Thiết kế trang phục dân tộc của Miss Cosmo Vietnam 2023: Văn hóa Việt sống động dưới lăng kính thời trang
Từ nguồn cảm hứng Trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến ẩm thực Nam bộ, nhân vật văn học, các yếu tố văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử đều được thể hiện qua góc nhìn sáng tạo và mới mẻ từ các nhà thiết kế trẻ.
Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi thiết kế trang phục cho Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc - Miss Cosmo Vietnam 2023 đã nhận được nhiều bản thiết kế dự thi từ các nhà thiết kế, các bạn trẻ trên khắp cả nước. Với tư duy nhạy bén, góc nhìn đề bài đa chiều, các nhà thiết kế trẻ đã khoác lên diện mạo mới cho các bài thi. Không chỉ đơn thuần là nơi để các nhà thiết kế trẻ sáng tạo, Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc còn là nơi thể hiện sự tự hào về văn hóa và truyền thống dân tộc.
Trong các bài dự thi vừa công bố, các nhà thiết kế trẻ đều thể hiện được chủ đề “Cảm hứng tương lai” của cuộc thi với những đường nét mạnh mẽ, màu sắc rực rỡ, hiện đại nhưng vẫn mang đậm giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam.
Hình ảnh hiện đại, chất liệu truyền thống được tận dụng triệt để
Ý tưởng sáng tạo trang phục dân tộc năm nay đến từ nhiều nguồn cảm hứng mới lạ, từ di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các món ăn quen thuộc của người Việt, các công trình kiến trúc và điêu khắc, nhân vật lịch sử, làng nghề truyền thống hay các biểu tượng văn hoá nghệ thuật phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế. Những bản vẽ điều được các NTK thể hiện nét đẹp văn hoá dân tộc thông qua việc sử dụng các chất liệu truyền thống thân thuộc.
Như ở bài thi Lạc thần vị lai, NTK Bùi Hoàng Ân vừa thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc thông qua hình ảnh áo dài và chim lạc, vừa thể hiện sự hiện đại hóa qua phần đôi cánh được thiết kế theo hướng futuristic. Nhằm thể hiện sự chuyển mình phát triển của con người Việt Nam giao thoa giữa cái cũ và cái mới.
Cũng lấy cảm hứng từ chim Lạc, Văn Lang của NTK Trương Huỳnh Phát lại mang đến góc nhìn mới khi kết hợp với hình ảnh rồng thiêng. Nằm mang đến những giá trị văn hoá cổ xưa Trống đồng Đông Sơn gắn liền với thời kỳ Vua Hùng dựng nước, Văn Lang thể hiện đỉnh cao của sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo của người Việt Nam.
Với bài thi lấy chất liệu huyền sử, “bản vẽ” Âu Cơ của NTK Giang Minh Phương Thảo, lấy cảm hứng từ câu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, kết hợp với hình ảnh cánh chim Lạc, tạo ra một cái nhìn cách điệu và siêu thực. Những cánh chim được thiết kế để chuyển động cơ học, mở và đóng, thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo trải nghiệm đáng nhớ cho người mặc và người xem.
Thiên hồn Thiêng của NTK Lê Ngọc Thu Hà lấy ý tưởng từ hình ảnh hùng dũng, can trường và vĩ đại của Hai Bà Trưng với hướng khai thác từ bộ giáp của hai bà và phối hợp với hình tượng Trống đồng Đông Sơn-một biểu tượng vô cùng tự hào của dân tộc.
Hình ảnh người phụ nữ Việt kiên cường, bất khuất ắt hẳn truyền rất nhiều cảm hứng cho giới trẻ. Tác phẩm Trưng nữ vương của NTK Trần Khánh Huyền mong muốn tôn vinh vai trò, sứ mệnh của người phụ nữ trong quá khứ, hiện và tương lai. Họ đã, đang và sẽ là những nữ anh hùng chiến đấu và cống hiến hết mình cho cuộc sống, đất nước xã hội.
Phượng Hoàng Liên Hoa của NTK Võ Tuấn Đạt được lấy cảm hứng từ nữ thần mặt trời, nguồn sống của con người. Hình ảnh Phượng Hoàng trong mang ý nghĩa cao quý, thanh tao, tượng trưng cho sự đức hạnh của phụ nữ Việt Nam. Sen tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, thoát tục, thể hiện tinh thần dân tộc Việt Nam hiện đại, hướng về tương lai.
Sự hòa hợp giữa yếu tố văn hóa phi vật thể và cảm hứng tương lai
Với chủ đề “Cảm hứng tương lai”, khán giả cuộc thi Miss Cosmo Vietnam 2023 luôn mong đợi những bộ trang phục thể hiện rõ tinh thần hiện đại, ý chí kiên cường của người phụ nữ Việt Nam vươn ra thế giới. Một số NTK trẻ đã làm rất tốt những ý nghĩa cao đẹp này.
Tác phẩm Nhã nhạc 4.0 của NTK Lê Chí Hào lấy cảm hứng từ biểu tượng văn hoá nghệ thuật phi vật thể - Nhã nhạc cung đình Huế. Nhã nhạc cung đình là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Kết hợp với hình ảnh áo dài và những dụng cụ đặc trưng ở phần tà áo, bài dự thi mang đến một góc nhìn hiện đại hơn của loại hình nghệ thuật được xem là truyền thống.
Cũng lấy ý tưởng từ các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, Hồn Nam Bộ của NTK Trần Thái lấy cảm hứng từ Đờn ca tài tử đặc trưng của Miền Tây Nam Bộ. Được UNESCO công nhận là Di sản văn phi vật thể, nhà thiết kế mong muốn mang nét đẹp văn hóa này đến thế giới. Tác phẩm mang thông điệp dù tương lai phát triển, hiện đại thế, nét văn hóa truyền thống vẫn là cái hồn trong mỗi con người Việt Nam.
Sự hòa hợp giữa yếu tố văn hóa phi vật thể và sự tân tiến của thời đại được thể hiện rõ qua tác phẩm Mẫu Thượng Thiên: Chầu Văn Tấu Phượng của NTK Nguyễn Hoàng Sang. Trang phục được lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Tứ Phủ Đạo Mẫu Việt Nam kết hợp loại hình nghệ thuật dân gian hát Chầu Văn gắn liền với nghi thức hầu đồng được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự kết hợp giữa hình ảnh loài chim Phượng Hoàng làm hoa văn trên Phượng Bào cùng sắc đỏ chủ đạo, bộ trang phục tạo nên khí chất cao quý, quyền lực và sức mạnh của Đệ Nhất Mẫu Thiên Tiên.
Việt Nam sống động qua những tác phẩm lấy cảm hứng từ sự tích, dân tộc và làng nghề truyền thống
Khi thiết kế trang phục dân tộc, người làm sáng tạo cần bám sát bốn yếu tố: Tính biểu trưng văn hoá, tính biểu diễn (bao gồm tính khả thi), tính hiện đại, và tính thời trang. Hồn đất chàng Sơn của NTK Nguyễn Minh Hiếu thể hiện rõ những yếu tố này. Lấy ý tưởng từ nghề làm quạt đã có từ hàng trăm năm nay ở xã Chàng Sơn, Hà Nội. Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã từng được người Pháp đem sang Thủ đô Paris triển lãm. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn là vật chứa đựng những thông điệp sâu lắng, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Tình tang Hó Tơ của NTK Lê Anh Quốc Cường lấy cảm hứng từ Hà Nhì, một trong số 54 dân tộc, cư trú tập trung tại các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Tác phẩm mong muốn truyền tải được vẻ đẹp nguyên thủy từ văn hóa của người Hà Nhì, vừa muốn lan tỏa rộng rãi hình ảnh đẹp đẽ của dân tộc này với thế giới.
Vươn cánh sếu của NTK Võ Thị Trúc Phương lấy cảm hứng từ những chú Sếu Đầu Đỏ hiện đang được bảo tồn tại Vườn quốc gia TRÀM CHIM - Đồng Tháp. Sếu là loài chim linh thiêng, tượng trưng cho sức khỏe, sự trường tồn và hạnh phúc. Cô gái COSMO khoác lên mình bộ trang phục "VƯƠN CÁNH SẾU" thể hiện tinh thần của sự thuỷ chung son sắt, chịu thương - chịu khó của phụ nữ Việt từ xưa và không hề mai một ngày nay. Bên cạnh đó còn lan tỏa thông điệp, ý thức bảo vệ động vật.
Diệt là sinh của NTK Phạm Vĩnh Chinh tôn vinh ý chí tôi luyện, luôn hướng về tương lai của người Việt Nam. Thiết kế được phát triển trên nền tảng chính là chiếc áo dài – nón lá truyền thống kết hợp với ngôn ngữ thời trang hiện đại như một cách để làm mới hình ảnh chiếc áo dài dân tộc. Đặc biệt, tà áo dài được kết từ khoảng 500 vật thể mô phỏng VỎ ĐẠN, tạo hình thành những bông hoa phủ kín tà áo với ý nghĩa nguồn sống vẫn nảy nở trong thời kì gian lao của đất nước, góp phần kết nối và củng cố chủ đề TÔI LUYỆN NÊN TÔI của cuộc thi Miss Cosmo Vietnam 2023.
Thị Nở của NTK Phạm Hoàng Bảo được thiết kế dựa trên hình ảnh quả Thị, một loại quả đặc trưng trong truyện Tấm Cám. Lấy hình ảnh Tấm tái sinh từ quả thị, Thị Nở là biểu tượng cho sự tươi mới và sự bất ngờ trong cuộc sống, thể hiện sự sáng tạo và khả năng biến đổi của nghệ thuật thời trang.