4 bộ phim kinh điển về báo chí do những người nổi tiếng trong nghề bình chọn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

"Nếu tin tức là bản nháp thô kệch đầu tiên của lịch sử thì phim ảnh kể về quá trình thu thập tin tức là sự bóng bẩy đầy tính lý tưởng".

Đó là nhận xét của nhà báo Mỹ nổi tiếng Philip Graham. Theo ông, ở cấp độ cao nhất, phim ảnh nắm bắt văn hóa và thực tiễn của nghề báo một cách chân thực và chi tiết đến mức những phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên đời thực cũng phải đặc biệt yêu mến chúng.

Dưới đây là 4 bộ phim hay nhất về nghề báo do The Washington Post bình chọn, được bảo chứng qua lời phê bình của những người nổi tiếng trong nghề.

Spotlight (2015)

Vào lúc đạo diễn Tom McCarthy đang hoàn thiện chi tiết cuối cùng cho bộ phim “Spotlight”, ông ấy hỏi tôi: “Có điều gì nghe có vẻ không thực không?” Tôi hỏi: “Điều đó có quan trọng với ông không?” “Tất nhiên rồi,” McCarthy nói.

“Spotlight” là bộ phim kể về cuộc điều tra của tờ nhật báo Boston Globe về việc che đậy một vụ lạm dụng tình dục trong Nhà thờ Công giáo. Trong phim này, Tom McCarthy và đồng biên kịch Josh Singer muốn phản ánh bản chất thực sự của nghề báo và thành công của họ được xếp hạng là một trong những điểm mạnh nhất của bộ phim.

Thành tựu đó không chỉ đến từ việc khắc họa công việc tẻ nhạt thường ngày của báo chí điều tra. Nó chứa đựng nỗi thất vọng và cảm giác về sứ mệnh luôn chầu chực trong người những phóng viên và biên tập viên, cũng như mối quan hệ mong manh của nhà báo với nguồn tin.

4 bộ phim kinh điển về báo chí do những người nổi tiếng trong nghề bình chọn - 1

(Ảnh: Film Comment)

Trong một cảnh phim ấn tượng, phóng viên Sacha Pfeiffer phỏng vấn Joe Crowley về sự lạm dụng tình dục anh phải chịu đựng: “Anh có thể cho tôi biết cụ thể điều gì đã xảy ra không?” Sacha hỏi. “Cụ thể là ông ta. . . ông ta đã sàm sỡ tôi,” Crowley trả lời. Sacha tế nhị nhưng kiên quyết nhấn mạnh: “Joe, tôi nghĩ ngôn ngữ sẽ rất quan trọng ở đây. Chúng ta không thể nói giảm nói tránh về điều này. Chỉ nói sàm sỡ thì không đủ. Mọi người cần biết điều gì đã thực sự xảy ra”.

Điều quan trọng là “Spotlight” cũng cho thấy chân dung nghề báo với những mặt trái của nó. Nếu không có những điều này, tôi không thể thành thật đảm bảo với McCarthy rằng ông đã đạt được tính chân thực mà ông tìm kiếm.

(Nhận xét của Martin Baron, biên tập viên của The Post. Ông là biên tập viên của tờ Boston Globe trong cuộc điều tra năm 2001-2002, do Liev Schreiber thủ vai trong phim Spotlight)

Frost/Nixon (2008)

Bộ phim kể về cuộc phỏng vấn giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và nhà báo người Anh David Frost.

Rất nhiều chi tiết trong bộ phim tuyệt vời của đạo diễn Ron Howard khiến tôi sửng sốt, từ tham vọng góp mặt trong chương trình truyền hình phát sóng khắp thế giới của David Frost bằng cách nhận lời phỏng vấn Richard Nixon, cho đến sự thất vọng của anh khi phải huy động nguồn tiền bên ngoài (anh phải viết một tấm séc cá nhân trị giá 200.000 đô la cho Nixon), cho đến nỗ lực của Nixon để loại Frost khỏi trò chơi của mình bằng cách đề cập đến vẻ ngoài “ẻo lả” của đôi giày Ý Frost đang mang.

Nixon, đối tượng được phỏng vấn, biết chính xác cách kiểm soát cuộc trò chuyện bằng cách lên giọng kẻ cả và trả lời lan man lạc đề. Điều này đã quá quen thuộc với tôi. Tôi đã trải qua tình trạng này nhiều lần trong sự nghiệp của mình, đặc biệt là khi nói chuyện với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara về Việt Nam. Khi xem Frost trong hai cuộc phỏng vấn đầu tiên, tôi đã liên tục hét vào màn hình: Tập trung vào! Đừng để ông ta lẩn đi như thế!

4 bộ phim kinh điển về báo chí do những người nổi tiếng trong nghề bình chọn - 2

(Ảnh: Courtesy Of Photofest)

Trong cuộc phỏng vấn cuối, Frost (Michael Sheen thủ vai) cuối cùng đã trở thành một người thẩm vấn đầy quyền uy: Anh gạt những câu hỏi được viết nguệch ngoạc sang một bên, hoàn toàn tập trung và cương quyết ngăn chặn nỗ lực né tránh của Nixon (Frank Langella thủ vai). Anh hỏi theo trực giác của mình! Khi Nixon trả lời, những giọt mồ hôi quen thuộc túa ra trên khuôn mặt ông ta.

Trong cuộc gặp cuối cùng giữa hai người đàn ông, Frost mang cho Nixon một đôi giày “ẻo lả” mà Frost nói rằng Nixon “rất ngưỡng mộ”, cảnh phim này hoàn toàn tượng trưng cho việc Frost đã lật ngược thế cờ một cách hoàn hảo.

(Nhận xét của Diane Rehm, người dẫn chương trình podcast “On My Mind” và đã phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng trong hơn bốn thập kỷ trong tư cách là người dẫn chương trình phát thanh.)

All the President’s Men (1976)

Bộ phim kể về vụ bê bối Watergate khiến tổng thống Richard Nixon bị hạ bệ, vụ việc do tờ The Post lật tẩy.

“All the President’s Men” trên hết là bài học vỡ lòng về những kiến ​​thức cơ bản của báo chí, vào thời điểm nó gặp nhiều rủi ro nhất. Bộ phim không chỉ tập trung vào các phóng viên và công việc của họ, mà còn là cách xử lý thấu đáo vụ bê bối Watergate của biên tập viên vĩ đại Ben Bradlee tờ The Post.

Bộ phim nhắc nhớ chúng tôi rằng, Bradlee là trọng tâm của tờ báo và đời sống tin tức của chúng tôi. Trong vai Bradlee, Jason Robards đã hoàn toàn thu phục khán giả bởi kỹ năng diễn xuất tuyệt vời của mình. Anh sôi nổi, vượt trội và là vị tướng có khả năng chỉ huy toàn bộ quân đội và không gian của mình. Trong phim, Bradlee thể hiện niềm vui một cách ngẫu nhiên vì anh biết hậu quả của cuộc chiến với tổng thống.

Anh là người giám sát, người hỗ trợ, người phát ngôn (“Hãy đứng về phía các chàng trai,” anh tuyên bố vào thời điểm tồi tệ nhất của The Post), nhưng cũng là người đầy hoài nghi. Anh ấy thúc ép chúng tôi và chất vấn chúng tôi – một cách mạnh mẽ.

4 bộ phim kinh điển về báo chí do những người nổi tiếng trong nghề bình chọn - 3

Ảnh: Alamy

Thông điệp của Bradlee gửi đến chúng tôi và các đồng nghiệp làm báo rất đơn giản: Làm việc cho đúng, kiểm tra, chắc chắn về điều đó, hành động chậm rãi, không nhất thiết phải đưa tin ngay ngày mai. Kiên nhẫn.

Khi chúng tôi mắc sai lầm lớn, anh ấy là nhân vật nghiêm khắc nhất với chúng tôi trong tòa soạn. Nhưng cũng là người thấu hiểu, ủng hộ và tha thứ nhất. “Hãy đứng về phía các chàng trai.” Đây là lần mà Academy Awards đã đúng khi trao giải Oscar cho Robards trong vai Ben Bradlee.

(Nhận xét của Bob Woodward và Carl Bernstein, tác giả cuốn sách gốc “All the President’s Men”, và được hai diễn viên Robert Redford và Dustin Hoffman thủ vai trong phim)

Citizen Kane (1941)

Bộ phim của đạo diễn Orson Welles, kể về ông trùm báo chí Charles Foster Kane, một nhân vật được xây dựng dựa trên cuộc đời của ông trùm truyền thông Hoa Kỳ William Randolph Hearst cùng nhiều chi tiết từ cuộc đời của chính Orson Welles.

Sau hai năm làm việc trong Quân đoàn Hòa bình ở Châu Phi, tôi bay về nhà trên một trong những chiếc máy bay phản lực cũ. Vì lý do nào đó, chiếc máy bay trống rỗng một cách đáng sợ, và một bộ phim kinh điển được chiếu trên màn hình ti vi: “Citizen Kane.”

Điềm báo trước? Tùy bạn suy nghĩ.

Vào năm 1887, William Randolph Hearst trở thành nhà xuất bản của San Francisco Examiner, đây là nơi ông bắt đầu sự nghiệp xây dựng đế chế báo chí hùng mạnh của mình.

Chính “Citizen Kane” đã nâng tầm đế chế của Hearst lên tầm vóc anh hùng. “Tôi nghĩ thành lập một tờ báo sẽ rất vui!” Orson Welles - trong vai chàng Kane trẻ tuổi vĩ đại nói.

Mối liên hệ của tôi với câu chuyện “Citizen Kane” bắt nguồn từ năm 1987. Nhiều năm sau chuyến bay đó, và một trăm năm sau khi Hearst lần đầu tiên đảm nhiệm Examiner, William “Will” Randolph Hearst III, cháu nội của Hearst đã đưa tôi lên làm trưởng văn phòng của tờ Washington.

Phần lớn niềm say mê với “Citizen Kane” vẫn còn. Điều thúc đẩy báo chí không phải là tiền, mà là tình yêu nghề.

4 bộ phim kinh điển về báo chí do những người nổi tiếng trong nghề bình chọn - 4

(Ảnh: Allstar)

“Citizen Kane” không chỉ là bộ phim về một nhà báo. Bản thân nó cũng là một tác phẩm báo chí. Toàn bộ bộ phim xoay quanh nỗ lực của các biên tập viên và phóng viên để tìm hiểu xem điều gì đã khiến những người như Hearst gắn đời mình với nghiệp báo.

Tại sao một người đàn ông sở hữu tất cả tiền của trên thế giới lại muốn tiêu pha nó vào việc in báo? Có phải lý do đơn giản là muốn được yêu mến?

Orson Welles, người làm ra bộ phim xuất sắc này, đã nghĩ như vậy.

(Nhận xét của Chris Matthews, người dẫn chương trình “Hardball” đài MSNBC)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Viên Lâm (The Washington Post)

CLIP HOT