn. Điểm đến cuối cùng trong chuyên hành hương là đền Thượng nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo.
Lễ hội Tây Thiên tổ chức 15 tháng 2 âm lịch hằng năm
Trong tâm thức của mỗi người, chuyến hành hương về miền đất thiêng Tây Thiên có thể là đến thăm, hay trở về, nhưng trên tất cả đó là sự hoan hỷ, an nhiên và ngập tràn hạnh phúc. Được hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, cảm nhận vẻ đẹp trong từng phút giây, trong từng khoảnh khắc. Đó là những ngôi cổ tự, Thảo am tịnh thất nằm cheo leo trên vách núi hay nguồn Bát Nhã tuyền róc rách ca lên khúc nhạc hoàn hương từ bi hỷ xả.
Lễ hội Tây Thiên bắt đầu từ ngày 15/02 cho đến hết hội mùa xuân. Được tổ chức trang trọng với phần tế lễ hay còn gọi là phần Đạo và phần hội hay còn gọi là phần Đời với nhiều trò chơi dân gian như thi hát dân ca của tộc người thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi hú đáo, làm bánh chưng, bánh dày... Trong hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu” du khách thập phương sẽ cảm nhận được sự từ bi của đức Phật và lòng bao dung, chở che của Mẫu, phổ độ cho chúng sinh nhân gian, cho người dân vui hưởng cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Một mùa Xuân nữa đã về trên khắp mọi miền quê hương đất nước, ánh nắng vàng xuân tô thêm vẻ đẹp tươi sáng của vùng đất linh thiêng. Đó cũng là lúc cả miền Bắc vào hội, du khách lại nô nức, trẩy hội nhớ về Tây Thiên điểm đến lớn thứ 3 của miền Bắc sau Chùa Hương, Yên Tử, là điểm đến hấp dẫn của hàng triệu du khách thập phương. Trong một năm với nhiều diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 mong rằng du khách sẽ có một hành trình về với miền đất Phật may mắn, hạnh phúc và an lạc.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng của du xuân trẩy hội. Tết đến, xuân về ở Bắc Bộ diễn ra nhiều lễ hội đặc...