Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với chủ đề "Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc", hội thảo do Cục Bản quyền tác giả chủ trì quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành giải trí tham dự, nhằm tìm kiếm các giải pháp đột phá giúp âm nhạc Việt Nam phát triển.

Buổi đối thoại vừa diễn ra ngày 20/4, là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025, đồng thời cũng cho thấy các cơ quan quản lý đang ngày càng bám sát với những "mạch đập" của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh lĩnh vực công nghiệp văn hóa-giải trí ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam, việc lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, từ những đơn vị đang trực tiếp tham gia sản xuất và định hướng phát triển nền âm nhạc nước nhà là vô cùng cần thiết.

Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam - 1

Tham gia buổi đối thoại có đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt sự hiện diện của một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc trong thời gian vừa qua.

Tại hội thảo, Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng nhấn mạnh, để tác phẩm đến được với công chúng, rất cần hệ thống quảng bá, truyền thông và phân phối phù hợp. Ông đặc biệt đề cao sức mạnh của sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu, từ sản xuất, biểu diễn, kỹ thuật đến doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện chính sách bản quyền và liên tục phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ để tạo nên "một hệ sinh thái âm nhạc lành mạnh, có sức cạnh tranh".

Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam - 2

Ông Trần Hoàng - Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại hội thảo.

Ở góc độ quản lý biểu diễn, Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc đã thẳng thắn thừa nhận những thách thức không nhỏ trong việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật hiện nay, kể cả khi có sự góp mặt của những tên tuổi lớn.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc nhiều địa phương sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ địa điểm, hạ tầng với ngân sách phù hợp. Đây là một tín hiệu đáng mừng và cũng là bệ phóng quan trọng, tạo điều kiện cho các sự kiện âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp, đa dạng và tiệm cận với xu hướng quốc tế.

Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam - 3

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh sự đồng hành của các địa phương cùng các doanh nghiệp đã mang đến tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp văn hóa-âm nhạc Việt Nam.

Đúc kết từ kinh nghiệm "thực chiến" qua việc tổ chức thành công các sự kiện âm nhạc quy mô "khủng", thu hút hàng chục ngàn khán giả như "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" và gần đây nhất là "Chị Đẹp Concert" qua mỗi đêm diễn, ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn YeaH1 đề xuất cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành nhằm xây dựng một môi trường tổ chức thuận lợi, rõ ràng về quy hoạch và thủ tục.

Mở lối cho công nghiệp âm nhạc Việt Nam - 4

Ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn YeaH1.

Trong đó, "bài toán" về địa điểm là yếu tố then chốt, không chỉ giúp đảm bảo điều kiện tổ chức tối ưu, mà còn mở ra cơ hội đưa concert Việt Nam vươn tầm khu vực, thu hút nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển liên ngành, đặc biệt là du lịch. 

Ngoài ra, các sự kiện văn hóa quy mô lớn cần được hỗ trợ bằng những hướng dẫn thống nhất và cụ thể liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, như: phương án giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, quy trình xin phép đồng bộ. Bởi lẽ, việc có một bộ khung hướng dẫn chung sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng lên kế hoạch, tiết kiệm thời gian triển khai, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn cho cả nghệ sĩ, khán giả và địa phương tổ chức.

Nhìn chung, các đại diện của các doanh nghiệp đều thống nhất cho rằng, để ngành công nghiệp văn hóa nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng được phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nghệ sĩ và chính quyền địa phương.

Sự kết nối này sẽ góp phần tạo nên môi trường sáng tạo tích cực, đồng thời giúp việc xây dựng chính sách bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả rõ rệt trong quá trình triển khai. Qua đó, "tiếp lửa" cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, chuyên nghiệp và vươn tầm quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thụy Anh

CLIP HOT

Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam
Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam

Dù cho dòng chảy thời gian có trôi nhanh đến đâu, nhịp sống hiện đại có hối hả thế nào, đờn ca tài tử vẫn luôn giữ cho mình một khoảng trời riêng, một vị trí đặc biệt trong lòng người Nam Bộ.