Sông Ba An Khê, cá đá và người tối cổ
Tôi không có ký ức nhiều với sông Ba, vì chưa ở với nó bao giờ. Nhưng tôi luôn nhớ sông Ba bởi ở đấy có món cá rất ngon, gọi là cá đá.
Thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai nằm giữa 2 con đèo trên con đường huyết mạch nối Quy Nhơn với Pleiku là đường 19. Có đi trên con đường ấy mới thấy những người phát hiện ra nó là tài. Đương đồng bằng, nhìn lên thăm thẳm và hun hút, thấy chập chờn mây trắng và trùng điệp núi rừng. Thế mà rồi xẻ một phát, một con đường ngoằn ngoèo cứ đâm vào núi rồi lại mở ra, hơn 100 cây số lên tới Pleiku.
Nhà thơ Văn Công Hùng giữa đèo An Khê
Người ta đồ rằng trên con đường ấy, người Chăm đã dò dẫm những bước ban đầu, họ mở ra con đường Chăm từ thành Đồ Bàn (Bình Định) sang tận miền Angkor. Sau này, đến quan quân nhà Tây Sơn với anh cả Nguyễn Nhạc, kéo quân từ Tây Sơn lên An Khê lập "chiến khu", luyện quân, khởi nghĩa và sinh ra vị anh hùng Nguyễn Huệ, tức vua Quang Trung oai hùng. Hai cái đèo ấy là đèo An Khê và Mang Yang, trong đó Mang Yang có nghĩa là "cổng trời" đủ biết nó hiểm trở thế nào?
An Khê nằm giữa 2 con đèo nổi tiếng ấy, nó như cái võng mắc vào 2 phía đèo, như cái chiếu nghỉ của con người trong hành trình chinh phục và thám hiểm Tây Nguyên.
Nó có con sông chảy qua, gọi là sông Ba (Pa).
Sông Ba trơ đáy. Ảnh: Trần Đăng Lâm
Bất cứ người An Khê nào, dù đi xa hay đang ở tại đấy, khi nói tới sông Ba là họ đều bừng bừng niềm tự hào về nó. Đúng thôi, với người Việt, sông không chỉ là sông, mà nó chính là văn hóa, là ký ức, là những cuộc đời, nhiều cuộc đời.
Tôi không có ký ức nhiều với sông Ba, vì chưa ở với nó bao giờ. Mấy lần đi công tác ngủ lại An Khê, phố huyện khi ấy buồn như trấu cắn, sông Ba lơ mơ ở đâu đấy.
Chuyến đi công tác đầu tiên của tôi khi lên Tây Nguyên nhận việc là xuống làng S'tơ, tức Kông Hoa trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên", quê ông Núp. Đấy là lần đầu tiên tôi mục sở thị sông Ba vì trong tiểu thuyết có đoạn tả ông Núp bơi qua sông Ba có cá sấu nhưng ông không sợ. Té ra sông Ba cách làng ông khá xa. Làng ông có con suối tên là suối Chơ Pâu, nếu tôi nhớ không nhầm thôi.
Nhưng tôi luôn nhớ sông Ba bởi ở đấy có món cá rất ngon, gọi là cá đá, đặc sản sông Ba. Con sông này chảy từ dãy núi Ngọc Rô, tây bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao 1.549 mét, theo hướng Bắc - Nam qua các huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, KBang, Đắk Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai.
Rồi chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây - Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa Sơn Hòa và Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phố Tuy Hòa.
Đi qua mỗi địa phương, con sông lại cho ta một loài cá đặc sản. Các nơi khác tôi không biết, nhưng qua An Khê, nó cho món cá đá, còn tới Ayun Pa nó lại cho cá phá và cá chốt, cũng cực ngon. Và chỉ ở vùng ấy mới có, rất lạ.
Cá đá sông Ba. Ảnh: Internet
Thấy bảo cái giống cá đá, vì nó ở các hốc đá sông Ba và chỉ ăn rêu, rất ngon và bổ. Nó nhỏ cỡ ngón tay trỏ, con nào lớn cũng chỉ như ngón tay cái, na ná giữa con cá bống và cá ngạnh, thịt chắc và ngọt, là nguồn sống bao đời của cư dân bên sông Ba. Thời tôi mới lên, các quán ăn ở An Khê thường treo biển: Có cá đá.
Nhưng rồi, khi "cơn" thủy điện nổi lên, người ta làm cái thủy điện An Khê Ka Nác, bắt nước sông Ba đổi dòng xuống sông Côn, tức là bức tử sông Ba. Bên cạnh đấy, một nhà máy chế biến mì (sắn) nồng nặc suốt ngày. Sông Ba chết hẳn.
Hồi ấy có ông phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai là ông Huỳnh Thành đã làm chấn động hội trường quốc hội khi phát biểu giữa cuộc họp, rằng đây là "sai lầm thế kỷ". Khỏi phải biết hệ lụy của cái việc ngược ngạo này còn ảnh hưởng tới bây giờ như thế nào?
Bây giờ An Khê, vùng đất cổ ấy, đương là thị xã trẻ. Con sông Ba chảy qua có vẻ đã không còn trơ đáy như trước. Trước đi qua sông này là một cực hình. Một mặt nó khô cạn đáy, lổn nhổn những tảng đá to tướng, có những tảng to cỡ cả cái nhà, mặt khác nó ô nhiễm nồng nặc. Mùi mì (sắn) thối làm nghẹt mũi trong bán kính cả chục km. Huyện An Khê ngày xưa tách ra mấy huyện là K'bang, Kong Chro, Đăk Pơ và thị xã An Khê để thấy nó từng lớn như thế nào?
Du lịch sông Ba có vẻ như hiện tại chưa được đặt đúng mức dù thị xã từng có những động thái kích cầu rất mạnh, như từng tổ chức hội thảo về Tây Sơn thượng đạo gắn với du lịch, mời các doanh nghiệp du lịch thành phố Hồ Chí Minh về, và cũng thấy các phương án đều có vẻ hiện thực. Rồi huyện K'bang tách ra từ thị xã An Khê có điểm du lịch làng kháng chiến S'tơ, nhưng rõ ràng, du lịch phải là chuỗi chứ chỉ điểm, mà các điểm lại quá cách xa nhau thì quả là rất khó.
Thị xã An Khê. Ảnh: Nhất Hạnh
Nhưng An Khê có tiềm năng rất lớn. Ở đây đầy những trầm tích lẫn di tích lịch sử, văn hóa, của cả người Kinh và người thượng, cụ thể là người Bahnar. Bởi như đã nói, Nguyễn Nhạc và nhà Tây Sơn đã chọn đây là nơi dấy nghĩa.
Đây cũng là nơi Nguyễn Nhạc có một động thái rất ý nghĩa trong việc phối kết hợp giữa việc nhà việc nước. Ấy là ông đã lấy bà Đố, tức Yă Đố, người Bahnar, làm vợ lẽ (nàng hầu), và sau đấy Yă Đố là người lo toàn bộ việc quân lương cho cuộc khởi nghĩa. Tất cả những di tích ấy, cộng với con sông Ba vừa uy lực vừa dịu dàng như dải lụa kia, lại chả là điểm, nơi, chuỗi du lịch thú vị ư? Huống gì sông Ba, nó còn mấy khúc lượn rất đẹp nữa qua các huyện Kon Chro, thị xã Ayun Pa, xuống Tuy Hòa, Phú Yên trước khi kết thúc một vòng tròn ngoạn mục để hòa vào cửa biển...
Phụ nữ Bahnar ở làng Đê Chê Gang, An Khê dệt vải
Chưa hết, như đã nói, đây là nơi người Việt lên định cư sớm nhất ở Tây Nguyên, từ thời Tây Sơn, họ lập những cái làng đặc Việt sống xen kẽ với người Bahnar tạo nên một vùng văn hóa thú vị. Câu ca dao "Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên" đồ chừng là xuất phát từ vùng này, nơi giao thoa Kinh Thượng, biển rừng.
Và mới nhất, các nhà khảo cổ Nga phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam mới phát hiện ra di chỉ Rộc Tưng ngay bên bờ sông Ba, rằng ở đây, khoảng 80 vạn tới 1 triệu năm đã có sự xuất hiện của loài người tối cổ. Và với phát hiện này, thì bản đồ xuất hiện loài người sẽ phải thay đổi...
(Còn nữa)
Đứng ở đường số 1 nhìn lên, Trường Sơn xanh mờ thăm thẳm, tưởng chỉ có rừng, núi và đất đá. Nhưng trên ấy, có...