Một thư viện ở Paris - Niềm an ủi sau những trang sách

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm 2010, khi tác giả Janet Skeslien Charles làm quản lý chương trình cho Thư viện Hoa Kỳ tại Paris, các đồng nghiệp của bà đã kể cho nghe câu chuyện về những nhân viên can đảm trông giữ thư viện này mở cửa trong suốt thời gian chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Vô cùng ngạc nhiên trước sự dũng cảm và tận tụy của các thủ thư tại đây, bà viết nên cuốn tiểu thuyết Một thư viện ở Paris.

Cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên câu chuyện có thật diễn ra trên nền bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai ở thủ đô nước Pháp. Qua đó, độc giả thấy được rằng dù trong chiến tranh khốc liệt, thư viện vẫn là cầu nối sách giữa các nền văn hóa của mọi quốc gia, và văn chương luôn có sức mạnh cứu rỗi con người khỏi những biến động của thời cuộc, mang chúng ta đến gần nhau hơn.

Booklist nhận xét cuốn sách giống như “một bức thư tình gửi Paris, một câu chuyện cảm động về sức mạnh của sách và vẻ đẹp của tình bạn giữa các thế hệ”. Và ở đó, “ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong màn đêm của chiến tranh”.

Có cốt truyện song song, đan xen, kể về những người phụ nữ có mảnh đời và số phận khác nhau. Nhưng ở họ có điểm chung là đều được những người thân yêu bên cạnh gieo truyền cho tình yêu đọc sách và làm bạn với những trang văn. Bối cảnh câu chuyện đan cài giữa quá khứ và hiện tại, lấy hiện tại làm cái cớ để lật ngược về quá khứ trong thời kì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở Pháp từ năm 1939.Một thư viện ở Paris - Niềm an ủi sau những trang sách - 1

Nhân vật chính trong truyện là Odile, một cô gái Pháp say mê đọc sách và có một tình yêu đặc biệt với thư viện. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã theo chân người dì Caroline đến Thư viện Hoa Kỳ ở Paris để đọc sách. Với cô, mùi của những trang sách cũng khiến cô mê mẩn. Lớn lên, cô khao khát được làm thủ thư ở thư viện, để hàng ngày được làm việc và đắm chìm trong thế giới của văn chương và những con chữ. Đọc những cuốn sách mà dì từng đọc khiến cô cảm thấy như dì vẫn còn bên cạnh mình.

Odile từng chia sẻ: “Thư viện này chính là nơi trú ẩn của tôi. Bất cứ góc nào ở nơi đây, tôi cũng có thể an lòng đọc và gọi giấc mơ của riêng mình trở về. Tôi muốn nỗ lực hết mình để chắc chắn rằng bất kì ai cũng có cơ hội tìm thấy sự ấm áp ở nơi đây, đặc biệt là những ai cần một nơi gọi là nhà”.

Lẽ ra năm 1939 có thể là một năm hoàn hảo với Odile vì cô đã thực hiện được ước mơ trở thành thủ thư của Thư viện Hoa Kỳ; đồng thời, cô cũng tìm thấy hạnh phúc của mình với một chàng cảnh sát người Pháp. 

Thế nhưng, khi Đức quốc xã tiến vào và chiếm đóng Paris, mọi thứ đã thay đổi với Odile và tất cả người dân thành phố. Trong chiến tranh, các thư viện trở thành mục tiêu để Phát xít thôn tính. Quân Phát xít thậm chí còn yêu cầu tiêu hủy những cuốn sách mà chúng cho là ảnh hưởng đến chế độ hoặc những cuốn sách của tác giả người Do Thái. Hơn thế nữa, người Do Thái cũng bị cấm vào những khu vực nhất định, trong đó có thư viện. 

Nhưng lòng dũng cảm cùng tình yêu sách của những thủ thư ở Thư viện Hoa Kỳ đã giúp nơi đây tồn tại quật cường trong chiến tranh, sau những đợt tàn phá của bom đạn và lệnh cấm hoạt động hà khắc của quân Phát xít. Thư viện Hoa Kỳ ở Paris vẫn mở cửa và tiếp tục hoạt động âm thầm bằng cách giao sách đến tận tay những người không được phép vào bên trong, cũng như gửi đi các cuốn sách bị cấm đọc thay vì phải tiêu hủy chúng theo mệnh lệnh.

Tại đây, Odile đã gặp gỡ và có một tình bạn thân thiết với Margaret. Cô cũng truyền cho người bạn này của mình tình yêu đọc sách. Nhưng sau đó, vì tính tình bộc trực cùng nỗi uất hận khi người anh của cô bị bắt vì tham gia chiến trận (trong khi Margaret lúc đó lại đem lòng yêu một anh lính Phát xít) khiến Odile và Margaret vô tình rơi vào tình thế đối kháng. Tình bạn của họ tan vỡ. Odile kết hôn với một người lính Mỹ và chuyển đến Montana, sống nhiều năm trong cô đơn.

Năm 1983, khi viết bài nghiên cứu về nước Pháp, Lily – một cô bé hàng xóm 13 tuổi luôn tò mò về cuộc đời của Odile – đã lấy cớ đó để gõ cửa nhà Odile. Quá khứ của Odile dần hé mở. Một tình bạn đẹp (giữa Odile và cô bé Lily) được hình thành. Hai cốt truyện, một quá khứ, một hiện tại, kết hợp với nhau cho thấy cái nhìn sâu sắc về các mối quan hệ và tình bạn vượt thời gian, không gian. 

Bối cảnh cuộc chiến ở Paris được tái hiện chân thật thông qua những trải nghiệm đáng nhớ của chính nhân vật Odile cũng như những gì cô bé Lily đã học được trong lớp học lịch sử ở thời điểm hiện tại. 

Câu chuyện là sự đan cài kết hợp giữa yếu tố lịch sử và hư cấu, nói lên tình yêu, sự hi sinh, phản bội và cả lòng khoan dung, tha thứ. Nhưng trên tất cả, nó nhắc nhở chúng ta về tình yêu với những cuốn sách và thư viện, nơi con người có thể tìm thấy sự bình yên và thoát khỏi thực tại tăm tối nhất. Nó chứng minh một điều rằng văn chương có sức mạnh giải thoát, cứu rỗi nhân loại, tạo nên chất xúc tác gắn kết con người lại với nhau. Những người yêu sách chắc chắn sẽ tìm thấy niềm an ủi khi đọc cuốn tiểu thuyết này.

Phương châm của Thư viện Hoa Kỳ ở Paris là: “Ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong đêm tối của chiến tranh”. Đây cũng là thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải đến độc giả, những người đang tìm cho mình chiếc cầu nối gắn kết khoảng cách và sự cô đơn trong cuộc sống.

Với những giá trị đó, ngay sau khi phát hành, Một thư viện ở Paris đã lập tức gây được tiếng vang lớn, nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất theo tạp chí New York Times, Washington Post và USA Today bình chọn; lọt danh sách tác phẩm của năm trong bảng xếp hạng của Amazon. Bên cạnh đó, sách còn được dịch ra 35 ngôn ngữ khác nhau.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Huệ - Minh Châu

CLIP HOT