Nhà văn Trần Hoài Dương: “Miền xanh thẳm” của tuổi thơ
Một đời sáng tác văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Hoài Dương luôn hướng độc giả tới những nét đẹp trong trẻo, hồn hậu trong cuộc sống con người, thiên nhiên và vạn vật.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhà văn Trần Hoài Dương, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Trần Hoài Dương - Con người và tác phẩm”. Đây cũng là dịp để các nhà văn, nhà thơ, bạn bè và người thân ôn lại kỷ niệm về ông.
Nhà văn Trần Hoài Dương được biết đến nhiều qua những trang sách giáo khoa suốt hàng chục năm nay. Lúc sinh thời, ông đã viết nên nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi hấp dẫn, đặc sắc: Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Miền xanh thẳm,...Những áng văn của ông đã đi theo biết bao thế hệ học sinh qua những trang sách.
Buổi tọa đàm “Trần Hoài Dương - Con người và tác phẩm” do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, sau khi đọc xong Miền xanh thẳm lần thứ hai (lần thứ nhất được đọc cách đây gần 20 năm), ông càng nhìn rõ hơn cái “miền” ấy của Trần Hoài Dương.
“Có rất nhiều điều của 20 năm trước đã biến mất khỏi đời sống con người và bây giờ cho dù nó xuất hiện trở lại cũng đầy nguy cơ trở thành một thứ xa lạ và vô cảm với con người đương thời. Nhưng một điều kỳ lạ xuất hiện, đó là khi cái “miền” của nhà văn Trần Hoài Dương hiện ra, ngay lập tức nó trở thành giấc mơ da diết và ngập tràn xúc động đối với tôi và tôi tin đối với rất nhiều người đang sống”, ông xúc động bày tỏ.
Hai trong nhiều tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong Miền xanh thẳm có bốn yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân tính được theo đuổi trong toàn bộ tác phẩm đó là gia đình với người sống, người mất, là xã hội, là thiên nhiên và là văn hóa (thông qua những cuốn sách và những câu chuyện hành xử của con người).
“Những yếu tố quan trọng nhất ấy đã làm cho những đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế; những đoạn văn ông viết về những người thân yêu, đặc biệt là người mẹ đã mất đẹp và rất xúc động. Bởi người mẹ luôn hiện lên trong mọi vui buồn của ông. Người mẹ hiện lên nhân hậu, yêu thương và lặng lẽ chỉ qua những câu văn giản dị đến nhói lòng. Ông nói về người mẹ đã khuất của mình nhưng lại làm cho tôi và chắc chắn nhiều người khác nhớ về mẹ mình da diết” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Bạn bè nhắc lại kỷ niệm với nhà văn Trần Hoài Dương
Đối với nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân, từ ngày còn nhỏ chị đã biết tới tập truyện Những ngôi sao trong mưa của Trần Hoài Dương: “Quyển sách đầu đời đó đã in dấu trong tôi mãi mãi, giúp tôi có một thế giới trong sáng vô ngần bên cạnh tuổi thơ của mình. Để về sau, dù có những đoạn đường đời gập ghềnh, khắc nghiệt, tôi luôn quay trở lại thế giới trong veo đó, để hít một hơi thở dài, và bước tiếp con đường của mình với trọn vẹn thiện lương trong tâm trí”.
Với tư cách là một giảng viên, PGS-TS Bùi Thanh Truyền (Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) cho biết, những áng văn của tác giả Trần Hoài Dương đã đi theo suốt bao thế hệ học sinh. Sau nhà văn Trần Đăng Khoa, Tô Hoài thì nhà văn Trần Hoài Dương là tác giả có nhiều trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh tiểu học.
Tác phẩm Chiếc lá; Nắng phương nam; Cánh rừng mùa thu... chứa đựng nhiều giá trị, mang giáo dục về tình yêu thương, tình cảm gia đình, biết yêu quý những người làm đẹp cho cuộc đời. “Văn của ông được nhiều thế hệ thích bởi ông xem tuổi thơ, xem sáng tác cho tuổi thơ như thứ đạo của đời mình” - PGS-TS Bùi Thanh Truyền nhận xét.
Nhà văn Cao Xuân Sơn ôn lại kỷ niệm về nhà văn Trần Hoài Dương
Đối với nhà văn Trầm Hương, nhà văn Trần Hoài Dương là một đồng nghiệp luôn biết sẻ chia và thấu hiểu. Nhà văn Trầm Hương kể, lúc nhà văn Trần Hoài Dương còn sống, chị đã từng đến thăm bệnh và rất xúc động khi được đồng nghiệp hỏi thăm ngược lại về cuộc sống của hai mẹ con chị.
“Anh nhìn tôi với ánh mắt chia sẻ, đầy thấu cảm về thân phận của người mẹ đơn thân. 10 năm anh ra đi, độc giả không quên anh vì anh đã yêu thương con người rất chân tình, con người anh thế nào là văn chương của anh thế đó, lời lẽ như tâm tình, bộc bạch, chạm vào trái tim người đọc” - nhà văn Trầm Hương xúc động.
Nói về đóng góp của nhà văn Trần Hoài Dương đối với NXB Kim Đồng, nhà văn Cao Xuân Sơn cho biết, cố nhà văn đến với NXB Kim Đồng từ năm 1963 với tác phẩm Em bé và Bông Hồng.
Văn chương của nhà văn Trần Hoài Dương không bao giờ xưa cũ bởi ông là biểu tượng của thế hệ nhà văn trong sáng, toàn tâm toàn ý viết cho thiếu nhi. Đến nay, năm nào NXB Kim Đồng cũng tái bản tác phẩm của cố nhà văn Trần Hoài Dương, những chuyện ngắn chọn lọc cho thiếu nhi đều có tên ông. Tác phẩm của ông là tài sản quý giá trong kho tàng văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng.
Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ, sinh ngày 8/11/1943 tại Hải Dương. Ông từng công tác tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng Sản), báo Văn Nghệ Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Măng Non, Nhà xuất bản Trẻ. Từ năm 1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Trong cuộc đời của mình, nhà văn Trần Hoài Dương đã ấn hành 24 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài… Ngoài ra ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim. Ông mất vào năm 2011. |
Rồi tôi quen dần cái mùi (vị) Sài Gòn (mệt mỏi, thiếu, đói, tuyệt vọng, hy vọng, niềm vui, nỗi buồn…) khi có bảy năm...