Cần hoàn thiện thể chế cho áo dài
Áo dài từ lâu đã được coi như biểu tượng văn hóa của Việt Nam, nhưng khi gặp vấn đề sử dụng không đúng, may, mặc sai, bị nước ngoài nhận là sản phẩm của họ thì chúng ta hết sức lúng túng trong việc xử lý.
Chiều 22/12, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học "Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam".
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm đưa áo dài, đặc biệt là áo dài truyền thống đi vào đời sống hiện đại ngày nay.
Hội thảo "Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam" diễn ra tại Huế chiều 22/12.
Ông Nguyễn Đức Bình - chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt - cho biết hiện nay chưa có văn bản nào chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam. Điều này nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý khi tà áo dài bị may, mặc sai.
"Trong Tuần lễ thời trang xuân - hè tại Bắc Kinh, Trung Quốc khai mạc vào năm 2018, một nhà thiết kế đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang, trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc bởi nó giống với áo dài Việt nhưng lại được giới thiệu là "sự sáng tạo" của nhà thiết kế này", ông Bình lấy ví dụ về sự "vi phạm bản quyền" áo dài.
Theo ông Bình, hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài là việc làm thiết thực bởi nó sẽ giải quyết hành lang pháp lý, tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của áo dài Việt và là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam.
Ông Bình cũng đề nghị Nhà nước sớm công nhận áo dài ngũ thân cả nam và nữ là lễ phục nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, cần sớm công nhận áo dài ngũ thân là lễ phục nhà nước.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế - cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có một sự đánh giá nghiêm túc, đầy đủ và khách quan về chiếc áo dài Việt Nam, mà đặc biệt là áo dài nam.
"Quốc phục của đàn ông Việt Nam không cần tìm đâu xa bởi chúng ta đã có. Tuy nhiên để áo dài nam trở thành quốc phục của đàn ông, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể về kiểu dáng, màu sắc trang phục áo dài", ông Hải nói.
Về ý kiến đóng góp cho việc đưa áo dài vào đời sống hiện đại, TS Trần Văn Dũng - Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - đề xuất việc nghiên cứu ban hành các chính sách miễn giảm vé tham quan di tích cố đô Huế cho du khách trong và ngoài nước mặc áo dài.
Ông Dũng cùng đề xuất việc hằng năm tổ chức Lễ hội Áo dài Huế nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu tà áo dài truyền thống của Việt Nam đến du khách thập phương.
Mộc bản triều Nguyễn, Bia ma nhai Đà Nẵng, Châu bản triều Nguyễn,... là những di sản tư liệu đáng tự hào của Việt Nam...