Món mứt gừng ấm tình của nội
Trong cái se se của ngày đầu xuân, miếng mứt gừng thật ấm lòng, ấm cả tình người.
Tôi còn nhớ ngày xưa, dù bận bịu túi bụi với việc nhà, việc đồng áng, Tết nào bà nội cũng ưu tiên làm món mứt gừng nguyên củ, là món mứt đòi hỏi nhiều thời gian, công phu nhất. Và khi nhìn thấy mâm mứt của nội gác phơi trên nóc bếp, lòng chúng tôi nôn nao không tả nổi, bởi Tết đang tới rất gần rồi.
Thời gian qua nhanh như một cơn gió, khi tất cả đã trưởng thành, đi Đông đi Tây, nếm qua bao của ngon vật lạ thì cái cay cay, ngòn ngọt, thơm thơm của mứt gừng mỗi khi Tết về vẫn còn đó, cả cái dáng lưng cong cong của bà ngồi bên ngạch cửa xăm từng củ gừng vẫn còn đó, vẹn nguyên trong ký ức mỗi chúng tôi.
Để có được món mứt gừng này, nội đã có sự chuẩn bị từ khá lâu. Như một nhà văn từng nói, người quê mình ăn Tết trước xong đã lo dành dụm cho Tết sau vậy.
Sau nhà ông bà nội tôi là khu vườn tạp. Mận, ổi, xoài, mãng cầu... lúc lỉu trái tha hồ cho đám cháu leo trèo. Những khoảng trống không bóng râm ông thường chèn thêm ít bụi khoai hoặc lãnh rau, dây bầu, dây mướp.
Ông nội cuốc đất trồng mấy hàng gừng.
7-8 tháng trước khi Tết về lại thấy ông xáo đất chặt hàng găm mấy hàng gừng. Khi lá gừng ngả vàng rồi dần rụi hết thì dỡ lấy củ. Củ lựa làm mứt không được quá già tránh bị xơ, cũng không quá non vì để thịt không bị bở. Tôi phụ bà nội rửa sạch đất cát rồi cạo sạch vỏ, cố giữ nguyên nhành cho đẹp, sau đó cho vào ngâm trong nước muối. Qua một đêm cho củ gừng nhả bớt vị cay và "dịu" đi khi xăm không bị giòn nứt.
Phải nói xăm gừng là một khâu đòi hỏi khá nhiều thời gia và cả sự kiên trì. Những buổi tối, cả nhà ra đồng về, cơm nước xong thì tụ lại xăm gừng. Bàn xăm gồm một cái cán cầm bằng gỗ, bên dưới cắm đầy những đầu đinh nhỏ nhọn. Phải thật cẩn thận không thì trúng tay chảy máu như chơi.
Nhất là trong những nhát xăm đầu tiên, củ gừng còn cứng, phải cắm xuống cẩn thận từng nhát. Giật lên rất rít. Kiên nhẫn cho tới khi vết xăm ăn nhiều vào, củ gừng mềm xuống thì mới có thể nhanh tay hơn. Xăm một hồi, mấy ngón tay móp nước trắng nhợt và bắt đầu nóng rực lên.
Nội vừa làm vừa kể chuyện về những Tết xưa thời chiến tranh. Bọn sinh sau đẻ muộn chúng tôi tròn mắt, không thể hình dung nổi tại sao những người di tản lại dìm những đòn bánh tét dưới mương nước, tại sao lại là súng mà không phái pháo nổ trong đêm giao thừa, tại sao...! Một lúc thì mắt cả bọn díp lại, hai bàn tay nóng bừng, kéo nhau chui vô mùng. Chỉ còn mình bà nội cần mẫn.
Đám trẻ ngủ một giấc, mở mắt vẫn thấy bà cặm cụi. Ánh sáng từ cái đèn dầu con cóc chiếu trên những ngón tay thô xạm, những đầu ngón to bè. Nội không buồn ngủ sao? Tay nội có bị nóng không? Nội chịu nóng giỏi hay những vết chai khiến nội không cảm thấy nóng rát. Bỗng dưng thấy thương nội, tôi thì thầm: "Nội ơi ngủ đi!". Ngoài kia, tiếng côn trùng vẫn rỉ rả.
Phải vài ba tối như vậy mới kết thúc được công đoạn xăm.
Xăm mứt gừng phải thật kiên trì.
Tôi lút thút theo nội vô bếp, thấy bà xả nước nhiều lần lắm. Ánh gừng đặt giữa hai bàn tay xòe, ép thật chặt. Rồi thả vào ngâm trong nước chanh, cả nước cơm vo, phơi cả ngày dưới nắng. "Làm vậy miếng gừng nó mới trắng".
Rồi bà sai tôi bắc nước sôi cho bà luộc sơ trước khi sên. Mứt sên trên bếp, đường sôi lim rim, mùi thơm ngào ngạt. Mứt trải trên mâm, trong cái nắng trong suốt màu mật ong của Tết như ánh lên những sợi vàng lóng lánh. Hai chiếc đũa chập lại mở ra mà căng chỉ vàng như vậy thì coi như đường đã tới. Những miếng mứt xếp trải ra, đầy đặn, bóng mỡ vì đã ngậm đầy đường. Những miếng mứt mang hình hoa, hình lá, hình những nhành san hô, không miếng nào giống miếng nào bởi đó là sản phẩm của ông trời kết hợp cùng sự khéo léo của bàn tay nội tôi, bàn tay con người.
Bà nội đặt mâm mứt lên phơi trên nóc bếp. Ngoài kia, mấy ông cháu hì hụi vô chậu mấy gốc mai, dăm bụi bông vạn thọ, đặt dưới mấy chân cột dọc theo thềm ba. Cái nhà nhờ vậy mà sáng bừng lên màu Tết rồi, cộng vào cái mùi Tết từ căn bếp của bà nội nữa. Trên cái sân gạch tàu, lá chuối má tôi rọc ngoài vườn vô đang trải phơi chuẩn bị khuya nay gói bánh tét. Ô, Tết đã gần lắm rồi!
Ba ngày Tết, xóm giềng bà con đến chúc Tết, thắp cây hương lên bàn thờ ông bà rồi cùng ngồi lại, rót ra chén trà, xé chút mứt gừng cay cùng hàn huyên, chuyện xưa chuyện nay, chuyện đồng áng, chuyện tương lai con cháu... Trong cái se se của ngày đầu xuân, miếng mứt gừng thật ấm lòng, ấm cả tình người. Bà nội mở rương lấy ra cái áo dài mình the bông ép, chuẩn bị đi chùa. Hôm nay bà mới thật sự rảnh rang.
Những miếng mứt gừng như ánh lên sợi vàng lóng lánh.
Mứt gừng vừa cay vừa nóng, tụi nhỏ không hảo lắm, vậy hỏi: Nội mần chi nhiều vậy, xong cái tết mà "ế" quá xá, không như quả mứt dừa, mứt bí vừa béo vừa ngọt kia, đứa nào cũng ưa ra vào ghé bóc một miếng. Thì đây là câu trả lời của nội nè! Nội đi lục lấy cái thố sành trong tủ chén rửa sạch lau khô rồi tỉ mẩn gắp những miếng mứt gừng còn lại vô đó.
Khi Tết qua đi rồi, hoa trước cửa hết thảy đã tàn, nồi thịt kho tàu chỉ còn lỏng bỏng mấy cục mỡ... thì cái thố được nội đem đặt trong một góc cái gạc măng rê. Giờ thì nó đóng vai trò của một vị thuốc. Trong nhà ai đau bụng, cảm cúm, nôn ói... thì một miếng gừng cay cũng khiến người ấm lên, dễ chịu.
Hay một bữa mưa dầm, gió vù vù quật bành bạch mấy tàu chuối ngoài hè, ông nội pha ly trà nóng, giở cái thố sành lấy một miếng mứt gừng nhâm nhi. Cái máy cát xét đang phát một bài vọng cổ, mùi ơi là mùi. Với người nghèo, ấy cũng có thể coi là thú.
Món mứt gừng nguyên củ ngày nay cũng ít ai làm, có thể vì cách làm khá công phu đòi hỏi nhiều thời gian, cũng có thể vì siêu thị chợ búa bây giờ đầy ngập những món mới lạ ngon mắt, ngon miệng hơn. Mới thấy thương bà mình, mẹ mình, những người phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn quanh quẩn với ruộng đồng, bếp núc, với đàn con cái đông đúc mà Tết nhất lại cũng không cho mình dịp để nghỉ ngơi. Một đời chịu thương chịu khó, thầm lặng chắt chiu, cũng chỉ vì một tình yêu rộng lớn dành cho gia đình, con cháu.
Với tôi, canh khổ qua không chỉ là món ăn yêu thích dịp Tết cổ truyền, mà còn gợi lại những hoài niệm tuyệt đẹp của...