Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính, công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sứ mệnh mới của TP.HCM không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng.

Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính, công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các lãnh đạo dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), sáng 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách khu vực miền nam.

Chia sẻ với đại biểu về một số vấn đề nhân dân đang rất quan tâm, nhất là những chủ trương liên quan quốc kế, dân sinh, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách hiện nay là: giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, an ninh-trật tự trong nước và khu vực; phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong đó, phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ ưu tiên vì phải có nội lực thực sự mạnh thì mới làm tốt được 2 nhiệm vụ còn lại. Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển cho các đơn vị hành chính mới với mục tiêu bao trùm là làm sao nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước ngày càng hùng cường. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất cao thực hiện chủ trương này, coi đây thực sự là một cuộc cách mạng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đối với các tỉnh Nam Bộ (từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắc Nông), sau sắp xếp, sáp nhập, từ 22 tỉnh, thành phố xuống còn 9 tỉnh, thành phố, tạo nên không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa; đặc biệt tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng-đồng bằng-biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương; tạo động lực mới để một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tạo nền tảng hình thành trung tâm kinh tế lớn trong tương lai gần. Việc sáp nhập không chỉ đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”.

Cần Thơ- Hậu Giang-Sóc Trăng, Bến Tre-Trà Vinh-Vĩnh Long trở thành 2 tỉnh mới có thế “kiềng ba chân”, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng. Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang sẽ trở thành người dân có biển, có núi rừng. Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển. “Người vùng cao” Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng và “Người đồng bằng” Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Long trở thành “Người dân có biển”.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư chỉ rõ, sau 50 năm, thành phố đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng để “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, quyết tâm chính trị mạnh hơn, năng động và sáng tạo hơn, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng phát triển thành phố nhanh, bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung cả nước, giữ vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn trong khu vực và cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sẽ không chỉ bao gồm địa giới hiện nay và Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để “tái thiết kế chiến lược phát triển vùng”, phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương, tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh, thành phố phía nam, với những thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa, cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là quá trình “cùng phát triển”, “cùng nâng tầm”, với mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững và giàu bản sắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính, công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực - 2

Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” vừa diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sứ mệnh mới của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng; trong đó, các tỉnh phía nam không chỉ “đồng hành”, mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia và khu vực. Định hướng phát triển thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, xây dựng một xã hội hài hòa, rộng mở, gắn kết và văn minh, tích hợp, kết tinh những giá trị tiên tiến nhất, tinh hoa nhất của châu Á và thế giới.

Quá trình sáp nhập tỉnh, Tổng Bí thư yêu cầu bảo đảm: phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao từ tất cả các địa phương liên quan việc bố trí cán bộ; đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông, hiện đại và tích hợp, không chỉ trong phạm vi trong đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng; thống nhất hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính, bảo đảm sự minh bạch, thuận tiện, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; quản lý đất đai và tài sản công minh bạch và chuyên nghiệp.

Đặc biệt lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; thực hiện lắng nghe, giải thích, đối thoại và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng, làm cho người dân hiểu đúng, tin tưởng, tự hào và tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu đơn vị hành chính mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm: TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính, công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực - 3

TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam với lượng khách và doanh thu đều tăng trưởng ấn tượng. Tính chung trong hai tháng đầu năm 2025, TP.HCM đã đón khoảng 1.044.836 lượt khách quốc tế, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 12,3% kế hoạch năm 2025.

Sau sáp nhập tỉnh, hình thành không gian phát triển liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các khu vực mới và cũ; đồng thời thiết lập các cơ chế phối hợp vùng để bảo đảm sự phát triển bền vững cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Ngoài ra, cần điều chỉnh, tối ưu hóa ngân sách và các nguồn lực đầu tư, với nguyên tắc phân bổ hợp lý, hiệu quả cho phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, dịch vụ công chất lượng cao; chăm lo an sinh xã hội toàn diện, ưu tiên giải quyết thu hẹp mức chênh lệch phát triển giữa các địa bàn, nhất là các khu vực mới sáp nhập và các địa khó khăn; bảo vệ nghiêm tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa-thể thao; bảo đảm tốt hơn an ninh xã hội; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh trật tự, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội trong mọi tình huống; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, thấm nhuần phương châm “của dân, do dân, vì dân”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.N

CLIP HOT

Travel blogger Nhị Đặng: Đóa 'hoa tiêu' không ngại gai góc
Travel blogger Nhị Đặng: Đóa 'hoa tiêu' không ngại gai góc

Câu chuyện của nữ travel blogger Nhị Đặng dám nghĩ, dám đi và dần tỏa sáng với những sắc màu khác biệt đã truyền cảm hứng cho "một nửa còn lại của thế giới", nhóm lên trong họ những khao khát được đi để trải nghiệm và mở rộng nhân sinh quan.