Phẫu thuật cấp cứu cứu sống bệnh nhân vỡ tim nguy kịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Y bác sỹ ở cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu cứu sống bệnh nhân vỡ tim nguy kịch nhờ kích hoạt quy trình “báo động đỏ liên viện”.

Thông tin từ cơ sở 2 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, vào khuya 3/10, tại Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận nam bệnh nhân L.V.P (26 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) vào viện với tình trạng khó thở nhiều, tím tái, vết thâm tím vừng ngực kèm theo đa chấn thương nghiêm trọng.

Kíp trực tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy kịch đã kích hoạt quy trình “báo động đỏ toàn viện”. Sau khi các chuyên khoa khám kịp thời và kết luận bệnh nhân: Tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều nghi do vỡ tim, đa chấn thương với tình trạng nguy kịch, có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành kích hoạt quy trình “báo động đỏ liên viện” và ngay lập tức đã cử 1 ê kíp phẫu thuật tim mạch kèm theo thuốc men, trang thiết bị từ Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương ra Cơ sở 2 thuộc bệnh viện để phối hợp thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Phẫu thuật cấp cứu cứu sống bệnh nhân vỡ tim nguy kịch - 1

Y bác sỹ phẫu thuật cấp cứu cứu sống bệnh nhân vỡ tim nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân vừa hồi sức vừa chuyển thẳng lên phòng mổ để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc phẫu thuật. Khoảng 20 phút kích hoạt quy trình, ê kíp đã có mặt tại phòng mổ, bệnh nhân và các phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng trong quá trình chờ đợi.

Ê kíp phẫu thuật thực hiện dưới sự điều hành của ThS.BS Nguyễn Xuân Hùng, PTK Ngoại Lồng ngực Tim mạch, tiến hành cắt xương ức bộc lộ toàn bộ màng tim, máu đang chảy phụt rất mạnh lượng máu mất khoảng 2,5 lít.

Kiểm tra thấy có lỗ thủng lớn kích thước khoảng 2cm tiến hành kẹp lỗ thủng và nhanh chóng khâu lại, kiểm tra cầm máu.

Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp gây mê hồi sức tích cực cho bệnh nhân và được truyền tổng cộng 1400ml (04 đơn vị hồng cầu khối) và 600ml plasma (04 đơn vị plasma). Cuộc phẫu thuật nhanh chóng hoàn thành và thành công với sự phối hợp của đa chuyên khoa.

Bệnh nhân được chuyển hậu phẫu tiếp tục theo dõi và hồi sức tích cực, sáng 4/10, bệnh nhân tiến triển tốt về tri giác, huyết động… Tiến hành rút nội khí quản, sau rút bệnh nhân ổn định.

Đến chiều 7/10, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút dẫn lưu ngực và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Theo ThS.BS Nguyễn Xuân Hùng, vỡ tim xảy ra trong khoảng 0.5-2% tổng số các trường hợp chấn thương ngực nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Tuy đây là một tỷ lệ nhỏ, nhưng mức độ tử vong rất cao. Vỡ tim có tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, lên đến 75-90%, bởi vì tình trạng này thường gây mất máu nhanh chóng hoặc gây ra suy tim đột ngột.

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong ngay tại hiện trường trước khi được đưa đến bệnh viện. Chỉ có khoảng 10-15% nạn nhân sống sót nếu được cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp ngay lập tức để sửa chữa tổn thương tim. Để cấp cứu thành công trường hợp vỡ tim nguy kịch như thế này, quan trọng nhất là yếu tố thời gian và hướng xử lý đúng.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, thời gian tới, bệnh viện sẽ củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống quy trình “báo động đỏ toàn viện” và “báo động đỏ liên viện”. Đồng thời, tích cực đào tạo chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới để cứu sống nhiều bệnh nhân tương tự như trên.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Hiệp

CLIP HOT