Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạm quên đi những tất bật của cuộc sống, tôi ném mình vào núi rừng hoang dã để khám phá “mê cung dát vàng” dưới lòng đất đầy bí ẩn ở Quảng Bình, nơi có cái tên rất lạ: hang Chà Lòi.

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 1

Cắm trại qua đêm tại Chà Lòi

“Mê cung dát vàng” dưới lòng đất

Tôi có dịp đến Quảng Bình một tuần công tác. Ở cái chốn được nhiều người ví von là “vương quốc hang động” với hơn 400 hệ thống hang, động khác nhau này, tôi thật sự choáng ngợp khi nghe người bạn địa phương kể về những nơi thú vị ít ai biết đến. Vừa nghe qua hàng loạt địa danh, tôi đã lập tức ấn tượng với Chà Lòi - một hang động đầy bí ẩn chỉ nghe tên đã khiến người khác tò mò.

Cách trung tâm thành phố Đồng Hới tầm 45km theo hướng Tây Nam, Chà Lòi là một hệ thống hang động nằm ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngay bên cạnh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi đây từng in dấu chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đi sâu vào hang động khoảng vài trăm mét, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khối đá hoàn toàn tự nhiên nằm sâu trong hốc đá, có hình dáng tựa bức chân dung một người đàn ông đang quay mặt vào trong. Khi hướng dẫn viên khai thác hang Chà Lòi đi khảo sát, họ cảm thấy bức tượng này tựa như hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế, ban đầu nơi đây có tên là hang Đại Tướng hay hang Ông Giáp. Sau đó, khi xin cấp giấy phép khai thác hang, người ta mới biết cái tên đó đã được sử dụng nên họ lại đổi thành Chà Lòi - một cái tên gợi tò mò với người nghe.

Hành trình khám phá Chà Lòi của tôi kéo dài hai ngày một đêm với điểm bắt đầu là quãng đường 5km trong hang; cắm trại ở thung lũng Tình Yêu mang vẻ đẹp nguyên thủy ban sơ; trekking 8km băng rừng nguyên sinh và lội suối khám phá bản Còi Đá...

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 2

Khung cảnh bình yên tại bản Còi Đá một ngày hè

Quãng đường vài chục cây số trở nên gần hơn khi các anh hướng dẫn viên kể nhiều câu chuyện hay về hang Tám cô, về lịch sử đường Hồ Chí Minh, về cuộc chiến đấu anh hùng của đồng bào Quảng Bình...

Chúng tôi đi bộ dọc cánh rừng khoai mì, vào đến nơi đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống và dừng chân ở nhà mế Mon để tìm hiểu về tập tục thờ cúng linh hồn người sống của đồng bào Vân Kiều với mong ước cầu sức khỏe, thành công, đi bốn phương làm ăn phát đạt.

Mế (mẹ) Mon có cái đàn tính-tùng nhìn hay ho lắm. Mế ngậm tẩu, đứng bên hiên nhà đàn một khúc âm điệu chốn đại ngàn làm cả đoàn chưa vào đến hang Chà Lòi đã phải dừng chân đứng lặng mười phút lắng nghe, xin chụp ảnh lưu niệm với mế.

Nhà mế cách miệng hang tầm trăm mét. Ngay lối vào hang là một sân khấu được đắp bằng đá núi, do những chiến sĩ ngày trước dựng lên làm nơi hoạt động văn nghệ sau những giờ hành quân, chiến đấu. 

Ở đây, chúng tôi bắt đầu bước vào hành trình khám phá hang động. Dọc lối vào hang, những măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ như thử thách trí tưởng tượng của du khách. 

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 3

Dưới ánh đèn leo lét từ những chiếc đèn pin đội đầu, thứ ánh sáng lung linh đã được kiến tạo ở nơi đây từ hàng triệu năm hấp dẫn ánh mắt tôi. Thạch nhũ trong hang động này chứa nhiều silic nên mỗi khi chiếu đèn vào, chúng trở nên lung linh tuyệt đẹp. Có lẽ bởi vậy, hang Chà Lòi được mệnh danh là “mê cung dát vàng” dưới lòng đất. Phải chiêm ngưỡng bằng mắt thường, chạm vào những khối thạch nhũ lấp lánh tuyệt đẹp ấy mới thấu hiểu được sự diệu kỳ thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình.

Suốt hành trình 5km khám phá hang Chà Lòi, tôi được ngắm nghía vô số loại khối đá thạch nhũ, măng đá, cột đá… lắm cái còn phát ra âm thanh như nhạc cụ, người ta gọi là trống đá.

Vì mỗi năm, những thạch nhũ này chỉ dài thêm được 0,03mm; tức là mất đến hàng triệu năm để kiến tạo nên những thứ tôi đang được sờ, được cầm, được cảm nhận bằng mắt thường nên tôi và các du khách khác đều rất thận trọng di chuyển để tránh làm đứt gãy những kiệt tác của tạo hóa.

Mỗi khối thạch nhũ đều đẹp hút mắt nhưng chiêm ngưỡng được chúng thì không dễ dàng. Bạn sẽ phải thu gọn người lại để lách qua hai phiến đá cách nhau chừng 30cm; phải bò ở những đoạn hẹp 50cm.

Có những đoạn, cả đoàn lại phải dùng hết sức lực bám vào đá, treo người trên vách để đi qua được mỏm bên kia. Lắm đoạn leo bở hơi tai, tưởng đã là đủ nhọc nhằn, nào ngờ tôi lại phải lội nước ngập ngang người, luồn, lội, trườn, bò…

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 4

Khám phá hang động kỳ vĩ với sự hình thành đến vài triệu năm

Trải qua ngần ấy thử thách, thứ chờ đón tôi ở nơi sâu cùng hang động là dòng sông ngầm nước biếc xanh, mát lạnh với nhiệt độ chỉ khoảng 22 độ C. Những hồ nước nhỏ đầy cá, tôm với màu trong suốt đặc biệt thích nghi với địa hình trong hang khiến tôi và những đứa trẻ trong đoàn không khỏi thích thú. Tôi có cảm giác mình đang lạc vào tiên cảnh - một nơi có nhiều hình thù kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng, một hệ sinh thái khác biệt tách xa sự ồn ã, huyên náo ngoài hang. 

Thời khắc được nghỉ giữa giờ và ăn nhẹ là lúc tuyệt vời nhất. Tôi đến Quảng Bình một mình nhưng lại không hề cảm thấy cô đơn. Nước trong hang chảy róc rách, cùng với những giai điệu phát ra từ chiếc điện thoại đã mất sóng quyện lấy nhau cứ ngân nga bên tai tôi.

Tuyệt hơn cả là lúc tắt nhạc, tắt đèn, mỗi người có ít phút tĩnh lặng để bóng tối đặc quánh của hang động nuốt chửng lấy chính mình. Lúc này, tôi thực sự đắm chìm vào không gian rộng lớn, giữa sự kiến tạo mất đến hàng triệu năm. Dù mở mắt hay nhắm mắt, xung quanh đều yên lặng tuyệt đối. Chính xác thì chúng tôi có bốn phút để cảm nhận bóng tối của hang động, cũng để lòng sáng tỏ nhiều điều.

Tôi nhận ra mình thật may mắn vì còn trẻ, còn khỏe, mắt vẫn sáng, lòng vẫn đầy nhiệt huyết, đam mê nên mới có đủ quyết tâm đến đây và đi nhiều nơi khác, để ngắm nhìn muôn màu muôn vẻ của hành tinh này.

Bóng tối cũng dần tan sau ba tiếng miệt mài khám phá những góc lạ của hang Chà Lòi. Lúc chúng tôi ra khỏi hang, trời đã vàng màu nắng ban trưa. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi lại tiếp tục đến với thung lũng Tình Yêu của bản Còi Đá.

Sống đời “ba không” ở miền xanh ngắt 

Bản Còi Đá nằm sâu trong một thung lũng được đặt cho cái tên mỹ miều là thung lũng Tình Yêu. Chúng tôi đi bộ 2km vào bản, dưới cái nắng nhẹ của Lệ Thủy, Quảng Bình, trên vai là hành lý cá nhân. Tôi bước vào cuộc sống thời nguyên thủy “ba không”: không 4G, không sóng điện thoại, không mạng xã hội ở miền xanh ngắt này với tâm trạng đầy háo hức. 

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 5

Trẻ em ở bản Còi Đá

Chào đón tôi là một con heo bản lưng võng cùng ánh nhìn tò mò, ngơ ngác của các em nhỏ đồng bào Bru - Vân Kiều. Người thanh niên đón tôi vào thung lũng kể, khu này chỉ có ba hộ dân nhưng rất đông trẻ nhỏ vì có 35 hộ khác sinh sống quanh bản Còi Đá. Cuối tuần, trẻ con quanh bản sẽ đến đây chơi xích đu và nô đùa với du khách rất hồn nhiên.

Người nơi đây có cuộc sống mà không ít người thị thành thường mong ước. Hôm nay họ kiếm ăn thì ngày mai sẽ nghỉ để tiêu cho bằng hết rồi mới đi kiếm tiếp. Điện ở bản là điện năng lượng mặt trời được trợ cấp theo đề án ODA của Chính phủ; mùa nắng thì lúc nào cũng có điện, mùa mưa thi thoảng buổi tối mới có. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, đồng bào nơi đây vẫn luôn toát lên vẻ yêu đời. 

Ở trong thung lũng xanh ngắt này không có sóng điện thoại, đương nhiên không có wifi, ngắt kết nối hoàn toàn với thế giới công nghệ của văn minh nhân loại nên tôi cất máy tính, yên lặng đánh đu cùng lũ trẻ hoặc ngồi đánh đu một mình với những bản nhạc yêu thích có sẵn trong điện thoại.

Sống đời nguyên thủy ở “mê cung dát vàng” Chà Lòi - 6

Mẹt cơm đậm chất địa phương khiến du khách xao xuyến

Mọi người đã xếp sẵn lều bạt để chúng tôi dọn vào ở. Nhóm thanh niên cũng bắt đầu chế biến các món ăn địa phương: bánh ướt, heo bản quay, gà quay, cá nướng, tôm suối nướng, xôi nếp, rau dưa…

Trong ánh lửa bập bùng của lửa trại và ánh trăng đêm rằm, chúng tôi có một bữa tối đầm ấm bên những người lạ. Mẹt thức ăn đầy ắp do người dân bản chuẩn bị thực sự làm ấm những chiếc dạ dày trống rỗng sau một ngày vận động mạnh.

Đêm xuống, thung lũng chìm vào bóng tối, trả lại sự tĩnh mịch và yên lặng vốn có của chốn nguyên thủy hoang sơ.

Ắt hẳn mỗi người đến với Chà Lòi đều có một cảm nhận khác nhau. Với tôi, đó là một trải nghiệm đẹp với nhiều chiêm nghiệm của nội tâm sau khi được sống đời nguyên thủy, khám phá sự tráng lệ của thiên nhiên hoang dã. 

Mang gì khi thám hiểm hang Chà Lòi?

Kem chống nắng, gel chống muỗi và côn trùng, mũ, máy ảnh, tất dày, đồ dùng vệ sinh cá nhân, túi chống nước cho các thiết bị điện tử, 2-3 bộ quần áo dài nhanh khô.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thuỳ Trang (Theo Phụ nữ TP HCM)

CLIP HOT