Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việc làm bánh tráng truyền thống phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nhưng giá bán lại không cao, dẫn đến thu nhập của người làm nghề không đủ để trang trải cho cuộc sống hiện đại, và nghề truyền thống này đang bị mai một dần.

Nghề sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM có lịch sử lâu đời, gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 1

Làng bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.

Những chiếc bánh tráng được làm thủ công, từ việc chọn gạo, pha bột, đến quá trình tráng và phơi bánh đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm truyền đời. Bánh tráng Phú Hòa Đông từ lâu đã nổi tiếng với hương vị đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một nỗi lo gìn giữ một làng nghề, bởi hiện nay làng bánh tráng truyền thống chỉ còn trên dưới chục hộ dân còn gắn bó, chủ yếu những người lớn tuổi theo nghề, còn thế hệ trẻ không còn mặn mà trước sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại.

Tiếc nuối vì không thể gìn giữ nghề truyền thống theo mong ước của mẹ

Việc làm bánh tráng truyền thống không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, giá bán của bánh tráng lại không cao, dẫn đến thu nhập của người làm nghề không đủ để trang trải cho cuộc sống hiện đại.

Nhiều gia đình làm bánh tráng đã phải từ bỏ nghề truyền thống để chuyển sang các công việc khác có thu nhập ổn định hơn.

Ông Bùi Thanh Long (52 tuổi) cũng cho hay, trước đây gia đình ông cũng sinh kế bằng nghề bánh tráng truyền thống nhưng trước dòng chảy kinh tế thị trường, nghề truyền thống của gia đình đã không thể gìn giữ được.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 2

Ông Long tiếc nuối khi gia đình không còn ai theo nghề bánh tráng truyền thống sau khi mẹ ông mất.

Trước đây nhà tôi cũng như bao hộ gia đình khác trong xã đều tráng bánh. Lúc đó mẹ tôi là người làm chính, sau này này mẹ mất thì chị hai nối nghề truyền thống gia đình. Tuy nhiên thu nhập ngày càng thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên chị cũng bỏ nghề truyền thống để làm công nhân, còn tôi thì cũng đi buôn bán, cả nhà không còn ai đủ sức để gìn giữ nghề”, ông Long nói.

Theo ông Long, các anh chị em trong nhà ông đều muốn gìn giữ nghề truyến thống gia đình như điều mẹ mong ước trước khi mất. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế không cho phép, vật giá ngày càng tăng theo thời gian, tráng bánh truyền thống lại vất vả nhưng thu nhập không bằng nghề khác nên gia đình ông đã không còn ai theo nghề.

Đây cũng là lý do chính mà số lượng người làm bánh tráng truyền thống tại làng bánh tráng nổi tiếng này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, và có thể sẽ tiếp tục mai một dần.

Gia đình tôi bỏ nghề bánh tráng truyền thống cũng được hơn 20 năm nay. Hồi đó nếu mà được hỗ trợ đầu tư với nghề tráng bánh thì có lẽ nhiều người dân trong xã không bỏ nghề. Tôi nghĩ người dân ở đây không ai muốn bỏ nghề bánh tráng truyền thống đâu nhưng buộc phải bỏ để kiếm việc khác lo cho gia đình”, ông Long tâm sự.

Mặc dù vẫn còn những gia đình cố gắng duy trì nghề làm bánh tráng, nhưng những nỗ lực này dường như chưa đủ để thuyết phục thế hệ sau tiếp tục kế nghiệp.

Bà Nguyễn Hồng Linh (50 tuổi) cho biết, từ lúc 11 tuổi đã theo mẹ tráng bánh tráng. Trải qua mấy chục năm gắn bó bánh tráng truyền thống mưu sinh, thấu hiểu được nỗi vất vả của nghề này nên bà cũng không muốn các con theo nghề.

Nghề này cực quá, thức khuya dậy sớm tráng bánh nhưng chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày. Khoảng 2-3 giờ sáng đã thức dậy tráng bánh đến 4h chiều. Gia đình chỉ còn mình tôi theo nghề mấy chục năm nay, do quen với cơ cực từ nhỏ nên tôi chịu được, còn bây giờ các con còn trẻ nên không chịu cực được, phải làm nghề khác”, bà Linh chia sẻ.

Theo bà Linh, bà có 3 đứa con, gồm 2 gái 1 trai nhưng đều đi làm công việc khác để kiếm thu nhập ổn định hơn, đỡ vất vả hơn. “Nghề làm bánh tráng quá cực mà, mai một thì phải chịu thôi, tôi già rồi nên còn làm, sau này mất đi nghề này cũng đi theo mình luôn. Trước đây, cả làng này, nhà nào cũng làm bánh tráng, còn bây giờ chỉ còn vài hộ làm, trong đó có tôi”, bà Linh cho hay.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 3

Trong nhà giờ chỉ còn mình bà Linh gắn bó với nghề tráng bánh tráng truyền thống.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 4

Có lẽ bà Linh là thế hệ cuối trong gia đình còn theo nghề bánh tráng truyền thống.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 5Dụng cụ tráng bánh đơn giản nhưng mỗi chiếc bánh ra lò là sự tâm huyết của bà Linh.

Vẫn mong gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống

Theo người dân, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự mai một của nghề làm bánh tráng là sự thay đổi của dòng chảy kinh tế thị trường. Thế hệ trước, việc làm bánh tráng không chỉ là nguồn sinh kế mà còn là niềm tự hào, là cách mà họ gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình.

Mặc dù vậy, với thế hệ trẻ ngày nay, cơ hội nghề nghiệp đã đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Nhiều người trẻ chọn theo đuổi những nghề nghiệp hiện đại, ổn định và thu nhập cao hơn thay vì tiếp tục gắn bó với nghề làm bánh tráng vốn tốn nhiều công sức và thời gian nhưng thu nhập không đủ sống. 

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 6

Báng được phơi nắng chừng 10 phút sẽ đem vào.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 7

Bánh tráng truyền thống phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết.

Bà Nguyễn Thị Lý (55 tuổi, xã Phú Hòa Đông) một trong những người còn gắn bó với nghề bánh tráng truyền thống chia sẻ: “Tôi tráng bánh khoảng 30 năm, từ hồi mang bầu con gái lớn đến nay. Hồi đó trong gia đình chỉ có chị dâu tráng bánh nên học làm rồi theo nghề luôn đến bây giờ. Làm bánh tráng thủ công trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là thời dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện tại chỉ có mình tôi tráng bánh, các con học đại học xong cũng đi làm việc khác”.

Bà Lý cũng cho hay, mặc dù là nghề truyền thống gia đình, nhưng các con không ai muốn tiếp nối nghề vì quá vất vả. Do vậy khi các con đi học và có cơ hội tốt hơn với nghề khác thì bà vẫn ủng hộ con.

Lý do bà Lý còn bám trụ với nghề bởi chịu cực đã quen. Sau này già đi, không còn sống nữa bà cũng lo lắng nghề làm bánh tráng sẽ mai một nhưng nghĩ lại phải chấp nhận vì không thể ép con cái theo nghề được.

Theo lời bà, hồi trước đây, cả xã đều làm tráng bánh tráng, đi dọc đường đều thấy bánh phơi từ trong sân ra tới ngoài, nhưng giờ thì mai một dần, chỉ còn vài hộ còn gắn bó.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 8

Bà Lý cũng có thể là thế hệ cuối cùng còn níu giữ nghề bánh tráng truyền thống.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 9Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 10Việc tráng bánh thủ công tuy đơn giản nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân.

Ngày trước ba chồng tôi có nhà máy xay bột nên cả khu này đều tập trung đến xay bột tráng bánh. Rồi sau này, cách đây gần 20 năm, Củ Chi mọc lên nhiều khu công nghiệp nên mọi người rời bỏ dần nghề truyền thống này để làm công việc khác, có thu nhập tốt hơn. Mọi người lần lượt bỏ nghề làm bánh tráng truyền thống nhưng tôi vẫn theo vì điều kiện gia đình, lúc đó con cái đi học, chồng đi làm nên mình phải ở nhà chăm lo nhà cửa, cơm nước”, bà Lý kể.

Nghề bánh tráng truyền thống thủ công vất vả nhất là khi trời mưa, vừa tráng bánh vừa phải canh thời tiết, nếu bánh đã dần khô mà để bị dính mưa thì coi như ăn thay cơm.

Việc làm bánh tráng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và cả một quá trình dài từ khâu chọn gạo, pha bột, tráng bánh, phơi khô đến khi thành phẩm. Điều này làm cho nghề này trở nên kém hấp dẫn với những người trẻ vốn quen với lối sống nhanh và ưa chuộng sự tiện lợi.

Trung bình, mỗi ngày bà Lý tráng bánh thủ công được khoảng 1.000 cái bánh tráng. Hiện, giá bột mì, bột gạo ngày càng tăng nên việc tráng bánh tráng truyền thống càng thêm khó. Giá bỏ mối khoảng 45.000 đồng/100 bánh.

Tôi cũng muốn gìn giữ nghề bánh tráng truyền thống vì đây không chỉ là nghề truyền thống của làng mình mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương. Mặc dù để giữ được nghề phải chịu đựng nhiều cơ cực, khó khăn nhưng tôi vẫn mong có người trẻ nào đó đam mê, nhiệt huyết để cố gắng gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống”, bà Lý tâm sự.

Nỗ lực gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống duy nhất ở TP.HCM - 11

Bà Lý vẫn mong người trẻ gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống.

Theo UBND xã Phú Hòa Đông, trên địa bàn hiện có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã làng nghề bánh tráng và 15 hộ tráng bánh thủ công (tráng tay).

Cũng mới đây, nghề làm bánh tráng truyền thống tại xã Phú Hòa Đông vừa đón nhận tin vui khi được UBND TP.HCM cấp bằng công nhận là nghề truyền thống. Điều này không chỉ ghi nhận giá trị văn hóa và kinh tế của nghề làm bánh tráng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các hộ gia đình sản xuất bánh tráng tại địa phương.

Sự công nhận này đi kèm với việc áp dụng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hỗ trợ các làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn và phát triển.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tứ Quý

CLIP HOT