Bác sĩ gia đình: Những lầm tưởng tai hại về bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh lý âm thầm, dễ bị bỏ qua nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng như gãy xương chỉ sau một va chạm nhẹ. Nhiều người vẫn hiểu sai về bệnh này, từ đối tượng mắc, triệu chứng cho đến cách phòng ngừa và điều trị.
Chương trình Bác sĩ gia đình, phát sóng lúc 12h50 Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1, vừa lên sóng tập 338 với chủ đề “Những lầm tưởng tai hại về loãng xương”. Tập phát sóng có sự tham gia tư vấn của Bác sĩ Phan Thị Hiền Thu – Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Phương Nam TP.HCM cùng sự dẫn dắt của MC Ngọc Nhi.
Tại chương trình, bác sĩ Phan Thị Hiền Thu chia sẻ: “Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm, khiến xương giòn, dễ gãy. Nhiều người cao tuổi chỉ cần trượt chân nhẹ đã gãy cổ xương đùi, hoặc chống tay cũng có thể gãy xương cổ tay”.
Bác sĩ cho biết, một trong những hiểu lầm phổ biến là loãng xương chỉ xảy ra ở người già. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ loãng xương tăng cao từ sau 50 tuổi – độ tuổi vẫn còn trong khả năng lao động. “Nhiều người cũng nghĩ phải có triệu chứng mới bị loãng xương. Thực tế, bệnh diễn tiến âm thầm, đôi khi chỉ biểu hiện bằng triệu chứng mỏi tay chân nhẹ, chỉ được phát hiện qua chụp X-quang, đo mật độ xương, hoặc sau khi bị gãy xương”, bác sĩ Hiền Thu chia sẻ trong chương trình.
Một ngộ nhận khác là loãng xương chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Theo bác sĩ, nam giới cũng chiếm khoảng 25% số ca mắc. Việc uống sữa giúp cung cấp khoáng chất, nhưng không đủ. “Canxi cần sự hỗ trợ của vitamin D, vitamin K và một chế độ ăn uống cân bằng mới được hấp thu hiệu quả”, bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ Hiền Thu cũng bác bỏ quan điểm người bị loãng xương không nên vận động. Theo bà, việc sợ té ngã là có cơ sở, nhưng ngồi yên lại phản tác dụng. Thay vào đó, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp thể trạng như đi bộ, tập yoga để duy trì độ bền cho xương.
Lý giải vì sao nhiều người chỉ phát hiện loãng xương khi bệnh đã tiến triển nặng, bác sĩ cho biết phần lớn do chế độ ăn thiếu canxi kéo dài và thói quen không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bác sĩ nói: “Chế độ ăn thông thường chỉ đáp ứng khoảng 50 – 60% nhu cầu canxi hàng ngày. Nếu không bổ sung thêm bằng sữa hay thực phẩm giàu canxi, cơ thể sẽ dần thiếu hụt và dẫn đến loãng xương”.
Bác sĩ khuyến cáo, sau 25 tuổi, quá trình hủy xương bắt đầu diễn ra mạnh hơn quá trình tạo xương. Từ 50 tuổi trở đi, nên chủ động đo mật độ xương để tầm soát nguy cơ bệnh.
Để phòng và hỗ trợ điều trị loãng xương, bác sĩ đưa ra một số nguyên tắc dinh dưỡng: hiểu rõ nhu cầu canxi, vitamin D theo độ tuổi và đảm bảo chế độ ăn đủ 4 nhóm chất. Trong đó, nên ưu tiên đạm từ thủy hải sản, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép, cua ốc, đậu đỗ, nấm, mè và rau xanh như rau dền, bó xôi, rau ngót – vốn giàu canxi tự nhiên.
Trước lo ngại việc bổ sung canxi có thể gây vôi hóa mạch máu, bác sĩ Hiền Thu khẳng định: “Canxi không trực tiếp gây vôi hóa, nhưng việc mất cân bằng giữa canxi và photphat có thể góp phần. Quan trọng là bổ sung đúng liều, theo nhu cầu cơ thể và có chỉ định của bác sĩ. Không nên vì sợ mà bỏ qua bổ sung cần thiết”.
Chương trình Bác sĩ gia đình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện, được phát sóng định kỳ vào 12h50 Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1.