“Mưa miền đất mặn” và chuyện miền Tây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tác giả Nguyễn Chí Ngoan vừa ra mắt tập tản văn “Mưa miền đất mặn” do NXB Kim Ðồng ấn hành. 20 bài viết là 20 câu chuyện về quê hương miền Tây với bồi hồi những ký ức nhớ thương.

“Miền đất mặn là miền nào?”, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc khi cầm trên tay quyển sách này. Nguyễn Chí Ngoan giải thích rằng, Ðất Mặn là vùng đất của những cánh đồng bạt ngàn nuôi sống bao thế hệ.

Ở nơi ấy, người nông dân bầu bạn với ruộng vườn, ngóng đợi từng cơn mưa mát lành. Ðể khi mùa mưa về, người người vui mừng bơm nước ngọt vào đồng, kê lu hứng nước dưới mái lá hiên nhà. Những đứa trẻ lại hò nhau tắm mát. Người già đưa một câu vọng cổ. Những người mẹ người chị lấy cơm nguội ra chiên trong khi cánh đàn ông lại bàn nhau về chuyện cày đất cấy giống. Ðất Mặn là tên riêng của vùng đất mà tác giả quê Miệt Thứ yêu thương gọi tên.

Với “Mưa miền đất mặn”, đó là 20 câu chuyện bình dị về những đứa trẻ ở Ðất Mặn, về những điều thân thương tưởng cũ sao cứ nhớ hoài, những tình thương xứ Ðất Mặn cứ nhắc là lại trào dâng cảm xúc.

Nguyễn Chí Ngoan kể về trái bần “chua lè chua lét” mà hương vị thì nhớ hoài không thôi. Sịa cơm nguội của má cho đỡ đói lòng lúc trưa muộn nhưng ngồi nhớ lại thì ngon hơn bất kỳ loại sơn hào hải vị nào. Chí Ngoan còn thầm thì kể chuyện Tết xưa, chuyện “ra riêng” của ông nội hay chuyện về chiếc xuồng ba lá ở xứ mình...

“Nỗi buồn trong veo” - như tựa một tản văn trong tập sách này cũng là một nỗi nhớ trong veo chạm đến trái tim người đọc. Ðọc từng dòng, từng câu chuyện miền Tây của Nguyễn Chí Ngoan, sao đâu đâu cũng chạm vào niềm nhớ. Chí Ngoan “gởi những con đường”, “còn thương tiếng vịt kêu chiều”, rồi ngóng “gió đồng đương thổi”... “Chuyện xứ tui là vầy nè...” của Chí Ngoan cũng là chuyện trong cơ hồ ký ức của nhiều người, vậy nên, “để kể cho nghe...”.

“Dừng lại để thấy mình mênh mông” là tản văn mà bản thân người viết bài này dừng lại rất lâu để đọc và cảm nhận. Ba dặn thằng con sẵn đường đi ngang Thứ Mười Một, ghé vào kinh Hãng, đốt cho ông thầy Chín thuốc rắn cây nhang. Hỏi lý do thì ba nói hồi đó ông thầy Chín đã cứu sống má trong lần bị rắn cắn.

“Mưa miền đất mặn” và chuyện miền Tây - 1

Sách “Mưa miền đất mặn”.

Rồi hũ mắm ba khía gởi tặng nhà mợ Tám với cái lý do thấy thương đứt ruột rằng hồi đó còn đi mần mướn cho nhà mợ Tám, “vợ chồng mợ Tám thấy ba nghèo nên thương dữ lắm”... Ðó là chuyện hồi xưa, còn chuyện bây giờ thì giữa những con đường thênh thang, giữa dòng đời hối hả, lại gặp những tấm bảng viết mấy chữ nguệch ngoạc: “Sửa xe miễn phí”, “Cơm chay miễn phí”, “Lấy 2 tờ nếu bạn đang gặp khó khăn”...

“Tất cả đều khiến bạn dừng lại để cúi đầu”, Chí Ngoan viết. Rốt cùng sau những dòng văn ấy là thái độ sống chậm, chậm để thấu hiểu và thương yêu. Sống chậm để nhìn lại, biết ơn cuộc đời, biết ơn những người đã giúp đỡ mình.

Nghĩ suy ấy cũng là những dòng cuối trong tập sách này, với tản văn “Mưa miền đất mặn”: “Từ lúc lọt lòng, lũ trẻ ở Nước Mặn đã được dạy cách sống ngọt ngào, mặc kệ đất mặn khô cằn. Và hình như dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao”.

Nguyễn Chí Ngoan sinh năm 1991, là giáo viên tiểu học tại Miệt Thứ, Kiên Giang. Năm 2020, anh đoạt Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần thứ I với tập bản thảo “Mộng giang hồ”. Trước đó, tập truyện ngắn “Bến chờ” của anh do NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành vào năm 2019 được giới chuyên môn đánh giá cao. Nguyễn Chí Ngoan tạo ấn tượng với giọng văn rặt Nam Bộ, nhiều cảm xúc và chọn đề tài bối cảnh nông thôn miền Tây sông nước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đăng Quỳnh (Báo Cần Thơ)

CLIP HOT