Ấm suốt một đời…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong ngôi nhà mình, nơi tôi chăm chút nhất là gian bếp. Trong tâm thức của nhiều người, gian bếp luôn là nơi gìn giữ không khí ấm áp cho mỗi gia đình. Với riêng tôi, gian bếp của mẹ còn gìn giữ sự ấm áp suốt cuộc đời mình.

Quê tôi vùng chiêm trũng, tất cả mọi gia đình đều nấu nướng bằng rạ rơm, nên tuổi thơ của chúng tôi là những tháng ngày quẩn quanh bên dòng sông gốc rạ. Thời ấy, chẳng cao lương mỹ vị để vẽ bày cho những bữa cơm thường nhật. Khi tôi bắt đầu ghi nhớ được trong lòng mình đôi chuyện, thì hình ảnh đậm sâu nhất chính là mẹ tôi bốn mùa ngồi nấu nướng bên chiếc kiềng chữ nhật gắn với gác bếp ám đen bồ hóng.

Ấm suốt một đời… - 1

Gian bếp cũ ngày trước. Ảnh: Internet

Gian bếp của mẹ có chiếc chạn đóng bằng đủ thứ gỗ tạp, tôi không biết cái chạn ấy có từ khi nào, chỉ biết khi tôi có thể nhớ được thì nó đã cũ lắm rồi. Bốn chân chạn bị mối mọt gặm nham nhở, để ngăn không cho kiến bò vào thức ăn được cất trong chạn, mẹ tôi lấy những chiếc bát mẻ không còn dùng được kê dưới bốn chân và đổ chút nước vào.

Ấm suốt một đời… - 2

Chạn bếp của mẹ. Ảnh: internet

Bên trong chạn cất mấy chục bát sành, vài chiếc đĩa, bát tô chỉ được lấy ra dùng khi có khách hoặc dịp lễ tết. Thứ quý giá nhất được cất trong chạn là chiếc liễn nhỏ màu da lươn chuyên để đựng mỡ lợn. Có lẽ không ít người trong chúng ta còn nhớ được sự quý giá của mỡ lợn vào cái thời mà đạm và đường được coi là những chất “quý hiếm”. Bữa cơm rau dưa đúng nghĩa quanh năm, bữa nào mẹ “hào phóng” cho chút mỡ lợn để thay món rau luộc thành rau xào thì bữa ấy trở thành đại tiệc. Chị em tôi lúc ấy đang tuổi ăn tuổi lớn, thỉnh thoảng len lén lúc mẹ không để ý, thò đầu đũa vào liễn mỡ quẹt nhẹ một cái rồi lại quẹt vội cái đầu đũa dính chút mỡ ấy vào bát cơm nóng vừa xới ra. Vừa ăn vừa lấm lét sợ mẹ phát hiện, đó là những bữa cơm sao mà ngon đến vậy.

Ấm suốt một đời… - 3

Chiếc liễn đựng mỡ lợn. Ảnh: internet

Những ngày đông buôn buốt, tôi rất nhớ các món quê mẹ nấu. Bắt đầu mùa gió chớm lạnh cũng là vào mùa tát đồng. Mùa tát đồng không phải là một mùa vụ giống như mùa lúa, mùa khoai. Đó là khoảng thời gian chỉ kéo dài chừng một tháng sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, khi mùa mưa bão đã qua, nước trên đồng ruộng kênh mương cạn dần, người nông dân tranh thủ thu hoạch cá tôm. Lũ trẻ chúng tôi thường tranh thủ sau giờ học xách giỏ đi một vòng, kiểu gì cũng kiếm được ít cá tôm.

Vào những ngày ấy, bữa cơm thường có thêm đôi ba món rất ngon. Mớ cá vụn được nấu canh riêu với cà chua và mẻ ăn kèm rau diếp thái nhỏ, những con lớn hơn thì làm nồi cá kho. Mẹ tôi chọn những con trê con lóc to nhất làm sạch, cắt khúc, bỏ trong niêu đất rồi ướp gia vị. Gia vị gồm rất nhiều thứ, nhưng không thể thiếu mấy lát riềng tươi, vài quả ớt hiểm và một ít bột chay khô (chay là một thứ quả có vị chua thường được trồng nhiều ở miền Bắc). Riềng được thái lát, rải một lớp dưới đáy nồi, phần còn lại xếp xen kẽ với cá. Cá ướp gia vị để thật thấm, rồi nấu sôi liu riu trên lửa nhỏ cho đượm, khi nước còn săm sắp trên mặt cá thì đem vùi niêu cá vào đống trấu cháy ngun ngún, thường thì vùi như vậy từ đầu tối đến sáng hôm sau.

Khi ấy trấu đã cháy hết, những miếng cá chín chậm khô sắt lại, thấm gia vị thật đậm đà, những chiếc xương cũng mục nhừ có thể ăn luôn được. Bát cơm gạo mới còn đượm hương đồng ruộng nóng hổi xới ra, miếng cơm ăn cùng với miếng cá cay nồng vị của ớt, của tiêu, của riềng trong tiết trời rơm rớm gió đông, vừa ăn vừa hít hà, xuýt xoa mà như thấy cả vị mặn mòi của những giọt mồ hôi thấm đẫm trên từng thớ đất luống cày, cảm giác như trôi đi trên đồng ruộng.

Ấm suốt một đời… - 4

Bếp lửa. Ảnh: Internet

Khi có nồi điện bếp gas, mẹ tôi vẫn giữ lại một gian bếp để nấu củi. Lúc chân tay còn khỏe, mẹ vẫn nuôi lợn nuôi gà, bếp củi để nấu nồi cám cho đám lợn gà ăn. Sau yếu dần, mẹ vẫn giữ bếp củi, ngày nào cũng nhóm lên, có khi chỉ để đặt lên đó một ấm nước, khi trong nhà đã đầy đủ ấm điện siêu tốc các thứ. Những ngày về với mẹ, tôi vẫn thấy bà dậy từ rất sớm. Việc đầu tiên khi bắt đầu một ngày mới là bà nhóm bếp lửa, đặt lên đó một ấm nước.

Chiếc ấm nhôm không biết từ đời nào, đã bị muội than bám dày từng lớp, phía trong cũng ngả màu đen đúa, nhấp miếng nước nấu trong chiếc ấm ấy còn nghe mồn một cả vị khói ám vào. Tôi ngồi cạnh mẹ, cầm chiếc que cời than để lửa cháy đượm hơn và nghe mẹ kể chuyện. Mẹ hay kể chuyện khi chúng tôi còn nhỏ, có những chuyện kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, như thể nếu không nhắc lại nhiều như vậy thì chúng tôi sẽ quên mất. Tôi ngồi lặng yên bên bếp lửa ấm lựng và ngắm nhìn đôi tay mẹ huơ huơ trên lửa.

Đôi tay mẹ giờ đã đồi mồi, lớp da nhăn nheo gân guốc ôm lấy những cục chai trong lòng tay thô ráp khiến chúng tôi xa xót. Đôi bàn tay đã bế ẵm chúng tôi khi mới lọt lòng. Đôi bàn tay thoăn thoắt trên đồng ruộng cấy hái cày bừa. Đôi bàn tay chút chiu nhóm lửa nấu cho chúng tôi biết bao bữa cơm, dẫu rau dưa hay thịt cá cũng là những món ngon nhất với chúng tôi giữa cuộc đời này. Giờ đôi bàn tay ấy lại chuyển sang ôm ấp, chăm chút cho lũ cháu lít nhít.

Việc ăn uống bây giờ cũng không còn là nhu cầu quá quan trọng như xưa. Muốn nấu lại một món ăn nào đó không hẳn đã vì cảm giác thèm ăn. Mà sự thèm muốn phần nhiều hơn có lẽ là nhu cầu được sống lại một phần kí ức mà người ta cứ mãi muốn đắm chìm trong ấy. Thỉnh thoảng tôi “phỉnh” mẹ nấu lại những món ăn thơ bé. Mẹ nghĩ chúng tôi thích những món mẹ nấu từ nhỏ nên thỉnh thoảng lại lụi cụi nấu nướng cả ngày, rồi lặn lội đem gửi xe cho con cháu. Chúng tôi ăn một món ăn mà như “ăn” cả một phần kí ức, cả khoảng trời ấu thơ ấm áp bên bếp lửa cùng mẹ.

Trong hành trình sống dằng dặc áo cơm, nếu có một điểm tựa nào đó để chúng ta nghĩ đến, một điểm tựa khiến chúng ta luôn cảm nhận được sự ấm áp và muốn quay về, đó chắc chắn sẽ là quê nhà, là mẹ bên gian bếp với những món ăn ngon nhất thế gian trong lòng mỗi đứa con. Với riêng tôi, từ gian bếp của mẹ, ngọn lửa như một đốm sáng thắp lên và soi sáng trong suốt cuộc đời mình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đào An Duyên

CLIP HOT