Về Đồng Tháp ghé làng chiếu Định Yên
Nghe danh làng chiếu Định Yên đã lâu, một làng nghề cổ truyền có tuổi đời cả trăm năm, trải qua bao sóng gió, biến động của thời cuộc vẫn còn được lưu giữ và phát triển, nay tôi mới có dịp ghé thăm khi đến với xứ Đồng Tháp thanh bình.
"Định Yên có vựa chiếu to
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm"
(Ca dao)
Làng chiếu Định Yên nằm chủ yếu ở hai xã là Định Yên và Định An, thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nép bên dòng sông Hậu yên ả. Trong những năm công việc bận rộn, đây từng là ngôi làng cung cấp chiếu chất lượng, uy tín và lớn nhất trong số các tỉnh thành miền Tây Nam bộ.
Để tôn vinh và gìn giữ, phát triển một làng nghề truyền thống gắn bó theo hình thức "nối ngôi" hơn 100 năm thăng trầm và còn lưu truyền cho đến tận hôm nay, vào năm 2013, làng chiếu Định Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cổng chào làng chiếu Định Yên
Từ trung tâm thành phố Sa Đéc, đường dễ nhất để đến được làng chiếu Định Yên là đi theo quốc lộ 80 đến trung tâm huyện Lai Vung, sau đó rẽ trái vào đường Định Yên – Vĩnh Thạnh. Đường ngắn hơn nhưng có vài đoạn đường xấu, hơi khó đi là từ quốc lộ 80, địa phận huyện Lai Vung, bạn rẽ trái vào tỉnh lộ DT851, sau đó rẽ phải sang quốc lộ 54 dọc bờ sông Hậu.
Du khách có thể tìm đến làng chiếu Định Yên thông qua từ khóa “chợ Chiếu Định Yên” trên bản đồ của Google.
Làng chiếu Định Yên nằm ven bờ sông Hậu yên ả
Đường quê yên tĩnh, thanh bình
Khi mới đến được đầu làng, trên con đường quê tĩnh lặng, đập vào mắt tôi là những bó lác (cói) được nhuộm màu, hay những chiếc chiếu chỉ mới được dệt thô sơ, phơi đầy trên mặt đất bên lề đường, trước những ngôi nhà nhỏ nhắn và bình yên. Càng đi sâu vào bên trong, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp các công đoạn làm chiếu của người dân địa phương, như: nhuộm lác, giặt lác, phơi lác, dệt chiếu,…
Lác đã được nhuộm màu và phơi trước nhà
Những chiếc chiếu chỉ mới được dệt thô và đem phơi
Nhà dân nhỏ nhắn và bình yên
Vào đến trung tâm làng chiếu, âm thanh rộn ràng và đặc trưng của những khung dệt tất bật vang lên không ngừng nghỉ. Nghề dệt chiếu được truyền lại theo kiểu “cha truyền con nối”, hoặc từ những người có kinh nghiệm, người đi trước hướng dẫn cho người đi sau.
Trước kia, người dân thường dệt chiếu bằng tay, thì nay, cùng với sự phát triển của xã hội, và để tăng năng suất sản phẩm, công cụ dệt chiếu thủ công, thô sơ đã được thay bằng những chiếc máy dệt công nghiệp có hiệu quả cao hơn nhiều.
Công đoạn nhuộm lác
Giặt lác
Phơi lác
Công đoạn dệt chiếu
Cái đáng quý ở làng chiếu Định Yên chính là dù trải qua rất nhiều khó khăn và biến động, giữa sự cạnh tranh lớn của các sản phẩm thời cuộc thay thế dòng chiếu cói truyền thống, thì nghề dệt chiếu truyền thống của làng sau bao tháng năm thăng trầm vẫn được người dân lưu truyền và gìn giữ.
Được biết, điểm đặc biệt của chiếc chiếu Định Yên là ở chỗ cọng lác được chọn kĩ, nhuộm màu mang đi phơi vừa nắng, nên chất sợi dai, chiếc chiếu dệt ra sẽ vừa đẹp vừa bền.
Dù trải qua nhiều khó khăn và biến động của thời cuộc, làng chiếu truyền thống vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay
Trẻ em làng chiếu Định Yên
Chợ Chiếu Định Yên hiện tại không phải là nơi tập trung buôn bán chiếu của cả làng. Thời xưa, làng chiếu Định Yên có ngôi “chợ ma”, hay còn gọi là “chợ âm phủ” độc đáo vốn mở cửa từ lúc nửa đêm. Nơi đó, người mua kẻ bán mỗi người dùng những ngọn đèn dầu vừa đủ soi sáng, nhìn từ xa chỉ trông thấy ánh sáng lập lòe, nên nhiều người quen gọi là "chợ ma".
Hình thức họp chợ này được hình thành là kết quả tất yếu và phù hợp với tính chất công việc dệt chiếu vào ban ngày của người dân, phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng để họp chợ. Hiện nay, ngôi “chợ ma” không còn tồn tại nữa, nhưng tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương tái hiện lại "chợ ma" như một cách lưu giữ và quảng bá nét văn hóa đặc trưng, phong tục độc đáo của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chợ chiếu Định Yên
Đình Định Yên
An Phước Cổ Tự
Đến làng chiếu Định Yên, ngoài việc tham quan và tìm hiểu các công đoạn để làm ra một chiếc chiếu, trải nghiệm không gian hiền hòa của ngôi làng nghề truyền thống, du khách còn có thể ghé qua một số di tích văn hóa - lịch sử, Phật giáo, như: đình Định Yên, An Phước Cổ Tự để hiểu rõ hơn về vùng đất đặc sắc này.
Cách không xa trung tâm thành phố Kon Tum, ít ai ngờ có một ngôi làng cổ vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa Tây Nguyên đặc...