Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với Dạ cổ hoài lang đi vào lịch sử, được mệnh danh là tiếng lòng Nam Bộ, du lịch Bạc Liêu đã chứng tỏ nơi đây có những nét riêng, độc đáo, có một không hai.

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 1

Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Theo Sở Du lịch Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890–1976) là người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.

Để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là cách khẳng định Bạc Liêu là một trong những chiếc nôi hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt mở rộng tôn tạo trên diện tích hơn 12ha, gồm nhiều hạng mục như: nhà trưng bày, mộ nhạc sĩ, nhà biểu diễn đờn ca tài tử, vườn nhạc cụ, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đặc biệt là “Đài nguyệt cầm” là công trình biểu tượng văn hóa nhằm tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng trên tuyến đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu. Cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội Dạ cổ hoài lang. Khu lưu niệm từ lâu được xem là “điểm son” của du lịch Bạc Liêu và đây cũng là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng Sông Cửu long.

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 2

Bài "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời cách đây cả trăm năm, trong "nghịch cảnh chia ly" với tiếng lòng thổn thức

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 3

Mỗi năm nơi đây đón rất nhiều du khách yêu mến đờn ca tài tử

Du khách đến Bạc Liêu cũng không nên bỏ qua khu nhà Công tử Bạc Liêu, tại số 13 Điện Biên Phủ, P.3. Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, theo kiến trúc phương Tây, toàn bộ nguyên vật liệu đều xuất xứ từ Pháp.

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 4

Đây là một địa chỉ tham quan du lịch lý thú của du khách khi đặt chân đến vùng đất Bạc Liêu này. Hiện nay khu nhà đang trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm, phục vụ khách nghiên cứu, tham quan.

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 5

Du khách nghe hướng dẫn viên kể các câu chuyện về công tử Bạc Liêu

Bạc Liêu không chỉ thu hút du khách bởi những cung điệu của bản Dạ cổ hoài lang, hay các giai thoại về công tử Bạc Liêu, nơi đây còn nổi tiếng vì là nơi lưu giữ bảo vật quý hiếm của Việt Nam, đó là chiếc đồng hồ mặt trời với tuổi đời trên 100 năm, minh chứng cho tài năng và sức sáng tạo của người Việt. 

Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang - Tiếng lòng Nam Bộ - 6

Đây là chiếc đồng hồ duy nhất ở Việt Nam, và là chiếc thứ hai trên thế giới

Đồng hồ này đặc biệt ở chỗ chỉ dùng ánh sáng của mặt trời mà không dùng bất cứ loại máy móc nào, hay bất kỳ một thứ kim loại nào. Đồng hồ có chiều cao khoảng 0,8m, rộng 1m, trên bề mặt kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên, cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng và tối.

Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại do không bị gờ che ánh sáng nên có màu sáng rõ hơn. 

Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày, nhìn vào điểm tiếp giáp đó hiện ở khu vực nào trên mặt đồng hồ, người ta sẽ biết lúc đó là mấy giờ. Nói cách khác, ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ. 

Trải qua hành trình hơn 100 năm, chiếc đồng hồ này hiện vẫn chỉ giờ chính xác đến mức sai số dao động không quá 2 phút so với đồng hồ điện tử hiện nay.

Đây là một công trình khoa học, được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT