Phố Bảng Hà Giang: nơi thời gian ngưng đọng
Hà Giang thương yêu, mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người lữ khách phương xa. Nhưng nếu phải nhắc đến một địa danh ở Hà Giang khiến cho tôi luyến lưu và suy nghĩ, xin được gọi tên “Phố Bảng”!
Phố Bảng, hay Phó Bảng, là một thị trấn nhỏ xinh thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 117km, Phố Bảng được gọi là thị trấn vùng biên bởi thông thương với Trung Quốc, qua cửa khẩu Phó Bảng, cách trung tâm thị trấn chừng 5km theo đường bộ.
Phố Bảng, thị trấn vùng biên nhỏ xinh
Từ quốc lộ 4C - con đường chính từ thành phố Hà Giang đi thị trấn Đồng Văn, thị trấn Phố Bảng nằm cách xa và heo hút ở một hướng khác. Không biết có phải vì vị trí địa lý xa xôi, tách biệt hay không, nhưng nhờ vậy mà Phố Bảng lại mang nét duyên ngầm bởi những nét hoang sơ, bởi vẫn giữ được nếp sống truyền thống của người dân bản địa.
Ít ai biết rằng, Phố Bảng từng là thủ phủ của huyện Đồng Văn cũ. Sau chiến tranh biên giới năm 1979, trung tâm hành chính huyện Đồng Văn đã được chuyển về thị trấn Đồng Văn, khiến cho Phố Bảng dần rơi vào quên lãng. Tên của thị trấn được gọi theo tiếng H’Mông là Phố Bảng, giống như một số xã lân cận như Phố Cáo, Phố Là. Sau này do giao thương phát triển, nhiều thương nhân người Hoa đến sinh sống, nên đọc trại thành Phó Bảng.
Người dân sống ở Phố Bảng chủ yếu là người Hoa, người H’mông và Pu Péo. Đừng kỳ vọng rằng sẽ có những dịch vụ chuyên nghiệp và phổ biến dành cho du khách như homestay, nhà hàng,… ở Phố Bảng, vì đây không phải là một địa danh du lịch “phải đến” (“must-see”).
Nhà dân đơn sơ, mộc mạc ở Phố Bảng
Giữa cuộc sống đang ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thật thú vị khi nhìn thấy một thị trấn vùng biên thanh bình và hiền lành, hoang sơ nhưng yên ả như Phố Bảng. Phố Bảng không cần đến sự khoa trương, hào nhoáng, không trau chuốt, bóng bẩy. Phố Bảng không mang vẻ đẹp diễm tình, nhìn thấy là yêu thích ngay. Thị trấn vùng biên này như một cô thiếu nữ vùng sơn cước, tuy hoang dại, e thẹn, nhưng lại khiến cho người gặp là nhớ, thấy là thương lúc nào chẳng hay!
Không nhớ làm sao được khi vội vàng ghé qua Phố Bảng, người lữ khách buộc lòng phải dừng lại ngắm thật kỹ, thật lâu trước vẻ đẹp của quá khứ, cứ như thể, thời gian mãi mãi ngưng đọng ở chốn này.
Phố Bảng mang vẻ đẹp của một cô thiếu nữ vùng sơn cước, tuy hoang dại, e thẹn, nhưng lại khiến cho người gặp là nhớ, thấy là thương lúc nào chẳng hay!
Giữa trung tâm thị trấn, vẫn còn đó những ngôi nhà trình tường – nhà truyền thống của người dân tộc H’mông với tường đất, cổng đá, mái ngói máng (ngói âm dương) lợp bằng đất nung màu xanh xám bình dị. Vài bức ảnh hay miếng giấy đỏ bạc thếch ghi những dòng chữ tiếng Hoa dán trên những cánh cửa gỗ cũ kỹ. Dăm ba bắp ngô khô khốc treo trước ngôi nhà. Đèn lồng đỏ đặc trưng trong trang trí và văn hóa Trung Hoa lắc lư trước gió…
Trong sân một ngôi nhà vắng, có em bé đang ngồi chơi một mình, lọt thỏm giữa khu vườn đầy hoa. Trên con đường vắng vẻ, những đứa trẻ vùng cao với hai má phúng phính đỏ au vì khí hậu lạnh khô đang đi bộ, có lẽ vừa từ trường học trở về. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe máy chở củi, chở hàng đi ngang qua…
Trẻ em ở Phố Bảng trên đường đi học về
Nụ cười bình yên của một người phụ nữ trong thị trấn
Tôi không biết mình có quá ích kỷ hay không khi cứ có suy nghĩ, ước gì Phố Bảng mãi mãi giữ được những giá trị truyền thống, những nếp sống cổ truyền này, đừng thay đổi, đừng phát triển gì hết. Như khi tôi nhìn thấy người phụ nữ trong thị trấn ngồi trước một ngôi nhà tường đất đơn sơ, bên cạnh là chú chó trung thành. Trên mặt người phụ nữ ấy, nụ cười thật tươi đang hé nở, mặc kệ cho thế giới này có đang biến đổi tới đâu…