Hằng năm, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 âm lịch, tại Linh Sơn Tiên Thạch tự (Núi Bà Đen) diễn ra lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu với chương trình nghi lễ dân gian đặc sắc. Lễ vía Bà được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung.
Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian, nơi đây hàng năm diễn ra những lễ hội lớn không chỉ của tỉnh Tây Ninh mà còn của cả một vùng đất Nam Bộ.
Vị thần được thờ chính ở trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà khoảng lưng chừng núi. Những ngày hội lễ được xem là quan trọng nhất ở Núi Bà trong năm đó là lễ vía Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, mùng 5 và mùng 6 tháng 5 âm lịch.
Lễ vía Bà được chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó, đến đêm ngày mùng 3 rạng sáng ngày 4 sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo mới cho Bà.
Người ta tin rằng nước tắm tượng Bà thải ra chính là một vị thần chữa được bá bệnh, và ngay cả khăn lau với bộ áo cũ của tượng Bà cũng là một thứ bùa ngải linh thiêng, nên không ít người mê tín đã đến xin hoặc mua nước tắm, khăn lau áo cũ tượng Bà để đem về chữa bệnh. Sau lễ tắm và thay áo cho Bà, các cửa điện được mở rộng để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà.
Trong suốt ngày này, các vị sư liên tục thay nhau tụng kinh trước bàn thờ Bà.
Sáng ngày mồng 4, lễ hội Núi Bà được bắt đầu sau khi nghi thức tắm và thay áo cho Bà xong, các du khách tập phương sẽ xếp hàng vào chánh điện để chiêm bái thắp hương cầu khấn Bà.
Những ngày này, người dân, du khách từ nhiều nơi xa đã đổ về dâng hương tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh.
Người dân tới đây để tưởng nhớ và cảm ơn công đức của Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và cầu Bà ban cho sức khỏe, an bình và tài lộc cho bản thân, gia đình.
Trong suốt ngày mùng 4 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài "Địa Nàng", múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc và múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ...). Trong ảnh là nghệ nhân trang điểm cho tiết mục bóng tuồng hài Địa - Nàng
Các nghệ nhân trong vai Thổ Địa - Hằng Nga trước giờ biểu diễn
Địa - Nàng là chặp tuồng hài hước tổng hợp kiểu cách diễn của bóng rỗi lẫn tuồng (hát bội), thường gắn với lễ cúng miễu Bà hoặc miễu Thổ Địa.
Cuộc hát chỉ có 2 nhân vật (Địa và Nàng) theo cốt truyện đơn giản: Tiên nữ Hằng Nga (Nàng) vâng lệnh Tây Vương mẫu xuống trần để hái lộc cầu an cho dân chúng, nhờ Thổ Địa (Địa) dẫn đi đến huê viên để ‘’khai mạch giếng tưới cây huề”. Địa được dịp làm khó, vòi vĩnh, đùa giỡn với tiên nữ.
Lối diễn vừa theo bài bản vừa ứng tác; hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo tuồng; các bài hát chắt lọc từ tuồng và các làn điệu dân ca quen thuộc; hóa trang cũng theo phong cách tuồng hài; ứng đối giữa Địa và Nàng vui nhộn, dẫn dắt câu chuyện tài tình khiến cho cốt truyện đơn giản trở nên thú vị.
Trải qua nhiều thế kỷ, với giá trị tâm linh, văn hóa đặc sắc, lễ hội đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" và là sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm hiểu.
Trong ngày 5 tháng 5 (Âm lịch) là ngày Lễ vía chính thức dâng Bà 10 món, gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu…
Ngày mùng 6 tháng 5 (Âm lịch) sẽ dành cho việc cúng cô hồn, uống tử và chẩn tế cho bá tánh..., những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về Núi Bà Đen và hành lễ ở Điện Bà.