Chợ tình Sa Pa sẽ tiếp tục tái hiện vào cuối năm 2021
Chợ tình Sa Pa sẽ được Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai tiếp tục tái hiện vào cuối năm 2021 tại 02 Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai
Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Lào Cai, Chợ tình Sa Pa được tái hiện nhằm truyền tải, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa độc đáo của địa phương; góp phần tái hiện những nét đẹp của chợ tình Sa Pa xưa, giúp cho thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc tại Sa Pa và du khách thập phương hiểu đúng về giá trị văn hóa của chợ tình, giúp cho du khách có trải nghiệm chân thực về phiên chợ tình xưa.
“Chợ Tình Sa Pa” là một nét văn hóa đặc sắc riêng biệt của đồng bào các dân tộc Sa Pa. Trước kia khi việc đi lại còn nhiều khó khăn, để kịp đến chợ phiên Sa Pa vào sáng chủ nhật, đồng bào phải đi từ chiều thứ Bảy, ngủ tại chợ vào buổi tối.
Tối thứ Bảy là ngày hội đúng nghĩa, khi những người thân yêu, những người bạn hoan hỉ mừng vui bên chén trà, chén rượu, đôi trai gái được gặp nhau bên câu hát. Phiên chợ này chưa tìm được người thương thì hẹn nhau phiên chợ tới. Cứ thế, tình yêu của các đôi lứa nảy nở từ những phiên “Chợ Tình”. Và “Chợ Tình Sa Pa” xuất hiện trong tâm thức của đồng bào giản đơn, dung dị như chính ý nghĩa sơ khai như thế.
Chương trình tái hiện Chợ tình Sa Pa gồm 2 hoạt động chính là tái hiện “Chợ phiên Sa Pa” và tái hiện “Chợ tình Sa Pa”.
Đến với Chợ phiên Sa Pa, du khách được sống trong không gian đích thực của Sa Pa xưa với tiếng khèn, tiếng sáo Mông réo rắt. Bên mùi thơm của khói bếp hòa cùng mùi thảo quả trong chảo thắng cố đang sôi sùng sục, bạn có cơ hội trải nghiệm văn hóa chợ phiên, tìm hiểu cách người Sa Pa đến chợ mua bán hàng hóa, gặp gỡ bạn bè, tìm người thương trong háo hức.
Nếu như Chợ phiên Sa Pa là phần thân không thể thiếu, thì tái hiện Chợ tình Sa Pa chính là linh hồn của sản phẩm du lịch này. Với Chợ tình Sa Pa, du khách được trải nghiệm một không gian mở, được nghe được thấy và trải nghiệm cảm xúc đối với chuyện tình, chuyện đời, chuyện người vùng cao, với đâu đó là đôi trai gái người Mông, người Dao ngồi che ô trò chuyện, hay tâm tình trong không gian, đâu đó là đám thanh niên người Mông đang giúp một chàng trai kéo vợ (hai pù), hay bên kia là một đám rước dâu của người Dao đỏ đang đưa cô gái về nhà chồng.... trong tiếng gió rít thông reo, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi…
Chợ tình phong lưu thường được tổ chức vào ngày thứ bảy, tuần thứ 2 của tháng 4, tại chợ trung tâm xã Du Già, Yên Minh,...