Nông thôn miền Trung yên bình 'hớp hồn' nhiếp ảnh gia người Mỹ
Dải đất nắng gió chạy dọc chiều dài đất nước chinh phục tay máy người Mỹ bằng vẻ bình dị, sự hiếu khách.
Nhiếp ảnh gia Andrew Faulk của Tạp chí du lịch danh tiếng Travel+Leisure ấn tượng mạnh mẽ về miền Trung Việt Nam. Không chỉ chia sẻ góc nhìn của mình về vùng đất này qua bộ ảnh nhẹ nhàng và trong trẻo, anh còn đưa nơi đây vào gợi ý các điểm phải đi ngay sau dịch.
Cảnh sinh hoạt đời thường của bà con miền Trung.
“Trải dài từ bắc vào nam, địa hình Việt Nam rất đa dạng, kéo theo quy mô dân số cùng dòng lịch sử rất riêng. Nhưng ở điểm giữa của hành trình, miền Trung Việt Nam cuốn hút tôi hơn cả. Một cố đô (Huế) trầm mặc bên cạnh một đô thị (Đà Nẵng) phát triển hiện đại. Nơi đây chạm nhanh đến chuẩn chung quốc tế, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng cho mình,” Andrew Faulk chia sẻ.
Anh trải lòng về chuyến đi của mình, rằng bất chấp sự đô thị hóa diễn ra cực nhanh, vùng ngoại ô và nông thôn vẫn yên bình đến lạ. “Có thể nói, người dân ở đây thân thiện và hiếu khách xếp hàng bậc nhất trên thế giới. Tôi muốn cầm máy lên chụp, không chỉ vì cảnh đẹp mà còn vì những con người nơi đây.”
Đối với đám trẻ ở quê, nơi nào cũng là sân chơi được tự do chạy nhảy.
Bà cụ bán hàng rong tại chợ Hội An.
Thợ làm giỏ mây tre ở ngoại ô Hội An.
Sau một buổi thu hoạch.
Đầm hoa rực rỡ màu sắc.
“Vẻ đẹp xuất hiện qua nhiều cách, như sự yên bình của bờ biển hay nét phúc hậu của bà cụ bán hàng rong, dáng cong của sợi mì trong tô hay thậm chí là nỗi buồn của một ai đó. Tôi thấy vẻ đẹp của nơi này tô điểm lên mọi thứ.
Là một nhiếp ảnh gia, niềm đam mê của tôi là quan sát. Công việc của tôi đơn giản chỉ là tạo ra hình ảnh về mọi thứ tôi nhìn thấy, nắm bắt lấy thế giới xung quanh bằng một con mắt khác cầm trên tay. Khi không phải chụp ảnh, tôi cũng đưa mắt nhìn khắp nơi để tận hưởng cuộc sống,” Andrew Faulk tâm sự.
Bún bò và Cao lầu qua góc nhìn của tay máy người Mỹ.
Không khó để tìm thấy bàn ghế nhựa như vậy ở Huế hay khắp Việt Nam.
“Nếu có cơ hội được quay lại Hội An, tôi sẽ dành thời gian đi xa ra khỏi trung tâm thành phố. Tôi sẽ đi bộ qua những cánh đồng lúa, ngồi với người dân địa phương, thưởng thức món cao lầu bình dân và khám phá những tàn tích bí ẩn của Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng từ thời Vương quốc Chămpa, thế kỷ 4 đến thế kỷ 14,” anh cho biết thêm.
Cụ bà ngồi võng ở trước nhà.
“Trong loạt ảnh ở chuyến đi này, tôi tâm đắc nhất với bức ảnh bà cụ ngồi võng trước nhà, bà đung đưa nhẹ và thả tâm hồn mình trôi đi. Chỉ bằng bức ảnh đó, tôi đã cho mọi người thấy rằng người dân ở đây thân thiện và hiếu khách đến thế nào,” anh chia sẻ.
Anh cũng bật mí thêm kinh nghiệm bụi đường: “Đối với nhiều người, việc du khách vào nhà dân địa phương rồi cười nói vui vẻ là không thể có được. Nhưng ở miền Trung Việt Nam, việc này không chỉ bị cấm mà còn được hoan nghênh. Thực tế, tôi được mọi người mời uống nước, tham quan nhà và trò chuyện như người thân quen từ lâu.”
Đò lướt nhẹ sóng trên dòng Sông Hương.
Chị em lựa hải sản sau khi đánh bắt, chuẩn bị cho phiên chợ sớm.
Một ngôi chùa ở Phố cổ Hội An.
“Sau tất cả, điều thú vị nhất của chuyến đi này chính là sự tương tác và những cuộc trò chuyện của tôi với người dân. Tôi thấy, đây là cách du lịch hiệu quả nhất, tôi tiếp nhận được văn hóa địa phương nhanh chóng, thế giới quan của tôi được mở rộng hơn. Tôi nghĩ, đây mới thật sự là bản chất của du lịch,” Andrew Faulk trải lòng.
Hai phóng viên National Geographic đã theo chân người bản xứ vào sâu bên trong vườn quốc gia Hoàng Liên để thu hoạch loại...