Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Người Hoa ở Chợ Lớn đón Tết nửa năm bằng bánh bá trạng, hay còn gọi tên dễ thương là bánh ú. Mọi câu chuyện của ngày này đều từ chiếc bánh 5 góc mà ra.

Bánh bá trạng lá tre có 5 góc tượng trưng cho ngày 5/5 âm lịch, đã có mặt từ rất lâu và được nhiều thế hệ gia đình người Hoa gìn giữ tới hiện tại. Bên trong lớp lá gói là lớp gạo nếp được ngâm kỹ và nấu chín, sâu hơn nữa là phần nhân đa dạng gồm thịt, nấm và gia vị.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 1

Gói bánh bá trạng thành 5 góc, tượng trưng cho ngày 5/5 ÂL.

Người Hoa có thật nhiều Tết

Đầu năm có Tết, rằm tháng Giêng có Tết, cuối năm có Tết thì giữa năm không thể không có Tết. Quả không sai, Người Hoa có thật nhiều Tết.

Tết Đoan Ngọ của người Hoa xuất phát từ sự tích cách đây 2.000 năm ở nước Sở thuộc Trung Quốc ngày nay. Thời bấy giờ, Khuất Nguyên là một nhà thơ muốn hiến kế giúp nước, nhưng bị quan lại bảo thủ chia phe hãm hại khiến ông bị vua nghi ngờ rồi bị đày đi khổ sai ở vùng hẻo lánh.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 2

Tục ăn bánh ú đã có từ 2.000 năm trước và được duy trì liên tục qua nhiều thế hệ.

Không lâu sau, nước Sở bị nước Tần đánh chiếm và tiêu diệt. Khuất Nguyên biết tin, hết sức căm phẫn bèn nhảy sông Mịch La tự vẫn đúng ngày 5/5 ÂL. Dân địa phương vì thương xót, dùng lá và nếp gói tôm thịt thành một thứ bánh để dâng lên cho ông, từ đó có tục ăn bánh ú trong ngày Đoan Ngọ.

Ngày nay, Tết Đoan Ngọ được tổ chức ở nhiều quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Người Hoa sống tại Việt Nam mà đặc biệt là khu Chợ Lớn xem ngày này như dịp để đoàn viên gia đình, cả nhà cùng quây quần nấu bánh, tề tựu dùng chung mâm cơm.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 3

Chiếc bánh kết nối nhiều thế hệ

Nhiều gia đình người Hoa tại Chợ Lớn cứ mỗi năm đến ngày này đều đỏ lửa nấu bánh, duy trì truyền thống như vậy hàng chục năm qua. Con cháu dù lớn, đi làm nơi xa, nhưng vẫn trở về nhà cùng ông bà, cha mẹ gói bánh, vớt bánh rồi thưởng bánh.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 4

Bánh được vớt từ nồi sau khi nấu hàng tiếng đồng hồ.

Bà Lâm Trinh (Quận 5, TP.HCM) là chủ một cơ sở bánh bá trạng rất được lòng thực khách. Gần đây do tuổi cao, bà truyền lại công thức cho con cháu, đây cũng là bí quyết được truyền từ đời nội của bà.

Theo đó, để chiếc bánh ngon và khách vào ăn nhớ mãi, thì vị bánh phải thật ấn tượng, mùi hương thật thơm. Yếu tố tiên quyết chính là nguyên liệu để làm bánh phải là loại tốt nhất, dù giá có cao hơn đôi chút nhưng bù lại hương vị bánh vô cùng đặc trưng.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 5

Mâm nguyên liệu cơ bản gồm nếp, đậu xanh, nấm, tôm, thịt và trứng muối.

Bà Lâm chia sẻ thêm, nguyên liệu để làm bánh không thể không có đậu phộng, nếp, đậu xanh, thịt ba rọi, trứng muối, tôm khô, nấm đông cô. Thịt ba rọi phải lựa phần thịt ngon, phần nạc, mỡ và da đầy đủ. Tất cả đều được sơ chế nêm nếm gia vị vừa ăn trước khi gói. Đây cũng là công đoạn khó nhất vì quyết định mùi thơm của nhân.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 6

Người trẻ quây quần cùng gia đình làm bánh bá trạng. Ảnh: Asian Yeah.

Bá Trạng đa hình đa dạng

Theo giải nghĩa từ người Hoa ở TP.HCM, “bá” có nghĩa là thịt, còn “trạng” nghĩa là bánh ú. Tuy nhiên ngày nay nhân bánh không chỉ có thịt, tôm khô hay trứng muối kiểu truyền thống mà còn được biến tấu đủ loại, chẳng hạn bánh ú nhân ngọt hay bánh ú hạng sang với nhân bào ngư, vi cá.Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 7

Bà Huỳnh đã bắt đầu gói bánh ú từ hơn 50 năm trước.

Bánh bá trạng chuẩn Phúc Kiến tại Quận 6, nếp đen thơm mùi hắc xì dầu, được gói bằng lá tre với thịt ba rọi, nấm đông cô, đậu phộng, trứng muối và tôm khô cỡ đại. bánh ú Triều Châu thì mang mùi vị truyền thống kết hợp giữa mặn và ngọt.

Sau nhiều tiếng nấu, bánh vớt ra phải được treo lên cho ráo nước, không được để đè lên nhau. Bánh thành phẩm có mùi thơm đặc trưng là mùi của ngũ vị hương, hương thơm thoảng của nếp, vị bùi bùi của hạt đậu phộng, vị beo béo của trứng vịt muối cùng vị thơm của miếng thịt ba rọi, nấm đông cô quyện vào nhau.

Đến Chợ Lớn thưởng thức bánh bá trạng ngày Tết Đoan Ngọ - 8

Con đường Tuệ Tĩnh ở Quận 11 nổi tiếng với những nồi bánh đỏ lửa liên tục mùa Đoan Ngọ.

Bà Cẩm Huỳnh (Quận 6, TP.HCM) đã làm và bán bánh từ thập niên 1960, cho biết mình có 5 người con đều lập gia đình và ở riêng, nhưng mỗi khi đến mùng 5 tháng 5, con cái đều về thăm mẹ và cùng làm bánh. Con đường Tuệ Tĩnh tập trung đông các hộ làm bánh, tạo nên không khí vui nhộn dù giữa dịch bệnh trầm lắng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Anh

CLIP HOT