Mối duyên giữa phim và du lịch
Khán giả xem phim về du lịch không chỉ dõi theo các câu chuyện đa dạng chủ đề, mà còn được biết về những điểm đến mới lạ và con người, văn hóa...
Với dạng phim này, một kịch bản hay với những tình tiết hấp dẫn mới đủ sức giữ khán giả dõi theo trọn vẹn hành trình của các nhân vật.
Quảng bá du lịch
Ngày 30-5, áp phích chính thức của loạt phim "Tọa độ hạnh phúc" - dự án được DZS Media phối hợp thực hiện cùng Công ty TNHH Hoàng Trà My - đã được công bố. Theo nhà sản xuất, loạt phim có 6 tập, kết hợp 3 yếu tố: văn hóa du lịch, phim ảnh và thông điệp chữa lành. Không phải những cú lật bất ngờ hay các màn rượt đuổi gay cấn, phim đi sâu hơn vào cuộc sống thường nhật.
Phim do TanDS Lê đạo diễn, Trần Khánh Hoàng chấp bút, khắc họa vẻ đẹp của đất nước Việt Nam thân quen nhưng đầy mới lạ, lồng ghép khéo léo nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, đặc biệt là ẩm thực.
"Mỗi tập là một câu chuyện khác biệt trên hành trình tổng thể của các nhân vật. Họ đi đến các địa điểm, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, vẻ đẹp tự nhiên và có những câu chuyện, tình huống giúp chữa lành những tổn thương tâm hồn. Chúng tôi đã đi từ Bắc đến Nam, cuối cùng chọn được 6 địa phương muốn kể. Đây là những địa điểm mới lạ, những viên ngọc tiềm ẩn mà chúng tôi muốn giới thiệu đến khán giả" - nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng cho biết.
Áp phích quảng bá của phim “Tọa độ hạnh phúc”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Phim dự kiến ra mắt khán giả từ ngày 1-9. Theo nhà sản xuất Thủy Wolf - Giám đốc sản xuất dự án, phim "Tọa độ hạnh phúc" đáp ứng được nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng âm thanh và hình ảnh chuẩn quốc tế. Tác phẩm sử dụng công nghệ hình ảnh Dolby Vision, công nghệ âm thanh Dolby Atmos để mang đến những trải nghiệm nghe - nhìn tốt nhất cho mọi đối tượng khán giả.
Trước "Tọa độ hạnh phúc", Netflix công bố sản xuất phim về du lịch có tên "A Tourist’s Guide to Love" do Steven Tsuchida đạo diễn, Eirene Donohue - người Mỹ gốc Việt - viết kịch bản. Phim là tác phẩm nước ngoài đầu tiên quay tại Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Quá trình quay ghi nhận sự tham gia của hơn 200 nhân sự địa phương và nhà cung ứng, bao gồm những thành viên trong sản xuất, du lịch nội địa và bán lẻ.
Nội dung phim kể câu chuyện của một nữ chuyên viên du lịch. Sau khi bất ngờ chia tay người yêu, cô quyết định tham gia một đề án khám phá và tìm hiểu về ngành du lịch Việt Nam. Chuyến đi khiến cô tìm thấy được cả sự phiêu lưu và lãng mạn với một hướng dẫn viên du lịch người Việt. Phim quay ở TP HCM, Đà Nẵng, Hội An, Hà Giang, Hà Nội.
Ngoài ra, dự án phim nhiều tập "Early Risers" cũng được mong chờ vì kể câu chuyện về người nước ngoài sống ở TP HCM cách đây khoảng 15 năm. Phim dùng sự hài hước và tươi sáng để truyền tải tinh thần hiếu khách của người dân TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Những nét văn hóa đặc trưng được lồng ghép trong khoảng 8 - 10 tập phim.
Phim do Vincent Ngô viết kịch bản, Zach Merck làm đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên quốc tế và Việt Nam. Phim sau khi hoàn thành sẽ phát sóng trên kênh VTV9 song song với đơn vị quốc tế mua bản quyền.
Kịch bản quyết định
Như bao tác phẩm phim ảnh khác, kịch bản vẫn giữ vai trò quyết định cho sự thành công của phim về du lịch. Mối duyên giữa phim và du lịch có thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng với khán giả, hoàn thành mục tiêu quảng bá hay không dựa chủ yếu vào kịch bản. Vì thế, áp lực lớn nhất với nhà sản xuất vẫn là tìm được câu chuyện hay, hài hòa giữa các yếu tố của câu chuyện, chuyển biến nội tâm nhân vật và vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa vùng đất được kể đến.
"Phim về du lịch không phải là tài liệu cũng không phải ký sự hành trình để thông tin về một vùng đất nào đó. Một kịch bản cho phim về du lịch đòi hỏi sự hài hòa giữa các yếu tố của câu chuyện kết hợp với quảng bá du lịch. Nhà biên kịch phải thấu hiểu nhân vật của mình, biết được những vấn đề nhân vật gặp phải, từ đó mới đưa ra những tình tiết giải phóng, xử lý tình huống nhưng không sa đà để câu chuyện lấn át việc quảng bá. Tất cả đều tuân thủ cấu trúc kể chuyện, có những tình tiết cao trào ở mỗi tập để tạo yếu tố thu hút" - nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng thông tin.
Chi phí sản xuất phim về du lịch không nhỏ bởi phải vận hành đoàn phim lên đến 200 người, di chuyển nhiều địa phương để phục vụ quá trình quay phim. Dòng phim này có thuận lợi là không gặp khó khăn trong việc xin phép các địa phương để đưa lên phim. Bởi sau dịch Covid-19, đa số các nơi đều muốn quảng bá du lịch, giới thiệu nét đẹp văn hóa, ẩm thực của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng quảng bá du lịch qua phim ảnh là xu hướng của thế giới. Việt Nam tuy mới bắt đầu với những dự án được kể trên nhưng vẫn là tín hiệu vui cho nhà làm phim và khán giả kỳ vọng vào một dòng phim mới lạ với thị trường Việt, góp phần lan tỏa vẻ đẹp Việt đến mọi nơi.
"Đôi lúc, các địa điểm tuy quen thuộc nhưng vẫn có những nét lạ qua cảm nhận của người xem, thế là họ đã tìm đến để trải nghiệm, thưởng lãm. Một kịch bản nếu kết hợp tốt các yếu tố về diễn xuất, âm nhạc… sẽ góp phần tạo nên tác phẩm đủ sức chinh phục khán giả. Ngoài ra, sự hài hòa, hợp lý trong câu chuyện cũng là tiêu chí cần đặc biệt lưu tâm" - nhà biên kịch Đông Hoa nhận định.
Khán giả là người hưởng lợi khi phim Việt ngày càng đa dạng, khai thác các chủ đề và thể loại mới lạ. Tất cả giúp cho "món ăn tinh thần" của người Việt ngày càng hấp dẫn. Thêm vào đó, các phim về du lịch thành công không chỉ giúp quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, ẩm thực mà còn mở rộng cơ hội thu hút lượng du khách tìm đến tận địa phương để khám phá.
Phim về du lịch, hay còn gọi là travel drama, không hiếm lạ với thế giới nhưng là mới tại thị trường Việt Nam. Phim Việt cũng từng có vài tác phẩm thành công trong việc góp phần quảng bá du lịch cho những bối cảnh được chọn lựa đưa vào phim, như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” quảng bá vẻ đẹp Phú Yên, “Mắt biếc” quảng bá Huế... Tuy nhiên, những phim này không phải phim về du lịch. Với phim về du lịch, chuyện phim và vẻ đẹp các vùng đất sẽ được giới thiệu song hành.