Khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở Lâm Đồng vào phát triển du lịch văn hóa bền vững hiện nay
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia để phát triển du lịch văn hóa bền vững nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Tóm tắt: Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 nêu rõ: “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học”. Do vậy, di tích lịch sử - văn hóa là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của địa phương, của quốc gia hay của toàn nhân loại và có ý nghĩa rất to lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội bền vững. Lâm Đồng là một trong 05 tỉnh Tây Nguyên có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, phong phú. Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia để phát triển du lịch văn hóa bền vững nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Từ khóa: Di tích lịch sử - văn hóa, Lâm Đồng, quốc gia đặc biệt, du lịch văn hóa
1. Giới thiệu đôi nét về các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Lâm Đồng và giá trị của nó
Lâm Đồng là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng kiên cường được thể hiện thông qua hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 37 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Khu khảo cổ Cát Tiên và Vườn quốc gia Cát Tiên; 04 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trong đó Ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt thuộc danh mục loại hình di tích kiến trúc; Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Khu VI Cát Tiên thuộc danh mục loại hình di tích Lịch sử cách mạng.
1.1. Khu khảo cổ Cát Tiên
Nằm trên địa bàn các xã Quảng Ngãi, Đức Phổ và Gia Viễn thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, khu khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch qui mô rộng trải dài khoảng 15 km, bao gồm các đền tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, tường đá cổ đã được phát lộ. Quá trình khai quật diễn ra từ năm 1994 - 2006 đã tìm thấy hơn 1000 hiện vật gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, gốm, đá quí. Các hiện vật phong phú về loại hình, như ngẫu tượng Linga - Yoni được nhận định là lớn nhất Đông Nam Á và các chuỗi hạt, các thần, linh vật Bàlamon giáo.
Khu di tích khảo cổ Cát Tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ ở đây cho thấy, văn hóa Cát Tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài, từ khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ X sau công nguyên. Một điểm đặc sắc của văn hóa nơi đây là cho đến nay, trải qua hơn 03 thập niên phát hiện, khai quật và nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chủ nhân của các dấu tích nơi đây. Điều này càng làm cho khu khảo cổ Cát Tiên thêm phần bí ẩn và thu hút giới nghiên cứu cũng như du khách.
Với những giá trị khảo cổ, giá trị lịch sử - văn hóa vượt thời gian của khu di tích, năm 1997 Bộ Văn hóa thông tin đã công nhận đây là Di tích cấp quốc gia và năm 2014 tiếp tục được Thủ tướng chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, điều này càng chứng tỏ giá trị lịch sử - văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch hấp dẫn của khu di tích. Những giá trị đã đưa Di tích khảo cổ Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của nước ta. Di tích Khảo cổ Cát Tiên đã và đang được đầu tư xây dựng thành một khu du lịch văn hóa, nghiên cứu lịch sử - sinh thái, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
1.2. Vườn quốc gia Cát Tiên
Di tích Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên rộng hơn 71.000 ha với hệ sinh thái, tầng địa chất đa dạng, phong phú và được hình thành từ rất lâu đời, như đồng cỏ, đất ngập nước, hệ thống sông suối và các bàu, lớn nhất là Bàu Sấu với hơn 90 ha. Cùng với đó là sự kết hợp những di chỉ, di tích khảo cổ khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa hưng thịnh tồn tại từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Mặt khác, khu vực này cũng là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người bản địa với những nét văn hoá đa dạng, đặc trưng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây cũng từng là căn cứ địa, là chiến khu của lực lượng cách mạng miền Nam. Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ nêu trên là cơ sở cho việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác các giá trị cảnh quan để phát triển du lịch, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu của học sinh sinh viên, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nghiên cứu đa dạng sinh học, sử học, môi trường học…
Năm 2001 Vườn quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và ngày 27/9/2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
1.3. Ga Đà Lạt
Không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ga Đà Lạt còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành đường sắt Việt Nam. Đây là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên được xây dựng cách đây gần 100 năm nằm trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kết nối thành phố cao nguyên với thành phố Phan Rang tỉnh Ninh Thuận.
Với lối kiến trúc Angglo - Norman mới và chịu nhiều ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư người Pháp, Ga Đà Lạt mang đậm tính bản địa, hài hòa với thiên nhiên, nằm nổi bật giữa đồi thông xanh mướt ở độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển, nhấp nhô núi, thung lũng tạo điểm nhấn đô thị độc đáo của thành phố Đà Lạt thu hút đông đảo du khách gần xa.
Ngoài kiến trúc duyên dáng độc đáo kết hợp vừa kiến trúc phương Tây vừa kiến trúc nhà Rông Tây Nguyên, nơi đây còn lưu giữ đầu máy xe lửa chạy bằng than củi do Nhật Bản sản xuất vào năm 1936 - dấu tích lịch sử về thời kỳ phát triển của khoa học kỹ thuật thế giới đầu thế kỷ 20.
Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc vượt thời gian, năm 2001 Ga Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
1.4. Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
Là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng vào cuối năm 1927 bởi thiết kế táo bạo và chỉ huy xây dựng tài tình của kiến trúc sư Moncet người Pháp trên một khu đồi bằng phẳng tại Thành phố Đà Lạt, nay thuộc phường 10.
Trường được xây dựng ròng rã trong vòng 8 năm (1927 - 1934) với sự tham gia của hàng ngàn thợ bậc thầy thi công đạt đến độ chi tiết cao theo đúng bản vẽ của kiến trúc sư Moncet. Công trình như một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ với tòa nhà chính hình cong dài 77m, cao 3 tầng bằng gạch đỏ được chở về từ Châu Âu. Điểm nhấn của công trình là Tháp chuông cao 54 m như một cây bút vươn lên tầm cao tri thức. Trường được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp, có kiến trúc độc đáo và hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ.
Với giá trị nghệ thuật vượt thời gian, công trình đã được hiệp hội kiến trúc sư quốc tế UIA công nhận là một trong số 1000 công trình kiến trúc tiêu biểu toàn thế giới của thế kỷ 20. Tháng 12/2001 công trình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nét độc đáo, vẻ đẹp quyến rũ của di sản vẫn đang từng ngày thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm.
1.5. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Đà Lạt không chỉ là thành phố của những cảnh quan thơ mộng, những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Tọa lạc trên ngọn đồi cao gần thắng cảnh hồ Than Thở, nhìn về đỉnh núi Langbiang hùng vĩ có một di tích lịch sử cách mạng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 22/6/2009. Đó chính là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt từng được chế độ cũ dựng lên với tên gọi mỹ miều: “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”.
Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt thực chất là một nhà lao thiếu nhi đặc biệt được chúng xây dựng vào năm 1971 và tồn tại đến năm 1973. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc thực dân với qui mô lớn, trình độ tổ chức cao và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Khác với các trung tâm giáo huấn khác ở Miền Nam lúc bấy giờ, nhằm đánh lừa công luận, mị dân, che đậy âm mưu thâm độc của kẻ thù, cách ly đàn áp tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ Miền Nam. Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt còn là nơi từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, đấu tranh chống chính quyền Mỹ - Ngụy được tập trung từ tất cả các nhà tù ở Miền Nam về đây.
Nhà tù được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Hai dãy nhà dọc 2 bên chủ yếu là các phòng giam, xà lim. Nhà lao có 8 phòng giam chia thành 2 khu, 6 phòng nam và 2 phòng nữ, diện tích mỗi phòng khoảng 30 mét vuông, thường giam từ 60 -70 tù nhân/1 phòng, có lúc cao điểm gần 100 người/1 phòng và có cả phòng biệt giam dành cho những người chống đối chúng, đặc biệt là hầm đá khuất phía sau các dãy phòng giam không có mái che mà chỉ có lưỡi kẽm gai chăng dày bên trên để địch thực hiện hình phạt phơi sương phơi nắng tù nhân.
Trong khoảng 4 năm tồn tại (1971 - 1973), nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã giam cầm khoảng 1000 chiến sĩ cách mạng thiếu nhi từ khắp các tỉnh Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. Dù hệ thống nhà tù có kiên cố đến đâu, dù cho những đòn roi và các hình thức tra tấn dã man không khác gì đối với người trưởng thành cũng không ngăn được ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhí của chúng ta khi bị giam cầm nơi đây. Các chiến sĩ đã san sẻ cho nhau từng miếng cơm, ngụm nước, chỗ nằm trên nền xi măng giá lạnh của tiết trời Đà Lạt. Chỉ có phẩm chất và lý tưởng cách mạng, ý chí kiên cường và niềm tin cháy bỏng vào tương lai tươi sáng của dân tộc mới giúp các chiến sĩ có được sức chịu đựng phi thường, mạnh mẽ như vậy để vượt qua đói, rét và đòn roi của kẻ thù.
Trong nhà tù các phong trào đấu tranh nổ ra mạnh mẽ, liên tục, tiêu biểu là cuộc mổ bụng ngay tại sân chào cờ của 3 chiến sĩ để phản đối sự đàn áp của địch làm cho kẻ thù khiếp sợ và 7 lần vượt ngục của các chiến sĩ nhỏ thể hiện khát vọng tự do và mong muốn được trở về tiếp tục chiến đấu. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, kiên cường của các chiễn sĩ nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào năm 1973. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến sĩ cựu tù binh thiếu nhi Đà Lạt vẫn mãi tự hào về quãng thời gian anh dũng, kiên cường, đấu tranh quyết liệt trước những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng cơ cực về thể xác, những căng thẳng về tinh thần để bảo vệ lý tưởng cách mạng góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009 và trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ Lâm Đồng nói riêng và cả nước ní chung khi đến với thành phố Ngàn Thông. Tinh thần đấu tranh bất khuất, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa sẽ tiếp tục được trao truyền để giữ cho ngọn lửa truyền thống mãi bừng cháy.
1.6. Khu VI Cát Tiên
Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến khu VI Cát Tiên nằm trên địa bàn xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích gần 50 ha. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng ghi lại những công lao và chiến tích của các thế hệ cha anh khu ủy Khu VI trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1963 - 1966.
Khuôn viên di tích Khu VI Cát Tiên được thiết kế hài hòa, khoa học và đẹp mắt, phù hợp với không gian cảnh quan. Hệ thống đường nội bộ trải bê tông sạch đẹp uốn lượn quanh các ao hồ trong xanh thoáng mát; Tượng đài uy nghi tọa lạc trên đỉnh đồi trung tâm đã tạo nên điểm nhấn thu hút sự chú ý của nhân dân và du khách khi đến tham quan di tích Khu VI Cát Tiên. Cách đồi Tượng đài không xa là nhà trưng bày với 108 hiện vật đã sưu tầm được và một số loại vũ khí thô sơ được phục chế phục vụ cho công tác trưng bày và thuyết minh. Rải rác trên những sườn đồi xanh rợp bóng mát của các loại cây rừng là công trình các lán trại, hầm trú ẩn tái hiện không gian làm việc, sinh hoạt của “Các cơ quan Khu ủy, Quân khu” với tổng số 23 hạng mục, trong đó, cơ quan Khu ủy có 12 hạng mục và cơ quan Quân khu là 11 hạng mục.
Tuy thời gian tồn tại không dài nhưng Khu ủy khu VI đã tạo đà quan trọng cho chỉ đạo kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của Đảng ta. Với ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, vừa qua di tích căn cứ kháng chiến Khu VI đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 1632/QĐ-BVHTTDL ngày 11/5/2010. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh thuộc Khu VI (cũ).
Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, vinh danh, phát huy những giá trị lịch sử to lớn của quân và dân Khu VI, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất quyết định cho triển khai dự án tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI.
Sau khi được hoàn thành, Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI Cát Tiên sẽ cùng với Khu di tích khảo cổ Cát Tiên và Vườn quốc gia Cát Tiên hợp thành một quần thể thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, đa dạng sinh học và là một địa chỉ lý tưởng thu hút nhân dân và du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
2. Khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Lâm Đồng vào phát triển du lịch văn hóa bền vững hiện nay
Có thể nói, du lịch văn hóa là một trong những hình thức căn bản của du lịch, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa tạo thành sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho quốc gia, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Lâm Đồng là tỉnh có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa khá đa dạng và phong phú, trong đó các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cùng các giá trị tiêu biểu của nó đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cộng với lợi thế về điều kiện thiên nhiên, khí hậu thời tiết, Lâm Đồng nằm trong số ít tỉnh ở phía Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã khai thác và phát huy rất tốt giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Trong những năm qua, các di sản văn hóa trong tỉnh đã, đang được khai thác và phát huy mạnh mẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua khai thác du lịch, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thực sự tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho Lâm Đồng với nhiều loại hình du lịch gắn với việc khai thác, phát huy các giá trị của di sản như tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc, trải nghiệm các giá trị cộng đồng của người dân địa phương, trong đó hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt là một ví dụ điển hình.
Lâm Đồng hiện có 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, trong đó có 03 di tích ở thành phố Đà Lạt và 03 di tích ở huyện Cát Tiên. Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhằm khai thác giá trị của các di tích này phục vụ loại hình du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu của du khách và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đón tiếp và phục vụ hơn 40 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục xây dựng quy hoạch tổng thể công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu khảo cổ Cát Tiên gắn với phát triển du lịch bền vững đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã chú ý tới việc giới thiệu, quảng bá việc khai thác, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của các loại hình di sản nói trên vào phát triển du lịch bền vững. Nhờ vậy một số di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt gần đây đã có nhiều khởi sắc, thể hiện qua việc đầu tư tôn tạo và khai thác đúng hướng các lợi thế của di tích nên đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Điều đó góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương đặc biệt là du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Với các giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc như đã giới thiệu ở trên, các di tích là điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ của du khách mà còn của các nhà nghiên cứu khảo cổ học, sử học, các nhà giáo dục học, học sinh, sinh viên về lịch sử, văn hóa, về ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của thế hệ cha anh đi trước…
Mặc dù nhận thức rõ về giá trị và ý nghĩa to lớn của các di tích nói trên, đồng thời được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt, huyện Cát Tiên, nhưng việc đưa giá trị của 06 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng vào phát triển loại hình du lịch văn hóa bền vững thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả cao cả ở khía cạnh khai thác giá trị kinh tế thông qua hoạt động du lịch, cũng như ở khía cạnh lan tỏa giá trị lịch sử văn hóa, giá trị khảo cổ học, giá trị nghệ thuật kiến trúc của các di sản này đến với đông đảo du khách gần xa, như sự đầu tư chưa nhiều cho công tác trùng tu, tôn tạo, giới thiệu quảng bá; việc khai thác một cách quá mức mà không có chiến lược lâu dài đảm bảo sự bền vững cho di sản; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về giá trị của các di sản chưa được thấu đáo, nhất là người dân ở các địa phương có di tích; vấn đề liên kết vùng giữa thành phố Đà Lạt, huyện Cát Tiên cũng như trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Thuận…còn nhiều hạn chế; công tác xúc tiến đầu tư, xã hội hóa và vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành trong công tác này chưa được phát huy tối đa…
Nhằm khai thác và phát huy tối đa giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nêu trên để phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay xin được đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, các cơ quan hữu quan có liên quan đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Lâm Đồng vào khai thác, phát triển loại hình du lịch văn hóa bền vững đảm bảo mục tiêu vừa giữ gìn, bảo quản các di tích, vừa phát huy, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích đó đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, giúp họ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, con người nơi đây góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Hai là, cần tập trung mạnh vào công tác marketing, quảng bá sản phẩm bằng cách tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, tham gia các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Tỉnh Lâm Đồng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch; nâng cấp và thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch của tỉnh cũng như các trang quảng bá sản phẩm du lịch khác, đặc biệt là tận dụng khai thác triệt để các trang mạng xã hội như Tiktok, facebook hướng đến các bạn trẻ và du khách quốc tế; thực hiện liên kết trang web, ấn phẩm quảng bá xúc tiến du lịch trong vai trò là một điểm đến hấp dẫn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Ba là, công tác xây dựng sản phẩm du lịch cần được đặc biệt quan tâm, trong đó cần nghiên cứu các giá trị văn hóa đặc trưng của từng điểm đến để lồng ghép vào các tour du lịch nhằm tạo sự khác biệt, sáng tạo trong dịch vụ và các hoạt động trải nghiệm của du khách để từng bước mở rộng thị trường khách du lịch, hướng tới thu hút và khai thác thị trường quốc tế nhiều hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa như miền Bắc, miền Trung.
Bốn là, tỉnh Lâm Đồng cần chú trọng tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như ngành du lịch tại chỗ của tỉnh. Theo đó cần chú trọng đào tạo cả nghiệp vụ và ngoại ngữ cho lao động trong hai ngành nói trên và cần có sự thống nhất, hợp tác trên cơ sở mục tiêu chung của tỉnh để vừa bảo tồn và phát huy được giá trị của di tích, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương đóng góp vào ngân sách quốc gia. Trong đó cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng hoặc là nguyên sơ quá chỉ biết về văn hóa mà không biết làm du lịch, hoặc là thương mại hóa quá chỉ chăm chăm làm du lịch mà mất đi tính thuần khiết của nét văn hóa đặc trưng vùng Tây Nguyên.
Năm là, tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, môi trường của các di tích nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống nơi đây. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.
Sáu là, mỗi di tích, thắng cảnh phải có phương án bảo vệ, tôn tạo và khai thác riêng dựa vào những yếu tố đặc thù của chúng. Phải tìm chọn được điểm nhấn độc đáo, đặc sắc nhất để tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng biệt đem lại ấn tượng cho du khách.
Cuối cùng là tổ chức các cuộc thi sáng tác và đặt làm các loại đồ lưu niệm cho riêng từng loại hình di tích nhất là loại hình kiến trúc độc đáo như Ga Đà Lạt hay Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt để làm quà biếu, tặng hay bán cho khách du lịch. Thiết nghĩ việc này rất hữu ích vừa tạo điểm nhất riêng trong các tour, tuyến du lịch vừa giúp cho việc quảng bá rộng rãi các giá trị lịch sử văn hóa của di tích cũng như tạo các sản phẩm du lịch thương hiệu riêng của Đà Lạt, Lâm Đồng. Bên cạnh đó là việc đặt bia giới thiệu tại chính các điểm di tích. Bia nên được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn riêng của từng di tích để tạo sự chú ý cũng như giá trị thưởng lãm và quảng bá thông qua loại hình du lịch văn hóa độc đáo của địa phương.
Kết luận
Trong những năm qua, việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch văn hóa bền vững đã thu được nhiều kết quả nhất định, giúp cho ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử đa dạng và đặc sắc nơi đây. Vấn đề khai thác và đưa các giá trị di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển loại hình du lịch văn hóa lâu dài, bền vững của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời phải hướng đến sự phát triển bền vững trong hoạt động khai thác tài nguyên để ngành du lịch là thế mạnh của cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Báo cáo tổng hợp “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội;
[2] Quyết định số 201/QĐ - TTg về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
[3] Cơ quan Ngôn luận Tổng cục du lịch - Bộ VHTTDL, Lâm Đồng cần bổ sung nhân lực du lịch chuyên nghiệp, Thanh Dương Hồng.
[4] Lâm Đồng Online, Cần giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Trọng Hoàng.
[5] Tạp chí tài chính - Cơ quan thông tin của Bộ tài chính, Để du lịch Lâm Đồng hấp dẫn du khách.
[6]. Nguyễn Đình Hòe - Môi trường và phát triển bền vững, Nhà xuất bản giáo dục 2007.
[7]. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng (2017). Báo cáo Thống kê phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2017.
[8]. Tỉnh ủy Lâm Đồng (2016). Báo cáo kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10 tháng 5 năm 2011 về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015.
[9]. Báo cáo số 186/BC-UBND tỉnh Lâm Đồng (2021) về tổng kết 20 năm thực hiện Luật di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
[10]. Kế hoạch số 19/KH-SVTTTDL của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng (2021) về thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
[11]. Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của NBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; di vật, cổ, vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng./.