Nhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nơi hội tụ những tâm hồn yêu âm nhạc dân tộcNhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - 1

Từ nhiều năm qua, căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TPHCM đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những ai yêu thích âm nhạc dân tộc. Tại đây, ba tháng một lần, những buổi sinh hoạt định kỳ với những chủ đề rất riêng đã được Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê và những người trong ban tổ chức thực hiện hết sức sinh động và ấm áp. Ngày 19-6, với chủ đề Đàn đá, nhạc cụ gõ cổ nhất trong truyền thống Việt Nam – một đề tài mà GSTS Trần Văn Khê đã có nhiều nghiên cứu và tâm đắc khi trình bày với khán thính giả về loại nhạc cụ độc đáo này

Nhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - 2Theo GSTS Trần Văn Khê, Việt Nam có hai nhạc cụ cổ xưa từ thời tiền sử, đó là Trống Đồng của dân tộc Kinh ở miền Bắc và Đàn đá của dân tộc Tây Nguyên ở miền Nam. Trên thế giới, chỉ vùng Tây Nguyên của Việt Nam mới có những bộ “Đàn đá kêu”, mà người dân tộc gọi là “Goong Lu” (tức là đá kêu như những chiếc Cồng). Ở Trung Quốc, từ đời nhà Châu, sau này ở Triều Tiên, trong nhạc Cung đình có những thanh đá làm bằng ngọc thạch và cẩm thạch, gọi là Đặc khánh. Cả dàn Biên khánh gồm 16 thanh đá, những nhạc khí này không dùng để biểu diễn giai điệu mà chỉ được gõ đầu câu hoặc cuối câu nhạc. Tại nước Gabon (châu Phi) nông dân sau ngày mùa cũng dùng những thanh đá để trên một ổ rơm và dùng hòn cuội gõ vào tạo ra những âm thanh cao thấp khác nhau, nhưng không đủ khả năng diễn tấu như các bộ đàn đá tìm thấy ở Việt Nam.

Khi phân tích về đặc điểm của đàn đá, GSTS Trần Văn Khê cho biết: “Vào giữa thế kỷ XX, các nhà khảo cổ tìm ra được một số thanh đá kêu, hình thức dài, không thể treo được mà phải để nằm song song trên một cái giá. Những nhạc khí này được đẽo ra từ những thanh đá nham, không phát ra những âm cố định theo 12 âm Luật lữ hay thang âm Ngũ cung, mà phù hợp với những loại thang âm được dùng trên Tây Nguyên. Những thanh đá này thường có dấu vết mòn, khi gõ  vào đó thì âm thanh vang to, mỗi thanh chỉ cho được một âm. Riêng Đàn đá Khánh Sơn có một thanh có đến hai chỗ mòn, khi gõ vào hai chỗ  này thì hai âm khác nhau được phát lên. Đàn Ndut Lieng Krak và đàn Khánh Sơn đã được ghi âm từng thanh đá. Viện thanh học bên Pháp và Hà Nội có đo độ cao của các thanh một cách chính xác. Đáng lưu ý là những thanh đá phát ra âm Fa nhiều hơn các thanh khác, mà theo các cơ quan nghiên cứu về tâm sinh học thì âm Fa có tác động đến đan điền trong con người”.

Qua dẫn chứng của GSTS Trần Văn Khê, một số bộ đàn đá đã được khai quật ở nước ta, hiện vẫn còn lưu giữ ở các viện bảo tàng như:

- Đàn đá Ndut Lieng Krak: Lần đầu tiên giới nghiên cứu Việt Nam được biết về đàn đá là qua bộ Ndut Lieng Krak.

Năm 1949, nhà dân tộc nhạc học Pháp Georges Condominas đã khám phá tại xã Ndut Lieng Krak (huyện Lạc Dương, tỉnh Đak Lak) 11 thanh đá chôn sâu trong lòng đất đã được ghè đẽo. Sau đó ông đưa những thanh đá này về Pháp, để tại Bảo tàng viện Con Người (Musée de l’Homme) ở Paris. Các nhà nhạc học danh tiếng như André Schaeffner (Pháp), Jaap Kunst (Hà Lan) và Constantin Brailoui (Rumanie) đã tiến hành nghiên cứu, xác định đó là một cây đàn tiền sử và đặt tên là “Lithophone de Ndut Lieng Krak”.

- Đàn đá Khánh Sơn: Năm 1979, một chuyên gia của Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tên Kpa Ylang (dân tộc Ba Nar) dẫn đầu một nhóm nghệ nhân tìm được tại huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) 12 thanh đá. GS Tô Vũ cùng với một số chuyên gia, trong đó có Kpa Ylang, đã nghiên cứu và viết bài báo cáo đầy đủ về những thanh đá này, được mang tên là Đàn đá Khánh Sơn và giới thiệu chánh thức với thế giới tại Hà Nội.

- Đàn đá Bác Ái: Viện Âm nhạc tìm được tại Ninh Thuận vào năm 1980, có trên 30 thanh đá lớn nhỏ khác nhau, thanh lớn nhứt nặng trên 30kg.

- Đàn đá Bình Đa: Vùng Biên Hòa – Đồng Nai. Tại đây các thanh đá được khai quật cạnh bên những hiện vật bằng đồ gốm, nên các nhà khảo cổ dùng carbone14 để định niên đại của đàn này (cách đây khoảng 3.000 năm)

- Đàn đá Blao: tìm ra năm 1980, hiện được tàng trữ tại Bảo tàng viện Lâm Đồng.

- Đàn đá Đa Long: Năm 1987 tìm được 7 thanh đá khác tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) dùng làm dụng cụ đuổi chim. Hiện cũng được tàng trữ tại Bảo tàng viện Lâm Đồng.

- Đàn đá Tuy An: tìm ra năm 1992 tại Tuy An (tỉnh Phú Yên).

Nhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - 3Nhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - 4

Nhạc sĩ TNhà giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - 5ô Vũ là người đã dày công nghiên cứu hầu hết các đàn đá khai quật được trên vùng Tây Nguyên và viết những bài báo cáo lưu hành nội bộ rất bổ ích cho việc tìm hiểu Đàn đá. Các bộ đàn đá hiện đều được lưu giữ trong các Nhà Bảo tàng, nên giới âm nhạc dân tộc đã mày mò tìm cách chế tác nhạc cụ độc đáo này nhằm cung cấp cho các nhóm biểu diễn âm nhạc dân tộc trong cả nước. Người đầu tiên chế tác đàn đá là nhạc sĩ Thế Viên (Trung tâm Văn hóa TP.HCM). Ông đã cất công lặn lội tìm kiếm những “thanh đá kêu” ở Khánh Sơn, Tuy An... để làm ra những bộ đàn đá mà các thanh có thể phát ra âm thanh với độ cao qui định. Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc cũng đã chế tác một bộ đàn đá gồm những thanh đá mỏng bằng phẳng, trơn tru (không sần sùi, góc cạnh như những bộ đàn đá nguyên thủy), có thể diễn tấu cả nhạc dân tộc lẫn nhạc Tây phương. Khi tìm thấy bộ đàn đá Khánh Sơn vào năm 1979, cố Giáo sư Viện sĩ Lưu Hữu Phước - lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam - đã giao cho nhạc sĩ Đỗ Lộc nghiên cứu và ứng dụng sao cho hiệu quả. Khi nhạc sĩ Đỗ Lộc biểu diễn tác phẩm “Gọi nhau lên nguồn” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trên cây đàn đá trong buổi lễ chính thức công bố Đàn đá Khánh Sơn, thì bản nhạc này trở thành tác phẩm đầu tiên viết riêng cho đàn đá bằng phương pháp ký âm.

Trong buổi nói chuyện, NSND Đỗ Lộc và NS Bích Diệp sẽ biểu diễn các tiết mục: Đàn đá: “Chào mặt trời mọc” (sáng tác: Đỗ Lộc), “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” (sáng tác: Xuân Hồng), Đàn T’Rưng: “Trở về Tây Nguyên” (sáng tác: Đỗ Lộc & Xuân Giao), Đàn Angklung & Phong Tiêu: “Tây Nguyên vẫy gọi” (sáng tác: Đỗ Lộc) – những tiết mục độc đáo nhất của đàn đá Việt Nam đã tạo tiếng vang lớn trong những chuyến lưu diễn nước ngoài của NSND Đỗ Lộc.

T.H

BOX

“Về với quê hương để được thấy mình luôn trẻ”

TỐ TRÂM

Vẫn gian phòng ấm áp. Nơi trưng bày đủ loại nhạc cụ dân tộc và những di ảnh thuộc hàng quý hiếm trên đời. Nhà thầy Khê cứ đầu tháng sau mỗi quý, lại rộn ràng niềm vui và sự thích thú của những tâm hồn yêu âm nhạc.

Những chương trình sinh hoạt định kỳ tại nhà giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê đã diễn ra thật sinh động. Chưa đến giờ khai mạc, đông đảo bạn trẻ đã đến gần kín gian phòng. Cứ đến hẹn lại lên, địa chỉ này đã trở nên quen thuộc đối với các bạn sinh viên yêu thích âm nhạc dân tộc. Biết gian phòng tại tư gia 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM quá nhỏ, chỉ có thể chứa được 100 người, nhiều kỳ sinh hoạt thầy Khê đã yêu cầu báo chí đừng đưa tin, vì sự quá tải sẽ khiến nhiều người không vào được bên trong. Thế nhưng dù không một mẫu tin trên các báo, gian phòng vẫn đông kín người.

Mấy ai biết mỗi ngày 5 giờ sáng thầy đã thức dậy, công việc đầu tiên là soạn thảo những việc cần làm trong ngày. Ghi chép cẩn thận vào sổ. Sau mỗi tuần thầy tổng kết lại, những quyển sổ phân biệt công việc cần làm, phải làm và sẽ làm được xếp ngăn nắp trên bàn. Trên máy vi tính, những chuyên mục công việc được soạn kỹ lưỡng. Có lần thầy nói: “Xem công việc dù lớn hay nhỏ đều như nhau thì cuộc sống sẽ ngăn nắp”. Chính vì ngăn nắp trong cách sống, cách nghĩ và cách làm, kiến thức được thầy dung nạp bỗng dưng như những ngăn tủ, cứ mở ra là lấy xài. Chỉ mới đây thôi, trong đêm tưởng niệm NSND Phùng Há, đúng vào ngày sinh nhật 89 của thầy, nhiều học trò đã đặt tiệc để mừng thọ, nhưng thầy đã xin lỗi để đến với đêm diễn gây quỹ từ thiện và có phần tưởng niệm người nghệ sĩ cả đời cống hiến cho sân khấu. Thế mới thầy nể phục một giáo sư quên cái riêng của mình để vì cái chung của cả giới. Thầy nói: “Tôi được cô bảy Phùng Há cho làm nghệ sĩ vinh dự cách đây mấy chục năm, thì hôm đó khi các thế hệ nghệ sĩ làm một đêm văn nghệ để gây quỹ từ thiện, tôi không thể vì lễ mừng thọ của mình mà không tới dự”.

Điều đáng quý hơn là sự cập nhật thông tin để có thể đối chứng, so sánh, phân biệt đúng sai trong quá trình nghiên cứu. Chính điều đó đã giúp cho kho tàng nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống của thầy càng thêm sâu rộng.

Thầy nhấn mạnh một điều mà hầu hết các bạn trẻ đều tâm đắc: “Trước sự phát triển của âm nhạc truyền thống nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, những gì phát triển từ bên trong ra là của cha ông sáng tạo, gầy dựng và chịu sự thử thách của thời gian mới thành tựu, còn phát triển, lai căng từ bên ngoài cần phải thận trọng để không bị mất gốc”.

Chuyện một du học sinh sang Nga bảo vệ luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc, đã bị đề nghị tước bỏ những câu hò trong ngũ cung của bản Lưu Thủy Trường, thầy nghe xong bực tức góp ý ngay, đâu phải tốt nghiệp trên đất bạn rồi phải theo ý của bạn, con bỏ đi chữ hò là mấy cái gốc của bản nhạc rồi. Chính chữ hò này mới là của ông cha mình, nên trong dàn nhạc cổ người trong nghề vẫn thường nói hò 1, hò 2, hò 5... Học của người nhưng phải biết giữ cái gốc của mình.

Một bạn sinh viên nhà ở tận quận 7, không một lần sinh hoạt định kỳ nào vắng mặt nói: “Nghe thầy Khê nói chuyện, thấy đời tươi trẻ mãi”. Vì sao một ông lão ở tuổi 89 vẫn có sức hút đối với giới trẻ, mà đâu phải đề tài ông nói là điều họ quan tâm. Thế mà không buổi sinh hoạt nào giờ nói chuyện của thầy bị thu ngắn, ngay cả hôm nay, khi thầy đang cảm. Tôi bồi hồi nhớ lại ước mơ của thầy khi lần đầu về nước, trả lời các báo về dự định cuối đời của giáo sư, thầy đã nói: “Về với quê hương để được thấy mình luôn trẻ”. Sức trẻ ở chính trong trái tim yêu nước của thầy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT