Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bạn tôi nhắn: “Cuối tuần tao đi Bảo Lộc đó mày. Ở trển có gì vui không?”. Tôi đáp: “Vui thì không, nhưng hay thì có, nếu mày thích nơi thiên nhiên vắng vẻ, thì Bảo Lộc chính là thiên đường. Cẩn thận đó, coi chừng bỏ quên con tim ở lại”.

Lời nhắn nhủ của tôi dành cho bạn, thực là là dành cho bản thân mình thì đúng hơn. Vì sau mỗi lần rời phố núi Bảo Lộc để trở về lại Sài Gòn, tôi cảm giác trong mình dường như trống rỗng, thiêu thiếu thứ gì đó. Là con tim yếu mềm của mình. Là trái tim lãng mạn và thường rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cỏ cây hoa lá, của gió trăng mây trời.

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 1

Thành phố Bảo Lộc nhìn từ chùa Đại Giác

Bảo Lộc là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng. Nằm trọn trên cao nguyên Di Linh, ở độ cao trung bình khoảng 900m so với mực nước biển, Bảo Lộc có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình cả năm là 21-22°C.

Do nằm ở độ cao thích hợp với việc trồng cây trà, Bảo Lộc được gọi bằng cái tên mỹ miều là "thành phố hương trà". Ngoài ra, Bảo Lộc cũng được xem là thủ phủ của ngành tơ lụa Việt Nam.

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 2

Một đồi trà xanh mướt ở phố núi Bảo Lộc

Lần đầu tiên “chạm ngõ” thành phố hương trà Bảo Lộc, tôi như người say lâng lâng và chuếnh choáng trước vẻ đẹp rất riêng của thành phố cao nguyên nằm cách Sài Gòn 180km này. Không như “người chị em” - thủ phủ Đà Lạt mộng mơ và lãng mạn, diễm tình và quyến rũ, Bảo Lộc mang những nét duyên ngầm theo kiểu “càng ngắm, càng yêu”.

Thành phố vắng bóng du khách tưởng chừng như tẻ nhạt và lạnh lẽo trong khí hậu của cao nguyên, nhưng không, chính sự hoang sơ vì chưa phát triển du lịch mạnh mẽ ấy lại là ưu điểm của Bảo Lộc.

Chạy xe dọc theo những con đường đèo uốn lượn hướng về thác Đamb'ri, tôi mê mải lặng ngắm những đồi trà, đồi dâu tằm, cà phê bạt ngàn, thỉnh thoảng là vạt thông xanh lướt qua, rì rầm trong tiếng gió.

Dừng chân ở tu viện Bát Nhã, chiêm ngưỡng ngôi chánh điện thâm trầm với kiến trúc truyền thống có phần mái vút cong, đặt chân xào xạc lên những chiếc lá thông rơi dày đặc trên mặt đất, hít thật sâu mùi cỏ dại, mùi hương hoa lãng đãng trong không khí se lạnh dễ chịu, bao muộn phiền về cuộc sống nơi Sài Thành ngột ngạt, ồn ã trong tôi như tan biến hết.

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 3

Tu viện Bát Nhã với ngôi chánh điện uy nghiêm

Tôi đã có một buổi sáng trở dậy thật sớm và được hòa mình vào biển sương, mây lảng bảng nơi phố núi bình yên. Tìm một chỗ vắng và trống trên quốc lộ 20, tôi đứng đó nhìn thật lâu, hít thật sâu khung cảnh và hương sắc cao nguyên này.

Từng lớp sương và mây mờ ảo hòa lẫn vào núi rừng, vào từng đồi cây, ngọn cỏ, từng mái nhà xa xa. Và khi những ánh nắng ban mai vừa chiếu rạng, cảnh vật nhanh chóng chuyển đổi, uống từng hớp nắng, từng ngụm ánh sáng đầu tiên để thay màu áo mới, từ sắc đen sang xanh, rồi tím thẫm, rồi hồng, rồi cam, rồi vàng rực rỡ…

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 4

“Thành phố hương trà” chìm trong màn sương, mây buổi bình minh

Những lần ghé Bảo Lộc sau đó, tôi có dịp thăm khu du lịch thác Đamb'ri – thác Dasara, nơi quang cảnh núi rừng và nước, suối, hồ như hòa vào làm một, hùng vĩ và ấn tượng.

Tôi cũng đã ghé những công trình tôn giáo đẹp và thanh bình trong thành phố, như chùa Đại Giác an yên nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống cầu Đại Lào và bao quát thành phố, chùa Phước Huệ tĩnh tại, chùa Trà xinh xắn hướng ra hồ Nam Phương, hay nhà thờ giáo xứ Bảo Lộc được coi là nhà thờ có sức chứa lớn nhất ở Việt Nam (với khả năng chứa khoảng 3.000 giáo dân), là nhà thờ có hình "bánh chưng bánh giầy" duy nhất của nước ta, được thiết kế theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (tác giả của đồ án thiết kế dinh Độc Lập ở thành phố Hồ Chí Minh).

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 5

Thác Đamb’ri hùng vĩ và ấn tượng

Có chút tương đồng với du lịch Đà Lạt vì nằm trong cùng một tỉnh, Bảo Lộc cũng rạo rực những mùa hoa mời gọi du khách yêu thiên nhiên, biết rung cảm trước cái đẹp của đất trời. Tháng hai, tháng ba hằng năm, Bảo Lộc đón chào mùa hoa kèn hồng, hoa phượng vàng, phượng tím, hay hoa cà phê trắng muốt. Tháng mười một, mười hai, khi tiết trời bắt đầu vào mùa khô, các nẻo đường của thành phố sẽ thay màu áo mới vàng rực vì những bông hoa dã quỳ hoang dại.

Bỏ quên con tim ở Bảo Lộc - 6

Bảo Lộc mùa hoa dã quỳ

Sẽ là chưa trọn vẹn nếu như không nhắc đến văn hóa ẩm thực của phố núi Bảo Lộc. Muốn tỉnh táo vào sớm mai ư? Hãy ra bờ hồ Đồng Nai làm ly cà phê, hay ca cao nóng. Ở đây có rất nhiều quán cà phê từ sang trọng cho đến bình dân. Nhưng tôi vẫn thích nhất là ngồi quán cóc ngay sát mặt nước, hớp một ngụm ca cao nóng trong cái lạnh se sắt của buổi sớm mai ven hồ, sau đó “tráng” lại bằng ly trà nóng được phục vụ kèm.

Hương ca cao, cà phê thơm nồng, hương trà thanh thanh đủ để bắt đầu một hành trình thú vị của ngày mới. Còn trong ngày, những món ăn phổ biến như: phở khô, bún bò, xắp xắp (gỏi khô bò đu đủ), nem nướng, bánh bèo, nướng ngói,… dư sức làm hài lòng chiếc dạ dày của thực khách.

Buổi tối thì sao? Sau khi no đủ bằng món chính, bạn có thể thong thả làm chiếc bánh tráng nướng thơm phức ở khu quảng trường, công viên 28 Tháng 3, sau đó qua khu nhà thờ Bảo Lộc để chậm rãi uống ly sữa nóng vỉa hè (từ đậu nành, đậu xanh, đậu phộng,…), trong lúc cắn hạt hướng dương “chém gió” cùng bạn đồng hành, ngắm người xe lên xuống.

Là một người yêu thích du lịch, tôi luôn mong rằng Bảo Lộc sẽ được quan tâm phát triển du lịch một cách có tổ chức và bền vững. Để sau mỗi lần lên thăm, rồi tạm biệt phố núi hoang sơ, tôi chấp nhận bỏ quên con tim mình ở lại…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Bình An

CLIP HOT