Đền thờ từ hơn 10 nghìn năm trước khiến thế giới kinh ngạc
Trung Đông là một trong những cái nôi của nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới với nhiều di tích có từ hơn 10,000 năm trước vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Göbekli Tepe – Thổ Nhỹ Kỳ (10.000–9000 TCN)
Göbekli Tepe là địa điểm tổ chức nghi lễ tôn giáo và hành hương lâu đời nhất được biết đến trên thế giới, nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, nơi từng là Lưỡng Hà Cổ đại.
Di sản Thế giới được UNESCO công nhận bao gồm một số vòng tròn đá với những hình chạm khắc đáng kinh ngạc về động vật và các linh mục.
Nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt bắt đầu cuộc khai quật tại Göbekli Tepe vào giữa những năm 1990. Khu di tích này rộng lớn đến mức trong một cuộc phỏng vấn năm 2008, ông cho rằng phải mất ít nhất 50 năm nữa các nhà khảo cổ mới có thể tìm hiểu hết quần thể ở đây.
Hagar Qim và Mnajdra - Malta (3700–3200 TCN)
Cho đến khi khai quật Göbekli Tepe, đây được cho là nơi có những ngôi đền cổ nhất trên thế giới: Hai ngôi đền đá thời tiền sử Hagar Qim và Mnajdra - chỉ cách nhau 500 mét, trên đỉnh một vách đá nhìn ra Biển Địa Trung Hải.
Các phiến đá lớn tạo thành các ô cửa, hốc và đỉnh của chúng vẫn ở trong tình trạng tuyệt vời. Cả hai ngôi đền đều ca ngợi mặt trời và sự thay đổi bốn mùa, với ánh sáng tràn vào Hagar Qim trên điểm phần thông qua một lỗ hình elip được khoan xuyên qua đá.
Ggantija - Malta (3600–3200 TCN)
Ggantija là một ngôi đền cự thạch khác ở quần đảo Malta. Tên gọi Ggant có nghĩa là “khổng lồ” trong tiếng Malta. Ngôi đền được gọi tên như vậy bởi một số viên đá của nó nặng tới 55 tấn và cao hơn 5 mét.
Người dân địa phương thường kể về câu chuyện những người khổng lồ cư trú ở đây, nhưng các nhà khảo cổ tin rằng địa điểm này được sử dụng cho nghi lễ hiến tế. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra lượng xương động vật và dao đá trong quá trình khai quật. Một số bức tượng nhỏ bằng đất sét và đá vôi cũng được tìm thấy tại khu vực này.
Ħal Saflieni Hypogeum - Malta (3300–3000 TCN)
Ngôi đền thời đồ đá mới tuyệt đẹp nằm dưới một hang động này không dành cho những người yếu tim. Những bậc thang đá vôi khổng lồ dẫn bạn xuống những lối đi hẹp để đến một trong những khu di tích ngầm đẹp nhất thế giới.
Thánh địa này thường đơn giản được gọi là Hypogeum (tiếng Malta: Ipoġew), nghĩa đen có nghĩa là "ngầm" trong tiếng Hy Lạp.
Nơi đây gồm một nghĩa địa mà các nhà khảo cổ cho rằng là nơi lưu giữ hài cốt của khoảng 7000 người và một nơi thờ cúng các vị thần linh, thực hiện các nghi lễ.
Đền thờ được tình cờ phát hiện vào năm 1902 khi các công nhân xây bể chứa nước của một dự án phát triển nhà đã cắt phá phải phần nóc của cấu trúc. Ban đầu, các công nhân cố tình che giấu nhưng cuối cùng nó đã được đưa ra thế giới.
Hypogeum giống như các ngôi đền cự thạch khác trên đảo, dùng để quan sát sự chuyển đổi của các mùa. Khi ngày đông chí đến, căn phòng bên trong mang tên "The Holy of Holies” sẽ tràn ngập ánh sáng từ trên cao.
Stonehenge - Vương quốc Anh (3000 - 2000 TCN)
Vòng tròn đá nổi tiếng nhất thế giới chứa đựng nhiều bí ẩn và nhiều cách diễn giải. Nó được gọi là nơi đăng quang, trung tâm chữa bệnh, nơi thờ cúng tổ tiên và thậm chí là đền Druid (những phù thủy xứ Celtic).
Ngày nay, các nhà khảo cổ học cho rằng những viên đá này đã tạo thành một ngôi đền nghi lễ thẳng hàng với mặt trời và các vì sao. Công trình kiến trúc 5000 năm tuổi nổi tiếng này vẫn khiến du khách phải kinh ngạc.
Hầu hết mọi người phải chiêm ngưỡng nó từ xa. Tuy nhiên, vào mùa hè và mùa đông, du khách có thể đến gần những viên đá để quan sát.
Ziggurat Of Ur - Iraq (2100 TCN)
Vị vua Lưỡng Hà cổ đại Ur Nammu đã xây dựng Ziggurat of UR (còn được gọi là Đại Ziggurat) hơn 4000 năm trước.
Công trình khổng lồ giống như kim tự tháp được cho là một trong những khu phức hợp các công trình tôn giáo ở tỉnh Dhi Qar của Iraq hiện đại ngày nay.
Nơi đây được xem là các Đài chiêm tinh, ra đời trên cơ sở sùng bái đồi núi, sùng bái các thiên thể và tục lệ xem sao, các vì tinh tú trên trời.
Nhà văn - nhà địa lý Hy Lạp cổ đại Herodotus đã đến thăm địa điểm này trong chuyến du lịch của mình và khẳng định rằng khu phức hợp này từng có một ngôi đền thờ các vị thần trên đỉnh.
Trước đó, Ziggurat đã từng được trùng tu vài lần. Một trong số đó là cuộc trùng tu của Vua Nabonidus của Tân Babylon vào năm 600 trước Công nguyên, và sau đó là của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein vào những năm 1980.
Đền thờ Amada – Ai Cập (1550 – 1290 TCN)
Nhìn từ bên ngoài, đền thờ Amada có cấu trúc nhỏ bé nhưng nó là ngôi đền cổ nhất còn sót lại của Ai Cập.
Các chữ tượng hình bên trong kể một câu chuyện quan trọng. Ngôi đền được xây dựng bởi Pharaoh Thutmose III của Vương triều thứ 18 để thờ thần Amun (vị thần bảo trợ của Thebes) và Ra-Horakhty (hai vị thần Ra và Horus hợp nhất thành một).
Đền Amada.
Các bức phù điêu sơn trong khu bảo tồn trong cùng cho thấy Thutmose III và con trai ông ta là Amenhotep II được các vị thần ôm hôn. Đáng chú ý là ngôi đền đã được dịch chuyển 2,5km so với địa điểm ban đầu vào khoảng năm 1964 và 1975 bởi các nhà Ai Cập học và kiến trúc sư người Pháp để tránh bị ảnh hưởng bởi trận lụt từ hồ Nasser.
Họ đã sử dụng sức mạnh thủy văn để di chuyển cấu trúc dọc theo một loạt các lan can.
Đền tang lễ HATSHEPSUT - AI CẬP (1470 TCN)
Hatshepsut là đền tang lễ còn được gọi là Djeser-Djeseru, xây dựng bên cạnh lăng mộ của nữ Pharaoh vĩ đại của Ai Cập.
Được thiết kế bởi Senemut, tể tướng của bà, công trình là một ví dụ về sự đối xứng hoàn hảo có trước Parthenon, và nó là khu phức hợp đầu tiên được xây dựng trên địa điểm bà chọn lựa, sau này sẽ trở thành Thung lũng của các vị Vua.
Các nhà khảo cổ học Ba Lan đã khai quật sâu ngôi đền trong suốt những năm 1960. Trong ngôi đền còn sót lại nhiều bức phù điêu tuyệt đẹp, nhiều bức tranh với đầy đủ màu sắc nguyên bản. Các dãy cột đối xứng được coi là kiến trúc Ai Cập gần nhất với phong cách Greco-Roman Cổ điển.
Giống như nhiều ngôi đền trong danh sách này, đền Hatshepsut dùng để thờ thần mặt trời. Vào ngày đông chí, ánh sáng đi vào ngôi đền và chiếu vào một bức tượng của thần Osiris.
Đền thờ Luxor - Ai Cập (1400 TCN)
Đền thờ Luxor là quần thể bao gồm 4 đền thờ ven sông Nil thuộc thành phố Thebes và Luxor cổ xưa (Ai Cập ngày nay). Quần thể này không dành riêng để thờ bất kỳ vị Pharaoh hay vị thần nào, mà là nơi tổ chức lễ đăng quang cho các vị vua (tên gốc của nó có nghĩa là “chốn linh thiêng phía Nam”).
Nhiều Pharaoh đã ghi dấu ấn tại đây, với các nhà nguyện được xây dựng bởi Amenhotep III, Alexander Đại đế, Ramesses II và Tutankhamen. Khu phức hợp rộng lớn là một hỗn hợp của các cấu trúc cổ xưa và hiện đại. Thậm chí còn có một nhà thờ hồi giáo hiện đại nằm phía trên tàn tích vẫn còn được sử dụng.
Con đường dẫn vào ngôi đền dài 3km với hành lang tượng nhân sư hai bên. Trước cửa ngôi đền là 6 bức tượng khổng lồ của vua Ramesses. Giống như nhiều ngôi đền của Ai Cập, Luxor mở cửa tham quan vào ban đêm và là một khung cảnh lộng lẫy được thắp sáng dưới các vì sao.
Đền thờ Seti I - Ai Cập (1300 TCN)
Seti I là một trong những Pharaoh vĩ đại của Ai Cập, người đã khôi phục vương quốc trở lại vinh quang trong quá khứ. Ông đã chiến thắng trong các trận chiến giữ vững biên cương, xây dựng lại các ngôi đền và tất nhiên, tự xây dựng cho mình một ngôi đền tưởng niệm.
Ông cũng chính là người xây dựng cột tháp lớn Luxor được hoàn thành dưới thời con trai ông.
Ngôi đền, được xây dựng gần sông Nile ở thị trấn từng là tâm điểm tôn giáo của Osiris, có những bức phù điêu đầy màu sắc rực rỡ vẫn còn chói lọi hơn 3000 năm sau. Địa điểm này cũng có một cấu trúc bí ẩn dưới lòng đất được gọi là Osirion.
Trên khắp thế giới có hàng nghìn bức tượng điêu khắc, trong đó, một số tác phẩm nổi tiếng hơn cả, gây ấn tượng...