Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn thường diễn ra trong 3 ngày 6, 7, 8 tháng 2 âm lịch hàng năm tại Hội quán Lệ Châu, quận 5, TP.HCM.

Lễ hội được tổ chức rất quy mô, quy tụ hàng ngàn người trong ngành thợ kim hoàn, không chỉ riêng TP.HCM, mà từ các tỉnh Nam Bộ cũng về dự, cúng bái tổ sư khai sáng ngành kim hoàn.

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM - 1

Hội quán Lệ Châu, nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại Sài Gòn – TP.HCM, tọa lạc trên một khu đất rộng 805 m2, phường 14, quận 5, TP.HCM. Ngôi nhà đã tồn tại hơn 100 năm, là nhà thờ tổ nghề thợ bạc được xây dựng sớm nhất tại Sài Gòn và cả vùng Nam Bộ. 

Theo các tài liệu sử học, những năm cuối thế kỷ 19, Sài Gòn đã là một khu công nghiệp khá quan trọng. Thợ thủ công Sài Gòn có tay nghề cao và được tổ chức thành các "ty thợ", "phường thợ". Riêng nghề thợ bạc (nghề kim hoàn ngày nay) rất phát triển.

Làm cho nhà nước thì có các ty: ty thợ bạc Nội, ty thợ bạc Tả Trung, ty thợ bạc Hữu Trung... Còn tư nhân thì tập trung lại thành các lò thợ bạc. Xung quanh vùng Chợ Lớn đã có tới hơn 30 lò thợ bạc hành nghề. 

Một số chủ lò thợ bạc có uy tín ở vùng Chợ Lớn đã đứng ra vận động quyên góp, mua được một khu đất ở đường Thủy Binh (Rue des Marins tức đường Trần Hưng Đạo B ngày nay). Nhà thờ tổ được xây cất bắt đầu từ năm 1892 đến năm 1896 thì hoàn thành. 

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM - 2

Nhà thờ tổ đã trải qua nhiều đợt trùng tu lớn vào các năm 1920, 1934, 1946. Lần trùng tu lớn cuối cùng là tháng 8/1968 đã xây lại toàn bộ nghĩa từ và sửa chữa lớn ở chánh điện do bị bắn phá hư hại.

Chánh điện được xây theo kết cấu ba gian dọc, có hai hàng cột chạy dài từ ngoài vào trong, tường gạch tô, mái lợp ngói âm dương. Bài trí ở chánh điện đơn giản, không có một pho tượng nào. Mặt trường chính của chánh điện đặt ba khám thờ được trang trí bằng những bao lam chạm trổ rồng, phụng, hoa, điểu... sắc nét công phu.

Chính giữa là khám thờ lớn ở trong đặt các đồ thờ tự và bài vị với hai chữ "Tổ Sư" được viết theo lối đại tự đẹp, chân phương và sơn son thếp vàng. Hai bên là hai khám thờ nhỏ, khám thờ bên phải đề hai chữ "Tiền Hiền", khám thờ bên trái đề hai chữ "Hậu Hiền". 

Từ ngoài vào trong dọc theo các hàng cột có 6 cặp câu đối và 9 bức hoành phi với nội dung tập trung vào chủ đề nhớ ơn tổ nghiệp, ca ngợi sự phát triển thịnh đạt của nghề thợ bạc.

Tất cả các hoành phi, câu đối, bao lam... đều được sơn son thếp vàng với chất lượng giấy qui có độ tuổi vàng cao nên đều láng bóng và rõ nét, dù tất cả đều có niên đại khá lâu.

Trong nhà thờ tổ còn tồn giữ được một số hiện vật khá độc đáo: Một cái trống lớn có chiều cao 1,10m, đường kính 0,60m, tang trống không phải bằng các mảnh gỗ ghép mà lại là một cây gỗ tròn lớn khoét rỗng.

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM - 3 

Đi đôi với trống là một quả chuông cao 1m, đường kính 0,50m, trên chuông để niên đại năm Ất Mùi (1895) do thợ Hà Nội chế tác và ghi rõ họ tên 14 người trong nghề thợ bạc phụng cúng để tỏ lòng thành kính tổ sư.

Đặc biệt là 4 tấm bia đá đặt đối nhau ở hai bức vách chánh điện, niên đại 1895, 1916, 1920. Trên các tấm bia khắc tên họ, tên hiệu, địa phương, số tiền đóng góp để xây dựng nhà thờ tổ.

Qua đó cho thấy có mặt đệ tử nghề thợ bạc khắp Nam kỳ lục tỉnh, người Hoa, người Việt. Bên cạnh những tên hiệu chữ Hán Nôm như: Thịnh Đức, Kim Phước, Đức Phát... còn có những tên hiệu rất Nam Bộ như: Năm Sương hiệu, Bảy Trừ hiệu... 

Theo truyền thuyết nhà thờ tổ sư nghề thợ bạc này, được dựng lên để thờ một vị tổ sư họ Trần (không rõ tên), quê từ miền ngoài vào, nguyên là thợ bạc trong cung nội, học nghề thợ bạc từ hai vị cao tổ của nghề kim hoàn Việt Nam là hai cha con: "Đệ nhất tổ sư" Cao Đình Độ (1743 - 1810, hiệu "Đệ nhất tổ sư" do vua Gia Long phong năm 1810) và "Đệ nhị tổ sư" Cao Đình Hương (1773 - 1821, hiệu "Đệ nhị tổ sư" do vua Minh Mạng phong năm 1821). 

Ngày nay lăng mộ hai vị tổ sư đều tọa lạc tại phường Trường An, nằm phía Nam kinh thành Huế, nhà thờ hai vị tổ sư - gọi là từ đường họ Kim Hoàn - ở số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế.

Tại đây còn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định, phong thần cho hai vị tổ sư: "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần". Vị tổ sư họ Trần lưu lạc vào Nam bộ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và truyền nghề thợ bạc tại Nam Kỳ vào những năm giữa thế kỷ 18. 

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM - 4Hội quán Lệ Châu đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 1811/1998/QĐ-BVHTT ngày 31/8/1998.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Lệ Châu hội quán được trang hoàng rực rỡ, nến và hương được thắp từ trong đến ngoài, tạo cho ngày giỗ hết sức trang nghiêm. Mặc dù mùng 7 mới là chính lễ, nhưng việc cúng tế đã được chuẩn bị trước đó vài ngày.

Mở màn giỗ tổ là tối mùng 6/2 với nghi thức cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư thợ bạc Việt Nam của các vị vua Triều Nguyễn cho người tham dự, đặc biệt là người trong nghề hiểu biết xuất xứ của tổ nghề.

Ngày chánh tế mùng 7/2, cúng ba “Viên” theo nghi thức lễ giỗ truyền thống. Viên thứ nhất cúng Chấp minh vào 8 giờ sáng để rước tổ sư. Viên thứ hai cúng Chánh tế tổ sư từ 22 giờ đến 24 giờ. Viên thứ ba diễn ra vào 16 giờ ngày 8/ 2, tế nghĩa từ - những người có công xây dựng Hội quán Lệ Châu.

Lễ hội giỗ tổ nghề kim hoàn ở TP.HCM - 5

 Viên là cách gọi về mỗi phần lễ. Viên được tiến hành theo nghi thức cổ truyền, dâng phẩm vật như trà, bánh, trái cây, heo quay…Trong các viên, chánh hoặc phó hội trưởng Hội quán Lệ Châu đọc văn tế, đọc trong ngày giỗ tổ do soạn giả cải lương Viễn Câu sáng tác, thay vì xưa kia chỉ xây chầu hát bội.

Những thành viên ban quản trị đền thờ trong bộ lễ phục áo dài khăn đóng, đứng trước bài vị tổ sư vái lạy. Bên trong đền, những người thợ bạc thắp hương và dâng mâm hoa quả xếp hình long, lân, quy, phụng với tấm lòng thành kính, biết ơn người đã có công truyền dạy nghề cho con cháu, giúp ích cho xã hội và mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình họ.

Nếu xưa kia, Hội quán Lệ Châu là nơi hội họp quan trọng của những người thợ bạc vùng đất lục tỉnh thì ngày nay, nơi đây đã trở thành nơi để thợ kim hoàn thể hiện lòng biết ơn đối với tổ nghề, họ còn tìm thấy một sức mạnh tinh thần để có thêm niềm tin đối với bản thân cũng như nghề nghiệp.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT