Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chuyến du lịch về làng Gò Cỏ mãi đọng lại trong tâm trí bao du khách với hình ảnh bình yên của ngôi làng, những câu chuyện vui buồn bên người dân bản địa và bao trải nghiệm thú vị ở đây.

Như một chuyến về quê nhà

Nằm ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, làng Gò Cỏ được nhiều du khách biết đến với cảnh quan mộc mạc. Hòa mình vào ngôi làng nhỏ ven biển này, nhiều du khách có những phút giây thư thái tâm hồn khi được sống trong cuộc sống chân chất của người dân địa phương này.

Dù đã trở về nhà một khoảng thời gian sau khi có chuyến dừng chân bên ngôi làng này, cô nàng Huyền Không vẫn luôn nhớ về ngôi làng mang đến cho du khách cảm giác thân thuộc như quê hương của mình. Những câu chuyện cười, những lời tâm sự của người dân, của những người lớn tuổi đã trở thành hành trang trên con đường trưởng thành của cô gái trẻ này.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 1

Con đường từ dưới biển đi về làng được xếp đơn giản bởi những bậc đá nhưng lại rất có “hồn”.

“Mình thích những trải nghiệm đơn giản như cùng sống, sinh hoạt với người bản địa để tìm hiểu về văn hoá vùng miền. Hơn thế nữa, với mình bây giờ còn thích đi du lịch tới những nơi vắng vẻ, ít xô bồ”, cô bạn bật mí lý do tìm về với làng Gò Cỏ.

Từ những phút gặp gỡ ban đầu đến phút cuối chia tay mảnh đất này, cảnh quan, con người ở ngôi làng này khiến cho cô gái này cảm giác không giống như một người khách tới du lịch, mà lại giống như một chuyến về quê. Mọi thứ đều rất gần gũi, thân thương... như chào đón “đứa con” trở về nhà sau khoảng thời gian mưu sinh nơi đất khách quê người.

“Mọi người ở làng Gò Cỏ đều hiền lành, chất phác và rất mến khách. Cảnh quan ở làng không đến nỗi quá xuất sắc nhưng lại mang cảm giác rất bình yên, bãi biển hoang sơ với những hàng dừa cao thẳng tắp và gành đá cổ đối với mình đẹp mê ly. Ẩm thực ở làng tuy không đa dạng nhưng có một vài món rất ngon được các cô chú tự làm như chả cá, canh lưỡi long nấu cá cơm, mực hấp…”, cô nàng 9X cảm nhận.

Nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi hơn 50 cây số, làng Gò Cỏ mang trong mình nét đẹp nguyên sơ. Hình ảnh các giếng đá, nhà lợp mái tranh, tường rào bằng đá... chứa đựng biết bao vết màu của thời gian. Có dịp dừng chân bên ngôi làng này, du khách có cho mình những cảm xúc an yên, tĩnh lặng.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 2

Một góc đẹp và mát mẻ ở Homestay Hoa Giấy. Đây là góc được các cô chú quảng cáo “mát nhất làng” và cũng là nơi chuyện trò của các cô chú.

Dạo bước khắp con đường trong ngôi làng này, điểm du lịch khiến cô bạn này mê mẩn nhất chính là gành đá cổ. Cô gái này đã có trải nghiệm buổi tối nằm ngoài gành đá ngắm trăng, nghe tiếng sóng vỗ. Buổi sáng được ngắm bình minh ngoài gành đá và vào một ngày biển động ngồi ngoài gành đá ngắm nhìn những đợt sóng to đánh vào gành đá, nói tỷ thứ chuyện với một cô em gái mới quen cũng tới làng du lịch. Cảm giác được nghe tiếng sóng biển đã mang lại rất nhiều năng lượng tích cực cho du khách đến từ Quảng Ninh này.

Phải lòng Gò Cỏ chỉ sau vài tấm ảnh

Nhớ lại chuyến đi này, cô gái đang làm việc ở Nha Trang kể, phải lòng Gò Cỏ chỉ sau vài bức hình, trong vòng một buổi chiều, cô nàng đã quyết định lên đường.

Đặt vé tàu trước giờ khởi hành chỉ mấy tiếng nên cô nàng không có nhiều sự lựa chọn. Một chiếc vé ngồi mềm điều hoà khởi hành từ ga Nha Trang tới ga Đức Phổ cách làng chừng 20km đi trong vòng 7h đồng hồ là hành trình đưa cô nàng đến với Gò Cỏ.

Đặt chân đến làng, du khách này đã lựa chọn một chiếc homestay đậm chất “đời” mang tên “Tám Sương Gió”. Chủ homestay là một bác gái mũm mĩm với chất giọng đậm xứ Quảng làm cho màn giao tiếp ban đầu hơi bất đồng, nhưng sau đó rất ổn vì bác đã nhiệt tình nói cho cô nàng hiểu mới thôi.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 3

Lúc nào ra biển cũng bắt gặp hình ảnh chú ấy ngồi vá lưới.

“Ấn tượng ban đầu về Gò Cỏ với mình là một ngôi làng nhỏ, yên bình với những hàng dừa cao thẳng tắp trông rất “Bali”. Bãi biển hoang sơ được bao bọc bởi gành đá cổ với bãi cát vàng trải dài thẳng tắp. Điều đặc biệt mà mình thấy ở Gò Cỏ là từ con đường làng, bờ rào tới những bậc thang được xếp bằng đá trông rất đơn sơ nhưng lại rất có “hồn””, du khách này nhớ lại.

Kỷ niệm mãi đọng lại trong tâm trí cô nàng sau chuyến đi này là những cuộc trò chuyện với các cô chú trong làng, qua đây du khách này đã hiểu và cảm nhận được sự nghèo khó về mặt vật chất không làm lung lay tình cảm giàu có mà họ dành cho du khách.

Cô nàng nói, chuyến đi tới Gò Cỏ của bản thân chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày 2 đêm nhưng mang đến nhiều cảm xúc. Đã 3 tuần kể từ ngày rời làng, thế nhưng, mỗi sáng thức dậy, du khách này lại nhớ âm thanh quen thuộc của bà Tám: “Nay con muốn ăn gì?” hay tiếng nô đùa của mấy đứa nhỏ, nhớ tiếng sóng vỗ đập vào gành đá cổ, tiếng cười nói hỏi thăm của các cô chú trong làng mỗi khi gặp “Con ở đâu tới? Con ở nhà ai, ở chơi lâu không?” Rồi có cô chú còn hay bảo “Quảng Ninh, Nha Trang không có biển hay sao mà ra tới đây”. Quả là trải nghiệm quý giá, giàu cảm xúc đối với cô gái này.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 4

Khung cảnh biển bình yên.

“Nếu bạn đang tìm một nơi để “chữa lành” đúng nghĩa, hãy về làng Gò Cỏ. Về đây để cảm nhận được sự hồn hậu, chất phát của một ngôi làng cổ ven biển, cảm nhận được sự vất vả, lam lũ, chân chất, thật thà và hiếu khách của người dân. Về Gò Cỏ sẽ cho bạn cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác - nơi chẳng có khói bụi thành phố cũng như tiếng còi xe ồn ào, nơi chỉ có tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng cười nói và đâu đó có cảm giác giống như đứa con xa trở về nhà, trở về quê hương”, cô gái xúc động bày tỏ.

Bước chân vào ngôi làng này, nữ du khách còn được trải nghiệm ở “nhà tranh vách đất” hay ở cùng nhà với các cô chú người bản địa, cùng ăn uống sinh hoạt và đơn giản là nghe các cô chú kể những câu chuyện thường ngày gần gũi và thân quen. Ở đây, còn rất nhiều trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa địa phương mà bạn có thể tham gia như đổ bánh xèo, đan lưới, chèo thuyền ra khơi đánh cá cùng các chú và nghe hát bài chòi...

Theo du khách này, đến với làng Gò Cỏ là hòa mình vào loại hình du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu văn hoá địa phương nên không phù hợp cho những ai yêu thích sự náo nhiệt, tiện nghi, dịch vụ... Ở làng này có vài tiệm tạp hoá bán đồ ăn vặt, cafe, nước ép...

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 5

Buổi sớm bình minh trên bãi biển.

Ngôi làng này hiện có khoảng 80 hộ dân sinh sống, chủ yếu có người già, trẻ nhỏ, vì người trẻ hầu hết đều đi làm ăn xa. “Mình rất hy vọng trong tương lai, làng được nhiều người biết đến và phát triển hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng như hiện tại để người trẻ ở làng có cơ hội trở về xây dựng phát triển quê hương”, cô bạn này kỳ vọng.

Có khoảng thời gian đáng nhớ ở làng Gò Cỏ, theo cảm nhận cá nhân của cô gái này, đây là nơi phù hợp cho cả các tâm hồn “hướng nội” và “hướng ngoại” hay yêu thích “bỏ phố về biển”...

“Chỉ là ai cũng có những ngày trẻ, rồi thì cũng sẽ già nua. Những ngày mà chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua”. Những câu từ trong bài hát được Đen Vâu cất lên càng tiếp thêm động lực, làm tăng thêm nguồn sức mạnh tinh thần để những đôi chân “cuồng đi” như Huyền Không tự tin đặt chân đến những miền đất mới, chinh phục và có những trải nghiệm làm phong phú thêm đời sống của mình...

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 6

Du khách tận hưởng bầu không khí trong lành.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 7

Nụ cười nở trên môi.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 8

Buổi tối đầu tiên ở làng, cô nàng được mấy đứa nhỏ dẫn đi soi còng.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 9

Chiếc thuyền ngoài xa…

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 10

Giếng cổ được tạo bởi các phiến đá xếp tầng một cách tự nhiên, vừa khít mà không cần đẽo gọt hay dùng xi măng. Đây là công trình sót lại của người Chăm Pa trước đây ở làng.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 11

Khung cảnh sinh hoạt buổi tối ở làng. Các cô các chị vá lưới, tụi nhỏ tụ tập nô đùa. Nhìn cảnh này, du khách lại nhớ tới tuổi thơ tươi đẹp của mình những năm cấp 1, ăn cơm xong là chạy “mất hình” đi chơi trốn tìm với mấy đứa trong xóm.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 12

Du khách được ở trong “nhà tranh vách đất”.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 13

Ngồi trước cửa một tiệm tạp hoá trong làng.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 14

Những hàng dừa cao thẳng tắp trông rất “Bali”.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 15

Toàn cảnh bãi biển nhìn từ gành đá.

Về làng Gò Cỏ sinh sống cùng người dân bản địa - 16

Ngồi nghe sóng vỗ, cô nàng đưa mắt dõi theo những làn bọt sóng...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân - Ảnh: NVCC

CLIP HOT