Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mỗi năm một lần, người Ấn Độ sinh sống tại TP.HCM tụ họp, cùng nhau tạo nên một lễ hội đậm màu sắc văn hóa và tôn giáo.

Từ ngày 1/10 đến ngày 5/10, chuỗi sự kiện của lễ hội Durga Puja (দুর্গা পূজা) được tổ chức tại đền thờ Sri Thendayuthapani (66 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, TP.HCM) của những người Ấn Độ gốc Tamil.

Lễ hội Durga Puja được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12/2021. Ngày lễ thường được tổ chức vào tháng Ashwin theo Ấn lịch, tức rơi vào từ tháng 9 đến tháng 10 dương lịch.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 1

Những người phụ nữ chuẩn bị hoa tươi để kết vòng hoa dâng lên nữ thần Durga.

Lễ hội Durga Puja là một lễ hội truyền thống đặc biệt quan trọng của cộng đồng tín đồ Hindu giáo trên toàn thế giới. Lễ hội này nhằm tôn vinh nữ thần Durga và kỷ niệm sự kiện nữ thần chiến thắng Mahishasura.

Trong truyền thống Hindu giáo, nữ thần Durga (दुर्गा) có vị thế vô cùng đặc biệt. Thần Durga được tôn thờ như một trong các biểu hiện của nữ thần vĩ đại Mahadevi (महादेवी).

Thần Durga biểu trưng cho sự nữ tính, được xem là nữ thần của sự bảo hộ, sức mạnh, tình mẫu tử, sự hủy diệt, chiến tranh và hội tụ mọi năng quyền của chư Thần. Bà được tín đồ Hindu giáo tôn thờ như một hiện thân của cái thiện, các truyền thuyết về bà gắn liền với những trận chiến đấu diệt trừ ma quỷ.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 2

Mọi người nhận phép lành từ ngọn lửa trong nghi lễ Ārātrika.

Theo Laura Amazzone, nhà nghiên cứu về Ấn Độ, thần Durga “được cho là sẽ giải phóng cơn thịnh nộ thần thánh của mình chống lại kẻ ác để giải phóng những người bị áp bức, và mang đến sự hủy diệt để trao quyền cho tạo vật”.

Kinh điển của đạo Hindu cho rằng lễ hội này đánh dấu sự chiến thắng của nữ thần Durga trong trận chiến chống lại ác quỷ (asura) Mahishasura. Mahishasura trong niềm tin của đạo Hindu là một con quỷ trâu chuyên biến đổi hình dạng để dối gạt con người, tên của nó là một từ ghép bởi từ “Mahisha” có nghĩa là “con trâu” và “Asura” có nghĩa là “quỷ dữ”.

TS. Nguyễn Trần Tiến - Khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Lễ hội Durga được tổ chức trong một thời gian đặc biệt để hát thờ phượng vinh quang của các nữ thần, cầu nguyện cho sức khỏe, thịnh vượng, tâm thanh tịnh, tình yêu, hòa bình và hạnh phúc. Khi nhiều người cùng cầu nguyện trong thời gian này, năng lượng tập thể trở nên rất mạnh mẽ, lời nguyện cầu sẽ được các nữ thần lắng nghe”.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 3

Nữ thần Durga.

Ngày cuối cùng của lễ hội được xem là trọng tâm của chuỗi các sự kiện, và được gọi là ngày “Sindur Khela” (সিঁদুর খেলা). Phần chính của ngày lễ được cử hành vào 10:30 sáng với nghi thứ “Sindur Khela” nhằm tán dương công trạng của nữ thần chiến tranh Durga.

Sau khi cử hành một chuỗi các nghi thức như: thổi kèn ốc xà cừ Shankha, đánh trống bồng đánh chuông, ca vang kinh nguyện tán tụng và các lễ nghi làm phép, ban phước lành là lúc quan trọng tiến hành hoạt động quan trọng nhất trong ngày cuối cùng của kỳ lễ.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 4

Cô Punyatoya bên mâm lễ vật.

Những người phụ nữ đã lập gia đình sẽ là nhóm người chính yếu thực hiện thực hành tâm linh độc đáo này. Mỗi người sẽ sắp xếp một mâm lễ gồm các loại thức ăn đựng trong các dĩa nhỏ đã được chuẩn bị sẵn từ trước, đèn thắp, vài lá trầu không, hoa, và quan trọng nhất là thứ bột màu đỏ cam truyền thống của người Ấn Độ gọi là “Sindooram”.

Trong các cộng đồng Hindu giáo, bột màu Sindooram là dấu hiệu nhận biết về tình trạng hôn nhân của một người phụ nữ khi họ bôi nó lên mặt, trán và chân tóc – đó cũng là lý do trong ngày lễ này tục bôi Sindooram chỉ đặc biệt dành riêng cho những người phụ nữ đã kết hôn, nhưng bên cạnh đó không có giáo luật nào ngăn cấm những người nam đã lập gia đình thực hành.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 5

Những người phụ nữ sau khi cử hành nghi lễ.

Sau khi thực hiện xong các nghi thức tán tụng, lần lượt những người phụ nữ sẽ lấy bột màu Sindooram bôi lên linh tượng nữ thần Durga, tiếp đó họ bôi vào mặt và bàn tay của nhau, rồi đút cho nhau ăn các thức ăn đã được chuẩn bị sẵn.

Thức ăn này trước đó đã được dâng cúng lên cho nữ thần, họ tin rằng thức ăn đã được bà ban phép lành trong khi dâng lên với tấm lòng chân thành. Họ trao cho nhau những cái ôm thân tình, những nụ cười tỏa rạng, những lời chào ấm áp. Niềm tin vào sự bảo hộ của nữ thần giúp họ cảm thấy được bình yên khi sinh sống nơi vùng đất lạ, cho họ thêm vững vàng trong cuộc đời.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 6

Mọi người trao cho nhau những cái ôm nồng ấm.

Lễ hội Ấn Độ rực rỡ màu sắc giữa Sài Gòn - 7

Mọi người dọn hoa khi hoàn tất nghi lễ chúc tụng nữ thần.

Là một nghi lễ đặc biệt của đạo Hindu nhưng ít được biết đến, việc trải nghiệm lễ hội Durga Puja làm khách hành hương như lạc vào một không gian xa lạ đầy những huyền bí và màu nhiệm.

Tiếng kèn Shankha và tiếng trống giòn giã thôi thúc cảm xúc khách tham quan, rộn ràng theo những nhịp vỗ tay náo nức của các tín đồ. Nụ cười tỏa sáng hiện trên môi, sự nồng nhiệt trong từng ánh mắt của mỗi người làm ấm lòng bất kỳ ai ghé lại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duệ Uyên

CLIP HOT