Tìm chất liệu cho “Hoàng Cầm 100 năm”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2022), gia đình nhà thơ đang xây dựng dự án “Hoàng Cầm 100 năm”.

Dự án nhằm ghi nhớ và vinh danh sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà thơ cũng như chia sẻ với các bạn trẻ về một Việt Nam giàu tính sáng tạo, của những người bạn, người em và thế hệ tiếp theo của Hoàng Cầm trong 100 năm qua. Qua đó giúp các bạn trẻ ngày nay có thể tiếp cận và học hỏi chất liệu giàu có chất Việt trong những năm rực rỡ nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tìm chất liệu cho “Hoàng Cầm 100 năm” - 1

Nhà thơ Hoàng Cầm lúc còn sống. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Bên cạnh tìm ra và kỷ niệm những cột mốc hay thành tựu trong 100 năm qua của thi sĩ Hoàng Cầm, dự án còn mở ra những luồng suy nghĩ mới về sức ảnh hưởng của các bộ môn nghệ thuật và sự tương tác của từng bộ môn với nhau, tổng hòa tạo nên một nền nghệ thuật Việt Nam đặc sắc trong thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

"Rất mong các khán giả trước hết là bạn bè, người yêu thơ Hoàng Cầm ủng hộ, cổ vũ cũng như gửi về cho dự án những chất liệu, tài liệu nghệ thuật, văn học, bản ghi, hình ảnh…mà mình đã và đang sưu tầm về thi sĩ. Chúng tôi mong kết nối với những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành nghệ thuật, văn học để có thể khơi dậy lại thơ kịch, văn xuôi Hoàng Cầm theo hình thức tiếp cận trẻ trung…” - chị Huệ Chi, cháu nội nhà thơ, chia sẻ.

Tìm chất liệu cho “Hoàng Cầm 100 năm” - 2

Nhà thơ Hoàng Cầm cùng con gái Kiều Loan

Hoàng Cầm là một trong những gương mặt lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX, được mệnh danh là nhà thơ của vùng đất Kinh Bắc. Tên thật của ông là Bùi Tằng Việt, sinh tại xã Phúc Tằng, tỉnh Bắc Giang. Ngay từ những năm 15 tuổi, 18 tuổi ông đã có những bài thơ: “Hận ngày xanh”, “Bông sen trắng” làm ngạc nhiên giới văn bút nước nhà.

Năm 20 tuổi, ông có “Hận Nam Quan” - vở thơ kịch lịch sử và đến năm 26 tuổi, bài thơ “Bên kia sông Đuống” đã đưa cái tên Hoàng Cầm lên hàng thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp.

Sau “Bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm tiếp tục với “Về Kinh Bắc”, “Lá diêu bông”… trong đó “Về Kinh Bắc” là sự thăng hoa tuyệt vời, là tập thơ tâm đắc của đời Hoàng Cầm. Còn với “Lá diêu bông”, Hoàng Cầm đã sáng tác ra một thứ lá không có trên đời, nhưng ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu. 

Tìm chất liệu cho “Hoàng Cầm 100 năm” - 3

Nhà thơ Hoàng Cầm lúc còn sống. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cho đến bây giờ nhiều người vẫn thừa nhận Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất ở thời kháng chiến chống Pháp. Hồn thơ của ông chứa chan tình mẹ, tình yêu đôi lứa và tình thương con người để từ đó dệt nên những vần thơ trữ tình, mượt mà.

Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét về nhà thơ Hoàng Cầm: “Thơ của ông đẹp một vẻ đẹp thướt tha mà lại dạt dào, hào sảng”. Còn nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì nói: “Thơ Hoàng Cầm “trầm đầy một nỗi phương Ðông”. Năm 2010 Hoàng Cầm qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT