Đằng sau phim điện ảnh Địa đạo là 'cuộc chiến ký ức'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nói về “Địa đạo”, rốt cuộc, một cách tự nhiên, tác phẩm do Bùi Thạc Chuyên biên kịch và đạo diễn lại dẫn công chúng đến hai tiếng thiêng liêng: “Hòa bình”.

“Chẳng phải chúng ta đang sống trong cái kết đó sao? Đó chính là Hòa bình. Hòa bình đẹp phải không?” 

“Coi xong bộ phim và bước ra khỏi rạp, hãy nhìn lên bầu trời, đó là cái kết! Mỗi chúng ta là một phần kết của bộ phim đó…”

“Cái kết của phim là Hòa bình mà chúng ta đang được hưởng. Đó là máu là nước mắt của cha ông ta!”

Những thông điệp ấy do chính các bạn Gen Z chia sẻ trên mạng xã hội những ngày này, khi bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi. Nhiều khán giả - trong đó có không ít bạn trẻ - nói về cái kết phim: “hơi hẫng”, “khó hiểu”, “chưa đã”… Song, cũng chính khán giả, qua những gì rất thật được họ tâm huyết viết ra, bày tỏ sau khi xem phim, đã “tự trả lời” loạt thắc mắc đó. Nói về “Địa đạo”, rốt cuộc, một cách tự nhiên, tác phẩm do Bùi Thạc Chuyên biên kịch và đạo diễn lại dẫn công chúng đến hai tiếng thiêng liêng: “Hòa bình”.

Đằng sau phim điện ảnh Địa đạo là 'cuộc chiến ký ức' - 1

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" gây tiếng vang lớn khi ra mắt công chúng.

Phim chỉ kể một “lát cắt” trong cuộc chiến tranh phi đối xứng, lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử có thật, đưa người xem trở về thời điểm 1967 ở chiến trường Bình An Đông - Củ Chi. Đội du kích 21 người nhỏ bé nhưng quả cảm, “chân trần chí thép” do đội trưởng Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy đã kiên cường bám trụ địa đạo, chống lại Quân đội Mỹ hùng mạnh để thực hiện nhiệm vụ nặng nề - ban đầu vốn tuyệt mật, chỉ mình Bảy Theo biết, là bảo vệ địa bàn, đảm bảo an toàn cho nhóm tình báo chiến lược của cách mạng hoạt động.

Kết phim… không kết, và bất ngờ, chuyển sang những thước phim tài liệu với “nhân vật chính” là các cô chú chiến sĩ từng sống, chiến đấu ở đất thép thành đồng năm xưa. Địa đạo “tuyệt đối điện ảnh”, lách thoát âm hưởng sử thi - anh hùng ca quen thuộc cố hữu, thậm chí có phần “minh họa” của nhiều phim Việt Nam đi trước.

Đằng sau phim điện ảnh Địa đạo là 'cuộc chiến ký ức' - 2

Diễn viên Thái Hòa trong phim điện ảnh "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Mỗi khán giả đều có thể rút ra “cách hiểu” của riêng mình về bộ phim - có thể trùng khớp, hoặc không, với ý đồ của biên kịch, đạo diễn và những người sản xuất. Đó là quyền đồng sáng tạo cũng đồng thời cấp sức sống lâu dài cho một tác phẩm nghệ thuật. Song, những cảm nhận của các bạn trẻ về giá trị của Hòa bình như đầu bài viết, tin chắc rằng, không xa mấy thông điệp quan trọng phim gửi gắm. Ngay từ những ngày đầu công bố dự án Địa đạo, và đến nay vẫn vậy, trong trailer, poster, background luôn có dòng chữ: “Hướng tới kỷ niệm 50 năm hòa bình thống nhất đất nước”.

Vâng, Hòa bình - Thống nhất!

Ký ức tập thể, theo nhà xã hội học Maurice Halbwachs, hiện thân trong những “tạo tác có khả năng ghi nhớ”, như các hình thức tưởng niệm đền thờ, tượng đài... - những gì mà nhà sử học Pierre Nora gọi là “địa điểm của ký ức”. Bên cạnh đó, GS. John Storey - học giả uy tín về văn hóa đại chúng - đã rất xác đáng khi đề xuất thêm vào danh sách những tạo tác có khả năng ghi nhớ ấy lĩnh vực vô cùng quan trọng mà ông gọi là các ngành Công nghiệp ký ức - như một phần của các ngành công nghiệp văn hóa liên quan đến diễn đạt quá khứ, trong đó bao gồm cả Điện ảnh. Các ngành công nghiệp ký ức, theo John Storey, nỗ lực mời gọi chúng ta nghĩ, cảm, và nhận ra quá khứ, cấp “chất liệu” để từ đó có thể tạo ra ký ức tập thể.

GS. Viet Thanh Nguyen - tức Nguyễn Thanh Việt - lại lưu ý sức mạnh và tầm ảnh hưởng bất cân xứng giữa các ngành công nghiệp ký ức của các “cường quốc” so với các quốc gia “nhỏ/yếu” hơn. Trong chiến tranh, theo ông, Mỹ rõ ràng thua, song vì sở hữu ngành công nghiệp ký ức “mạnh”, nắm quyền về văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa, nên Mỹ đã thắng trong cuộc chiến nói về ký ức chiến tranh trên hầu hết mặt trận văn hóa thế giới bên ngoài Việt Nam như làm phim, xuất bản sách, mỹ thuật, sản xuất các tài liệu lưu trữ lịch sử... Họ xuất khẩu sản phẩm “ký ức công nghiệp” đến mọi nơi trên thế giới, trong lợi thế Anh ngữ.

Trái lại, các nước như Việt Nam, việc nói về hay ghi nhớ ký ức thường tác động chỉ ở cấp độ địa phương và quốc gia, không (thể) xuất khẩu ký ức của mình với bất kỳ quy mô lớn nào trên thị trường toàn cầu. Nghĩa là, dù có tiếng nói, quan điểm vượt trội trên chính lãnh thổ của mình, các quốc gia-dân tộc “nhỏ/yếu” hơn sẽ bị áp đảo, gặp nhiều bất lợi trong cuộc chiến ấy.

Nghiên cứu sự thể hiện, diễn giải ký ức Chiến tranh Việt Nam, hay Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta, qua các bộ phim Hollywood thập niên 1980, cấp “chất liệu” tạo ra ký ức tập thể về Chiến tranh Việt Nam, “đi giữa lãng quên và ghi nhớ Việt Nam”, John Storey sắc sảo chỉ ra, “sức mạnh của Hollywood không phải (hoặc không chỉ) về việc quên đi mà còn về việc ghi nhớ theo một cách khác” thông qua 3 kiểu thức tự sự: “Chiến tranh như sự bội phản”, “Hội chứng hỏa lực đảo ngược”, “Hoa Kỳ hóa chiến tranh”; để truyền bá “chế độ sự thật/chân lý” - như quan điểm của Michel Foucault - về cuộc chiến.

Qua 3 kiểu thức tự sự đó, Hoa Kỳ giành lấy quyền “đưa ra tuyên bố về nó, cho phép quan điểm về nó, mô tả nó, giảng dạy về nó”, GS. Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG-HCM) bình luận, điều đó tạo ra một loại ký ức về Chiến tranh Việt Nam “không phản đối, mà ngược lại, cổ vũ chủ nghĩa đế quốc”.

Sau 50 năm, các sản phẩm tạo tác có khả năng ghi nhớ của ngành công nghiệp ký ức, nền công nghiệp văn hóa, văn hóa đại chúng Việt Nam nhìn chung vẫn còn giới hạn trong phạm vi hẹp, chưa có sức lan tỏa sâu rộng trên toàn cầu. Song, đã đến lúc cất cao tiếng nói “chống lại” những gì từng thống lĩnh trong cuộc chiến ký ức suốt nửa thế kỷ qua. Hành trình đó chắc chắn còn lắm gian nan. Nhưng, Địa đạo như “mặt trời trong bóng tối”, với thành công của một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh nhân dân mang tầm vóc quốc tế do tư nhân đầu tư - đến nay có thể mạnh dạn nói thế, qua doanh thu phòng vé lẫn những phê bình tích cực - cho chúng ta niềm tin và hy vọng mới.

Chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong những lần chia sẻ với truyền thông cũng thường nhấn mạnh, đại ý: Phần lớn phim hiện nay về Chiến tranh Việt Nam đều do Mỹ sản xuất, “kể” những câu chuyện của người Mỹ mà thiếu vắng những câu chuyện của người Việt Nam. Một trong những lý do thôi thúc ông làm Địa đạo, chính là muốn đưa ra cái nhìn của người Việt Nam về Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà nước ngoài vẫn quen gọi “Vietnam War”.

Đằng sau phim điện ảnh Địa đạo là 'cuộc chiến ký ức' - 3

Các diễn viên tham gia "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Các học giả quân sự tính toán rằng, miên trường lịch sử của dân tộc Việt Nam có đến 12 thế kỷ, bằng 1.200 năm chống ngoại xâm. Không đâu trên địa cầu này thấm thía sâu sắc giá trị Hòa bình - vốn là giá trị phổ quát nhân loại - như các thế hệ người Việt Nam luôn khát khao độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người Việt Nam sẽ không thua trong cuộc chiến ký ức, bằng việc kể những câu chuyện hòa bình đủ sức “lay lòng gỗ đá”.

Địa đạo, có thể nói, đánh dấu một bước đi mới trên hành trình ý nghĩa đó.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huỳnh Thịnh

CLIP HOT

Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam
Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam

Dù cho dòng chảy thời gian có trôi nhanh đến đâu, nhịp sống hiện đại có hối hả thế nào, đờn ca tài tử vẫn luôn giữ cho mình một khoảng trời riêng, một vị trí đặc biệt trong lòng người Nam Bộ.