Mang vũ trụ Disney vào tranh dân gian Việt
Bằng niềm say mê với văn hóa dân tộc, Phùng Nguyễn Anh Khoa (trường ĐH Mỹ thuật TP. HCM) đã cho ra đời bộ tranh tái hiện chân dung loạt nhân vật hoạt hình Disney theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống của Việt Nam. Tính độc đáo của các tác phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, ngay sau khi bộ tranh được đăng tải.
Bộ tranh được Anh Khoa “đóng dấu” dưới tên gọi “Thập nhị Tố Nữ”, trong đó, 12 nàng công chúa trong loạt phim kinh điển của Disney đã được họa nét sống động theo hình mẫu tranh Tố Nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Khoa cho biết, “Thập nhị Tố Nữ” là sản phẩm cậu vô cùng tâm huyết trong số những dự án cá nhân đã thực hiện trong khoảng thời gian thành phố giãn cách xã hội.
Khoa thổ lộ: “Từ bé, mình vốn đã yêu thích các nhân vật Disney nói riêng và các nhân vật trên màn ảnh gắn liền với thế hệ 8X, 9X nói chung, cùng với đó là tình yêu dành cho nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Những yếu tố trên đã trở thành lực đẩy thôi thúc mình thực hiện bộ tranh này”. Theo Khoa, những tác phẩm trước giờ của cậu đều có sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, với nguồn cảm hứng bất tận được khơi dậy từ văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.
Trang phục của từng nhân vật đều có màu sắc sặc sỡ và đường nét trong tranh rất cầu kỳ.
Nói về dạng thức tranh Tố Nữ, Khoa cho biết, đây là một hình mẫu thuộc thể loại tranh Tứ bình, trong đó tập trung khắc họa hình ảnh bốn thiếu nữ Việt vận lên mình trang phục truyền thống xưa và chơi những loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi người phụ nữ đều toát lên một vẻ đẹp và tư chất riêng. Tranh Tố Nữ có muôn hình muôn sắc và dễ dàng bắt gặp trong dòng tranh dân gian. Bản thân Khoa đã từng thể nghiệm dạng thức tranh này trong bộ tranh các thiếu nữ Việt chơi bộ đàn dây của phương Tây. Song, sang đến “Thập nhị Tố Nữ”, các nàng công chúa Disney đã được Khoa “tô son điểm phấn” với những đường nét, màu sắc phong phú và cầu kỳ hơn, thay vì tinh giản như tác phẩm trước đó.
Niềm yêu thích các nhân vật Disney đã trở thành nguồn cảm hứng để Khoa ra bộ tranh này.
Để chuyển tải trọn vẹn tinh thần trang phục dân tộc ở mỗi vùng miền vào bộ tranh, Khoa đã vận dụng khối lượng kiến thức mình dung nạp được suốt 5 năm ngồi trên ghế giảng đường cũng như trong những chuyến đi thực tế của bản thân. Nói về quá trình “khai sinh” tác phẩm, Khoa kể: “Mình đã tìm hiểu sơ lược về 54 dân tộc, sau đó mới bắt đầu tìm chọn trang phục cùng với nhân vật phù hợp để chấp bút vẽ. Đây cũng là công đoạn khó khăn nhất và mình dành 2 tháng để tạo ra sự liền mạch từ bức đầu tới bức cuối. Kế đến, mình thực hiện công đoạn đi nét và tô màu cho từng bức. Tổng cộng mất 4 tháng để mình hoàn thành”.
Nhân vật Tina được Khoa vẽ liền với hình ảnh hoa sen. Hình ảnh gợi nhắc đến ao hồ, nơi sinh sống của loài ếch và trùng khít với câu chuyện trong phim.
Nhân vật Elsa với trang phục lấy cảm hứng từ áo dài cổ thuyền thập niên 1960, đại diện cho bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại của phụ nữ Việt Nam.
Mỗi chi tiết trên áo, đồ vật xung quanh cũng như nét đặc trưng của từng dân tộc đều được Khoa tính toán kỹ lưỡng sao cho tương thích với đặc điểm câu chuyện của từng nhân vật. Khoa giải thích: “Chẳng hạn như công chúa tóc mây Rapunzel, phía sau cô nàng là hình ảnh bông hoa Mặt Trời. Đó là nguồn gốc tạo nên mái tóc của cô ấy và cũng là hình tượng xuất hiện xuyên suốt trong bộ phim, tượng trưng cho vương quốc của cô. Hay như Elsa là hình ảnh hoa lan, một loài hoa tượng trưng cho sự vững vàng vượt qua thử thách, giống hệt như câu chuyện của nàng công chúa”.
Nàng Bạch Tuyết trong trang phục của người Mông.
Khoa nói thêm, vì đặc trưng của dòng tranh Hàng Trống là tính ước lệ nên những nét chấm phá trong tranh, thể hiện qua sự cách điệu trang phục và cảnh trí xung quanh nhân vật vẫn được Khoa giữ nguyên để không phá vỡ cấu trúc của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này.
Khoa vẫn luôn nỗ lực cho những đam mê của mình.
Khoa hy vọng, bộ tranh vừa có thể khơi mở ở các bạn trẻ mong mỏi tìm về với ký ức tuổi thơ, vừa có thể kích thích nhu cầu tìm hiểu về các dân tộc Việt Nam. “Mình muốn qua bộ tranh, các bạn trẻ sẽ có cuộc "phiêu lưu" về với văn hóa truyền thống nước nhà, qua đó càng thêm trân quý vẻ đẹp của những giá trị xưa cũ vẫn còn tồn tại đến nay”, Khoa bộc bạch. Sắp tới, cậu vẫn sẽ tiếp tục cho ra lò nhiều tác phẩm phỏng theo dòng tranh dân gian nước nhà, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bạn có thể biết về dalgona qua món cà phê dalgona rầm rộ trên nhóm Yêu Bếp vào mùa hè năm trước, hay qua trò chơi tách kẹo...