Yên Bái, khi Tớ Dày hồng rực giấc mơ đồi...
Đến miền Tây Yên Bái dịp tết Dương lịch vừa qua, tôi không thể ngờ mình "bản thổ" mà vẫn "là người đến sau" bởi các khu resort, nghỉ dưỡng đã full phòng.
Du khách tới tham quan, trải nghiệm tại Khu du lịch Suối Giàng (huyện Văn Chấn).
Lần đầu tiên đến Yên Bái, anh Nguyễn Anh Tuấn – du khách Hà Nội lựa chọn Không gian Văn hóa trà Suối Giàng (huyện Văn Chấn) làm điểm dừng chân cho cả gia đình vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay.
Thấm cái cảm giác ấm áp trong căn phòng sáng đèn giữa ngoài trời mưa rơi, sương giăng kín, anh Tuấn chia sẻ: "Tôi bị thu hút bởi kiến trúc của không gian văn hóa trà với những vật liệu mộc mạc, bình dị như: tường đá, ván lợp bằng pơ-mu, bàn ghế bằng gỗ tận dụng kết hợp một cách khéo léo… Tới đây, gia đình tôi thực sự đã có những phút giây thư thái, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Thú vị hơn, chúng tôi còn được hướng dẫn cách pha trà, thưởng trà giữa không gian bao la bốn phía với mây trời ẩn hiện trong những bản làng người Mông thấp thoáng, xen giữa những tán chè cổ thụ. Đây là kỳ nghỉ đặc biệt chưa từng có đối với tôi”.
Dịp nghỉ lễ năm nay, Suối Giàng đón khoảng trên 500 lượt khách/ ngày.
Du khách thưởng trà trên đỉnh Suối Giàng.
Có lẽ là một trong những tỉnh giữ được cấp độ an toàn trên bản đồ dịch bệnh Covid-19 mà dịp nghỉ lễ năm nay, du khách đổ lên Yên Bái khá đông. Anh Đặng Thái Sơn – Quản lý Không gian Văn hóa trà Suối Giàng cho biết: "Dịp nghỉ lễ năm nay kéo dài 3 ngày nên lượng khách đến Suối Giàng khá đông. Trung bình mỗi ngày, Không gian Văn hóa trà đón khoảng trên 500 lượt khách, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…
Để du khách có những trải nghiệm thực sự an toàn, đáng nhớ, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, tổ chức các lớp dạy pha trà, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh như: khai báo y tế, quét mã QR-code, đeo khẩu trang, sát khuẩn. Đối với khu vực ăn uống, chúng tôi đã bố trí, tổ chức cho các đoàn khách thực hiện giãn cách, không tập trung đông người”.
Gạch nối hành trình về huyện vùng cao Mù Cang Chải là xã Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn nằm sát sườn đèo Khau Phạ. Trước khi chinh phục một trong "tứ đại đỉnh đèo" kỳ vĩ nhất phía Bắc Việt Nam, người ta thường dừng lại nơi đây vì trót đắm say hương nếp thơm Tú Lệ, vì mê mải vẻ yên bình của con suối, ruộng nương và những eo thon cô gái Thái đã dệt thơ cho mảnh đất này.
Nhờ những lợi thế riêng có, mảnh đất kiều diễm, yên bình giữa rẻo cao, Tú Lệ đang vươn mình trở thành địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi bật bởi sự giao thoa giữa các nền văn hóa bản địa đem lại những trải nghiệm đa dạng chỉ trong một điểm đến duy nhất.
Chính bởi thế mà kỳ nghỉ tết Dương lịch năm nay, Khu nghỉ dưỡng LeChamp Tú Lệ đã full phòng khách đặt. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh – du khách Bắc Kạn chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất hài lòng và thư thái trong không gian đẳng cấp của LeChamp – resort nghỉ dưỡng 4 sao đầu tiên của Yên Bái. Từ cửa sổ phòng ngủ, tôi có thể đón ánh bình minh hoặc vài bước ra ngoài thả mình trong bể bơi vô cực để phóng tầm mắt đến những bản làng đang tỏa khói lam chiều, hòa mình trong tiếng khèn, điệu nhạc mỗi đêm hội rộn rã của đồng bào Thái. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại nơi đây”.
Anh Đào Đức Long – Quản lý Khu nghỉ dưỡng cho biết: "LeChamp đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch miền Tây của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt dịp nghỉ tết năm nay, chúng tôi luôn trong trạng thái full phòng. Cùng với công tác chuẩn bị chu đáo, chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch, đảm bảo để du khách có kỳ nghỉ thoải mái, an toàn”.
Rời Tú Lệ, du khách sẽ được trải nghiệm cung đường như dải voan mềm hững hờ uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang để lúc ảo mờ cây, núi tạc mình vào sương trắng, khi rộn ràng nắng ấm mây xanh giữa rực hồng màu nhớ của hoa Tớ Dày phủ từ đỉnh non cao xuống ven đường chạy đến phố huyện vùng cao Mù Cang Chải. Thấp thoáng trong núi non hùng vĩ là các bản làng truyền thống mang đậm nét văn hóa bản sắc của người Mông.
Hoa Tớ Dày đã trở thành "đặc sản" riêng có của vùng cao Mù Cang Chải mỗi dịp xuân về.
Hoa Tớ Dày đã trở thành "đặc sản" riêng có của vùng cao Mù Cang Chải mỗi dịp xuân về. Đồng bào Mông ở đây quan niệm, vào dịp đất trời chuyển mình sang xuân, sau một năm lao động vất vả, mùa vàng bội thu, thóc đã đầy nhà, nhìn lên đỉnh núi thấy những cây hoa Tớ Dày nhuộm thắm núi rừng cũng là lúc những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy áo mới, luyện tập những điệu khèn, chuẩn bị những quả Pao để du xuân, bắc nhịp hẹn hò đôi lứa thành đôi.
Xuân mới năm nay, đồng bào Mông vùng cao Mù Cang Chải đón nhận niềm vui kép khi địa phương đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt "Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” và chứng nhận "Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Có mặt tại Mù Cang Chải dịp nghỉ lễ này, chị Nguyễn Thị Huyền Huệ - phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi đã lên Mù Cang Chải nhiều lần nhưng đây là lần đầu được đến vào thời điểm mùa xuân có hoa Tớ Dày nhuộm kín núi đồi như vậy. Cảnh sắc nơi này đã thực sự mê hoặc, níu chân tôi. Đặc biệt năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Mù Cang Chải vẫn đảm bảo nghiêm các quy định phòng chống dịch để đón nhiều sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đồng bào Mông Mù Cang Chải mà còn là niềm tự hào đối với mỗi người dân Yên Bái”.
Nối tiếp sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt "Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” vào ngày cuối cùng của năm cũ lại nối tiếp niềm vui đúng ngày đầu tiên của năm mới 2022, tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã diễn ra Lễ khởi công công trình đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) giữa một ngày đất trời chiều lòng người nắng ấm mây xanh.
Con đường 1.900 tỉ đồng nối 3 tỉnh với cao tốc là công trình xây dựng có vốn đầu tư lớn nhất vào địa bàn tỉnh Yên Bái từ trước tới nay. Tuyến đường nằm trên độ cao từ 800-1.500m, vắt qua nhiều sườn núi cao, vực sâu. Thật nhiều ý nghĩa khi nhịp đường mở màn kết nối niềm vui miền Tây Bắc cũng đúng với tinh thần chỉ đạo của tỉnh khi Yên Bái xác định năm 2022 là năm thu hút đầu tư. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 32, đồng thời là một trong những tuyến đường cao nhất Việt Nam mà người ta ngỡ như đi trong mây, từ đó hình thành các tour du lịch độc đáo nửa vòng cung Tây Bắc đến với các huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái, Mường La tỉnh Sơn La, Than Uyên, Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Đó sẽ càng là lời hẹn hò cho những chuyến trải nghiệm miền Tây Yên Bái trong tương lai. Có quá hay không, xin rộng lòng tha thứ, bởi chính mình cũng chơi vơi trong miền cảm xúc khi Tớ Dày hồng rực giấc mơ đồi....!
Đến với vườn quýt 3T nằm ở thôn P’ró Kinh Tế (xã P’ró, huyện Đơn Dương) những ngày này, du khách sẽ được bước...