Hội quán người Hoa - Nét độc đáo của du lịch TP.HCM
Hội Quán là nơi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của người Hoa từ kiến trúc, thờ cúng, cho đến các lễ và hội. Ngày nay, các Hội Quán hòa chung nhịp sống của TP.HCM, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc.
Theo dòng thời gian và các biến động lịch sử, người Hoa di cư đến Việt Nam và định cư ngày càng tăng. Vốn có truyền thống thương nghiệp, người Hoa thường chọn các nơi thuận lợi làm ăn buôn bán. Tại Sài Gòn, nay là TP.HCM có một khu vực phát triển rất thịnh của người Hoa đó là Chợ Lớn.
Người Hoa coi trọng hoạt động tâm linh, sinh hoạt và gắn kết cộng đồng. Họ sống với nhau trong những đoàn thể dưới hình thức hội quán, hội đồng hương để giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Các hội quán của người Hoa ở TP.HCM cho đến nay vẫn hoạt động, không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho người Hoa mà còn là điểm đến cho các hoạt động du lịch, nghiên cứu.
Hội quán của người Hoa không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là điểm đến cho các hoạt động du lịch, nghiên cứu.
Hội quán theo dòng lịch sử di cư của người Hoa
Ở Trung Quốc, Hội quán được cho là xuất hiện từ thời nhà Minh với chức năng ban đầu là nơi ăn ở tạm thời cho các thí sinh về kinh đô dự thi, những thương nhân là đồng hương đi buôn bán xa nhà có nơi hội họp, gặp gỡ, bàn chuyện hợp tác làm ăn và lưu trú.
Người Hoa và người Việt vốn có sự qua lại giao lưu từ rất lâu. Nhưng quá trình di cư của người Hoa định cư ở Việt Nam lại phức tạp và diễn ra không liên tục. Vùng đất Nam bộ đón nhận những cư dân người Hoa chủ yếu qua hai giai đoạn: một là những người Hoa “Phản Thanh phục Minh” tị nạn ở Việt Nam vào cuối thế kỉ 17 và hậu duệ của họ, thường vẫn được gọi chung là Minh Hương. Bộ phận thứ hai gồm những người Hoa qua Việt Nam làm ăn sinh sống từ cuối thế kỷ thứ 18 trở đi.
Khi đến một nơi xa xôi để định cư, người Hoa mang theo tất cả những cội nguồn văn hóa, dù hòa nhập với văn hóa nào đi nữa thì họ vẫn giữ gốc văn hóa của mình. Hội quán là một trong những minh chứng cho nguồn gốc của họ, mục đích của hội quán lập ra là chỗ dựa tinh thần cho người Hoa, là nơi phân chia lĩnh vực buôn bán - giao thương, và là nơi họ gắn kết với nhau tại thành một cộng động lớn. Hội quán người Hoa ở Nam bộ còn được gọi là đền, miếu, bang.
Hội quán còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hoa.
Ở Nam bộ, hội quán của người Hoa xuất hiện nhiều vào cuối thế kỷ 19. Tác giả Gia Định Thành Thông Chí khi ghi nhận lịch sử hình thành vùng đất Gia Định, Đồng Nai đồng thời cũng có những ghi nhận về sự xuất hiện các hội quán tại khu vực Cù Lao Phố có hội quán Quảng Đông, hội quán Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu,…
Cù Lao Phố trước đây là nơi đầu tiên người Hoa đến tập trung sinh sống khi họ di cư vào Đàng Trong, họ đã xây dựng và phát triển Cù Lao Phố thành một nơi giao thương hàng hóa, buôn bán rất nhộn nhịp. Sau đó họ chuyển đến vùng đất sau này gọi là Chợ Lớn. Chợ Lớn ở đây không chỉ riêng khu chợ, mà còn là cả khu vực rộng lớn mà người Hoa tập trung định cư.
Ngôi miếu đầu tiên được xây dựng ở Chợ Lớn chính là Thất Phủ Quan Võ miếu (miếu thờ Quan Thánh của bảy phủ), niên đại thế kỷ 18. Miếu này tọa lạc tại địa điểm mà nay là số 120 Triệu Quang Phục. Cùng thời gian với Thất Phủ Quan Võ miếu, cư dân bảy phủ cũng xây dựng Thất Phủ Thiên Hậu cung, miếu này tọa lạc tại địa điểm mà nay là số 756 đường Nguyễn Trãi, đây là miếu thờ bà Thiên Hậu sớm nhất Chợ Lớn.
Chùa Bà Thiên Hậu - Điểm du lịch nổi tiếng của quận 5, TP.HCM.
Tại TP.HCM, các Hội quán ngày nay tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn trải dài trên các quận 5, 6, 10,11. Xét về mặt văn hóa, các miếu, hội quán có những giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, tôn giáo,… Ngày nay một số miếu, hội quán đã được công nhận là di tích văn hóa như:
- Hội quán Tuệ Thành (còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu) - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1993, do người Hoa nói tiếng Quảng Đông xây dựng.
- Hội quán Nhị Phủ (còn gọi là Chùa Ông Bổn), - di tích cấp Quốc gia năm 1998, do người Hoa Phúc Kiến xây dựng.
- Hội quán Minh Hương (còn gọi là đình Minh Hương) - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
- Hội quán Nghĩa An (còn được gọi là Chùa Ông hay Miếu Quan Đế) - Di tích cấp quốc gia năm 1993, do người Hoa Triều Châu xây dựng.
- Hội quán Hà Chương (Hội quán Chương Châu, chùa Bà Hà Chương) – Di tích cấp quốc gia năm 2013.
Miếu, hội quán có vị trí rất quan trọng đối với đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hoa. Đa số người Hoa ở khu vực TP.HCM làm các nghề thương mại gắn với yếu tố kinh tế nên nhu cầu tín ngưỡng của họ là rất cao, nhằm thể hiện tấm lòng đền đáp ơn nghĩa sâu nặng đối với vị thần đã phò trợ mình trong công việc làm ăn.
Các di tích còn mang chức năng xã hội, văn hóa, giáo dục. Đây là nơi hội họp, gặp gỡ của cộng đồng. Hầu hết các di tích thường xuyên có các hoạt động xã hội giúp đỡ cho người trong cộng đồng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số di tích còn là cơ sở hoạt động cách mạng, từng nuôi giấu, che chở cán bộ.
Hội quán người Hoa trong hoạt động du lịch
Hiện nay, nhiều hội quán, miếu, đình của người Hoa trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các hoạt động văn hóa du lịch. Người Hoa không phải là một bộ phận người di cư nữa, mà họ trở thành một trong những tộc người thuộc hệ thống các tộc người ở Việt Nam. Các khu vực nhộn nhịp, giao thương tấp nập của người Hoa như Chợ Lớn là điểm đến du lịch.
Hội quán Nghĩa An.
TP.HCM là một đô thị năng động nhất các nước. Kiến trúc đô thị cần giữ những khoảng không gian cho các công trình cổ xưa hòa chung với kiến trúc hiện đại. Khách du lịch có thể đến bất kỳ một hội quán nào còn hoạt động để tham quan, vì hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa, nên sẽ luôn cởi mở, chào đón du khách.
Hội quán Tuệ Thành (còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu) là một trong những công trình của người Hoa được giới thiệu trên trang thông tin của Sở Du lịch TP.HCM như một điểm du lịch tiêu biểu. Hội quán tọa lạc tại địa chỉ 710 Nguyễn Trãi, P.11, Quận 5, TP.HCM. Kiến trúc của Chùa Bà Thiên Hậu rất bắt mắt bởi các phù điêu gốm trang trí trên tường, trên mái ngói với các chủ đề như "lưỡng long tranh châu", "thầy trò Đường Tăng" tái hiện lại các tích cổ của người Hoa.
Cổ vật trưng bày bên trong Chùa Bà Thiên Hậu.
Tuy là kiến trúc người Hoa nhưng lại có cảm giác rất gần gũi với người Việt như mái ngói âm dương, cột xà gỗ... Ngày nay, các hoạt động tín ngưỡng vẫn diễn ra, hằng ngày tại Hội quán Tuệ Thành. Không gian trang nghiêm cùng với khói nhang phảng phất như kéo khách du lịch trở về vài trăm năm trước chứng kiến cuộc di cư đầy gian khó của người Hoa đến mảnh đất Nam bộ hiền hòa, dung dị.
Ngoài hội quán Tuệ Thành, hiện nay tại TP.HCM còn các hội quán khác vẫn đang đón khách thập phương đến tham quan như: hội quán Minh Hương, hội quán Nghĩa An,…
Hội quán người Hoa là công trình kiến trúc đặc sắc, thể hiện cội nguồn - văn hóa - lịch sử - nghệ thuật của người Hoa. Hội quán vẫn tồn tại minh chứng cho người Hoa đã cùng thành phố trải qua thăng trầm của lịch sử. Cùng với đình làng của người Việt, hội quán người Hoa là nơi sinh hoạt, là chiếc cầu kết nối cộng đồng. Hội quán góp phần làm đa dạng văn hóa của đô thị, thêm màu sắc cho bức tranh văn hóa của TP.HCM.
(Bài viết có tham khảo các tư liệu:
- Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ của tác giả Nguyễn Cẩm Thúy, NXB Khoa học Xã hội, TP.HCM, 2000, tr. 20.
- Miếu, Hội quán của người Hoa ở Đông Nam Bộ trước tác động của quá trình đô thị hóa (trường hợp tại TP.HCM và Bình Dương) của các tác giả Đào Vĩnh Hợp, Võ Thị Ánh Tuyết, đăng trên Tạp chí khoa học ĐH Thủ Dầu Một, 2018.)