Giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong lễ cắp sắc của người Dao

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dân tộc Dao ở Cao Bằng có hai ngành là Dao Đỏ và Dao Tiền, cả hai ngành đều có di sản văn hóa phi vật thể lễ cấp sắc rất độc đáo. Tuy nghi thức và nội dung tổ chức lễ của mỗi ngành Dao có một số đặc điểm khác nhau nhưng đều ẩn chứa chung những giá trị nhân văn sâu sắc về quan niệm thế giới tâm linh, mang tính giáo dục cao và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng.

Giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong lễ cắp sắc của người Dao - 1

Phụ nữ Dao Tiền trong trang phục truyền thống tham gia lễ cấp sắc.

Lễ cấp sắc là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian với những nội dung rất đặc sắc miêu tả về quá trình di cư, định cư cũng như quá trình đấu tranh chinh phục chống lại các thế lực siêu nhiên giành lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, lễ cấp sắc vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng công nhận sự trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần của người đàn ông Dao. Người Dao nói chung rất coi trọng việc làm lễ cấp sắc, bất kể người đàn ông nào từ khi sinh ra đều phải làm lễ cấp sắc, nếu không dù nhiều tuổi vẫn bị xem là chưa trưởng thành. Qua lễ cấp sắc mới được thánh thần công nhận, được cấp sắc, âm binh, tu luyện pháp thuật (nếu người đó muốn làm thầy cúng), khi sống làm ăn, sinh hoạt được may mắn; lúc chết mới được về với tổ tiên, linh hồn mới được siêu thoát nơi thiên đường, không phải xuống địa ngục. 

Trong lễ cấp sắc, nghi lễ quan trọng chính là lễ cấp bằng, đây là bằng ghi tên công nhận người được cấp sắc. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ đó. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ. Người được cấp sắc sẽ phải giữ bản sắc này suốt cuộc đời, khi qua đời sẽ được đốt trong đám ma.

Sau khi được cấp sắc người đàn ông dân tộc Dao mới có đủ điều kiện để làm lễ cúng bái và được giao tiếp với thần linh. Người được cấp sắc bậc một phải tiếp tục học hỏi, tu dưỡng hơn nữa để được cấp sắc bậc hai và phấn đấu để được cấp sắc cao hơn nữa. Cấp sắc càng cao càng được xem là niềm vinh dự lớn của gia đình, dòng họ mà tất cả những người đàn ông Dao đều hướng tới. 

Lễ cấp sắc ngoài thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Dao, còn thể hiện đạo lý làm người, hướng con người tới cái thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên. Ông Trịnh Kiểm Pu, 67 tuổi, xóm Lũng Kẻng, xã Vũ Minh (Nguyên Bình), là người Dao Đỏ rất am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời, bản thân đã nhiều lần trực tiếp là thầy cúng trong lễ cấp sắc, chia sẻ: Các nghi lễ trong quá trình cấp sắc có ý nghĩa giáo dục cho lớp người sau không được quên tổ tiên, phải sống lương thiện.

Đặc biệt, trong lễ cấp sắc thầy cúng đã cung cấp cho người thụ lễ một hoặc hai đạo sắc. Trong đó, có 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Những điều cấm và nguyện chính là tôn chỉ cơ bản trong nghi thức cấp sắc, tất cả đều được linh thiêng hoá và đã trở thành những điều răn dạy con cháu phải nhớ ơn tổ tiên, hiếu kính cha mẹ, sống đoàn kết, gắn bó, bỏ qua những hiềm khích. Lời răn ấy còn hướng đến những giá trị tốt đẹp cho mỗi gia đình. Mong muốn con cháu học hành thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm rạng rỡ cho quê hương.

Trong lễ cấp sắc, các bài múa là một phần nội dung không thể thiếu. Trong các điệu múa có đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Âm nhạc hòa cùng các điệu múa tạo nên khung cảnh mang yếu tố linh thiêng của nghi lễ thờ cúng. Múa ở đây còn là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh, thể hiện ước mơ khát vọng của mình với thần linh, cầu mong thần linh che chở phù hộ cho cả gia đình và cộng đồng có cuộc sống yên vui, no đủ. Trong các bài múa không thể thiếu nhạc cụ và trang phục phụ trợ cho các động tác như thẻ bài (bằng gỗ hoặc ngà voi), chuông, mặt nạ, gậy…

Những điệu múa trong nghi lễ cấp sắc vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Tiếng bước chân rầm rập của người nhảy múa, tiếng cười nói rôm rả của người xem, tiếng trống, tiếng chiêng với tiết tấu dồn dập làm cho không khí buổi lễ rất vui nhộn, hào sảng và mang đầy sức sống. Không chỉ đơn thuần mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh mà còn là sự kế thừa văn hóa truyền thống, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, là sự tái diễn lại hoạt động trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. 

Đặc biệt, qua lễ cấp sắc cho thấy tính cộng đồng rất cao của người Dao. Trong quá trình chuẩn bị trước, trong và sau buổi lễ cấp sắc họ luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm, nương tựa vào nhau, hết lòng giúp đỡ nhau, giàu tình nghĩa và đầy sẻ chia. Bà Hoàng Thị Xuôi, dân tộc Dao, 75 tuổi, xóm Tắp Ná, xã Thanh Long (Hà Quảng) cho biết: Thông thường làm lễ cấp sắc 12 đèn có khoảng 35 - 45 cặp vợ chồng và hàng trăm người tham dự, không chỉ có đồng bào Dao bản địa mà còn có đồng bào Dao ở các xã lân cận về tham dự. Bởi số người tham dự lễ và khách đến rất đông, thời gian diễn ra khá dài (2 - 3 ngày thậm chí 5 - 7 ngày), do đó, các lễ vật chuẩn bị cho lễ cấp sắc, ngoài những đồ dùng cá nhân, gia chủ làm lễ sẽ đứng ra huy động đóng góp chung của những người thụ lễ. Các gia đình không có người làm lễ nhưng rất nhiệt tình tham gia giúp đỡ và mang thêm lương thực, thực phẩm để ủng hộ và giúp đỡ trong suốt quá trình làm lễ.

Lễ cấp sắc trở thành môi trường gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Thông qua lễ cấp sắc, nhiều loại hình trình diễn dân gian được bảo tồn và phát huy giá trị.

Lễ cấp sắc luôn đóng vai trò là cầu nối, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong cộng đồng; là sự thống nhất, đoàn kết về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, tạo ra một sợi dây vững chắc, sự cố kết vững chắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Dao ở Cao Bằng. Các nghi thức, cư xử trong lễ cấp sắc của người Dao ở Cao Bằng đã thể hiện rất sinh động, biện chứng trong quan niệm nhân sinh, đồng thời, nó cũng thể hiện cả những yếu tố tâm linh của người Dao và sự ứng xử giàu tính nhân văn trong cuộc sống cộng đồng từ xưa đến nay. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Xuân Lam (Báo Cao Bằng)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.