Tâm hồn cao thượng: Những hạt mầm tử tế sẽ được ươm chồi và nảy lộc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cuốn sách là sự nhắc nhớ dành cho tất cả chúng ta về sự tồn tại của lòng nhân ái dù cho cuộc đời có trải qua bao đổi thay, hay chìm trong bao điều “dị tật” của văn hoá.

Tiền bạc, địa vị, bất động sản, xe sang, đồ hiệu và mọi thứ vật chất xa hoa ngày càng trở thành thước đo để chỉ cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, nhà triết học người Pháp Jean Jacques Rousseau từng chia sẻ “khi một người chết đi, anh ta nắm trong tay chỉ những gì mình đã cho đi khi còn sống”. Suy cho cùng, thứ quý giá nhất của đời người lại không nằm ở là sự giàu sang, cũng chẳng phải là địa vị, hay danh vọng, mà nó chính là sự tử tế, là tình người và là lòng nhân ái.

Tâm hồn cao thượng: Những hạt mầm tử tế sẽ được ươm chồi và nảy lộc - 1

“Tâm hồn cao thượng” trở thành cuốn sách gối đầu giường bao thế hệ khi vẫn vẹn nguyên những giá trị nhân văn sau hơn 130 năm xuất bản. Chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1948, cho đến nay, “Tâm hồn cao thượng” luôn có mặt trên kệ sách của hầu hết những người yêu sách ở mọi lứa tuổi. Có thể nói, cuốn sách là sự nhắc nhớ dành cho tất cả chúng ta về sự tồn tại của lòng nhân ái dù cho cuộc đời có trải qua bao đổi thay, hay chìm trong bao điều “dị tật” của văn hoá.

Được viết theo hình thức nhật ký của cậu học trò 10 tuổi Enrico Bottini, “Tâm hồn cao thượng” đem đến cho người đọc những câu chuyện nhỏ, diễn ra theo trình tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của cậu bé. Tuy nhiên, đằng sau đó lại là những vấn đề đáng được quan tâm của toàn xã hội.

Tâm hồn cao thượng: Những hạt mầm tử tế sẽ được ươm chồi và nảy lộc - 2

Gia đình Enrico thuộc tầng lớp thượng lưu, trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Đó cũng là lý do mà dù là trong thế giới của những đứa trẻ non nớt, thì các va đập xã hội vẫn liên tục diễn ra. Bất ngờ là sau mọi va đập đó, những mảnh vỡ nhặt được lại vẫn lóng lánh giá trị sống: lòng yêu nước, sự chân thành và hơn cả, là sự tử tế trong mỗi con người.

Chẳng hạn như câu chuyện Một vụ tai nạn xảy ra vào tháng 10, khi Robetti - một cậu bé lớp 2 đã không ngại xả thân mình để kéo một em nhỏ tránh khỏi chiếc xe kéo đang chạy trên đường. Kết quả là bạn nhỏ ấy hoàn toàn bình an vô sự, nhưng Robetti thì lại không.

Cậu bé đã không kịp rút chân mình lại nên hậu quả là bàn chân đã bị cán nát. Những hành động thể hiện sự cảm phục và trân quý từ mọi người xung quanh, thầy cô giáo, và hai người mẹ của hai đứa trẻ sau đó đã giúp cho Enrico, và dĩ nhiên là cả độc giả thấu hiểu rằng, vẻ đẹp tâm hồn xuất hiện rõ ràng nhất là khi chúng ta dang tay giúp đỡ người khác mà không cần mưu cầu lại bất cứ điều gì, thậm chí điều đó còn có thể gây tổn hại đến ta phần nào, nhưng bản thân vẫn không hề nao núng.

Có người từng nói, những ai đã đọc “Tâm hồn cao thượng” thì sẽ không thể trở thành người xấu. Cũng có người ví “Tâm hồn cao thượng” như chiếc vé du hành vào cõi nhân ái. Trong bối cảnh mà lòng tốt bị đem ra mổ xẻ, ứng xử tử tế có thể gây nên nhiều hoài nghi, mọi người càng trở nên quen thuộc với thế giới ảo, và xem nút “like” trên mạng xã hội là lẽ sống như hiện nay, thì sự xuất hiện của “Tâm hồn cao thượng” thực sự là một cơn gió mát. Trên mảnh đất mà phù sa là những câu chuyện nhỏ của Enico Bottini đắp bồi, những người biên soạn cuốn sách nổi tiếng này hy vọng, những hạt mầm tử tế sẽ được ươm chồi, và nảy lộc.

Như Thomas Carlyle - nhà triết học người Scotland từng nói “Hạnh phúc của con người không nằm ở vận may hữu hình bên ngoài, mà nằm ở sự cao đẹp và giàu có vô hình ngay bên trong tâm hồn”. “Tâm hồn cao thượng” - cuốn sách tuy đã rất lâu đời, nhưng chưa bao giờ là lỗi thời trong sứ mệnh truyền cảm hứng, loa tỏa sự tử tế và lòng nhân ái trong đời người.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT