Nhớ Đà Lạt những mùa sương giăng năm cũ
Đà Lạt ngày càng nóng hơn. Du khách đến Đà Lạt ngày nay hiếm khi bắt gặp những sáng tinh mơ mây mù giăng lối, đi cách một đoạn chẳng nhìn thấy nhau. Ngay cả người Đà Lạt, muốn có được khoảnh khắc đó, phải thức dậy thật sớm, chờ sự "may mắn" hoặc chạy xe ra những vùng ngoại ô...
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Ga, sinh sống tại Đà Lạt, chia sẻ bộ ảnh Đà Lạt mờ sương được anh ghi lại vào nhiều thời điểm khác nhau của các năm trước. "Đà Lạt đang ngày càng nóng hơn, lợi thế du lịch về không khí trong lành đang dần mất đi", anh nói.
Toàn cảnh đồi Du Sinh, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6 km với hướng nhìn về trung tâm thành phố, được chụp lúc 5 giờ 15 ngày 13/7/2020. Khu đồi mờ trong màn sương ban sớm, phía xa là trùng điệp núi đồi mây phủ. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Ray nắng (luồng ánh nắng chiếu xuyên qua màn mây) trên đồi thông cạnh Hồ Than Thở, cách Đà Lạt 6 km, được chụp lúc 6 giờ 35 ngày 25/4/2021. Hồ nằm giữa khu rừng thông, gắn liền với câu chuyện tình buồn của "đồi thông hai mộ", theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Điểm săn ảnh quen thuộc của các nhiếp ảnh gia là rừng chò ngập nước trong nắng vàng, một góc Hồ Tuyền Lâm chụp lúc 7 giờ 15 ngày 25/12/2021. Địa điểm này dù lúc nắng lên nhưng vẫn còn bao phủ sương dày, khiến cảnh sắc hồ như chốn thần tiên. Đây là hồ nước ngọt rộng nhất Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo hướng Quốc lộ 20 lên đèo Prenn. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Rừng thông Trại Mát vào một sớm yên bình chụp lúc 6 giờ 40 ngày 18/4/2021. Quá trình chụp ảnh thời gian qua, Ngọc Ga cảm nhận Đà Lạt ngày càng ít dần những "mảng xanh" khi các công trình, nhà hàng, khách sạn được xây dựng nhiều, thành phố trở nên đông đúc hơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Đà Lạt thường lạnh vào sáng sớm và chiều tối. Vì thế, để có thể "săn mây", du khách nên dậy từ sáng sớm, ra ngoại ô để ngắm mây trên các sườn đồi. Thời điểm mây đẹp nhất từ 4 - 5 giờ sáng. Trong ảnh là ray nắng xuyên qua hàng thông dọc Quốc lộ 20, địa phận Trại Mát, phường 11, Đà Lạt, chụp lúc 7 giờ 15 ngày 27/3/2022. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Vùng trồng cà phê xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương bồng bềnh sương giăng, ảnh chụp lúc 5 giờ 45 ngày 6/3/2022. Nơi đây còn bầu không khí mát mẻ hơn ở trung tâm thành phố. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Một vùng đồi Lạc Dương được phủ trong mây sớm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Khi thành phố trở nên chật chội, tuyệt vời hơn khi ra vùng ngoại ô ngắm nhìn làn sương ẩn hiện, cảnh vật bình yên đến lạ thường. Bức ảnh chụp người dân chăm sóc rẫy trồng cây đậu xanh trong sương mai tại Lạc Dương lúc 6 giờ 10 ngày 30/5/2021. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Muốn có những bức ảnh sương đẹp du khách phải chịu khó đi xa hơn, chẳng hạn đến thôn Masara, xã Tà Năng, Đức Trọng, cách Đà Lạt 80 km. Khu vực này là nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Thuận, cũng là nơi cao nguyên Lâm Đồng bắt đầu giảm dần độ cao. Trên ảnh, du khách cắm trại đón bình minh trong màn sương sớm tại đồi Masara, chụp lúc 6 giờ 20 ngày 13/12/2020. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Cách đây hơn 10 năm, du khách không có khái niệm "săn mây" khi đến phố núi Đà Lạt, bởi bạn có thể bắt gặp khung ảnh ảo diệu này thường xuyên vào sáng sớm ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, ngày nay, khung cảnh "thành phố sương mù" đó trở nên hiếm hoi. Bức toàn cảnh trung tâm TP.Đà Lạt này được lúc 5 giờ ngày 13/9/2020. Ảnh: Nguyễn Ngọc Ga.
Tháng 4/2021, Lâm Đồng đã phát động dự án trồng 50 triệu cây xanh nhằm gia tăng mảng xanh đô thị và độ che phủ rừng đến năm 2025. Chiến dịch thực hiện mục tiêu "rừng trong thành phố, thành phố trong rừng" này sẽ bổ khuyết mảng xanh cho những khu vực có hoạt động sinh sống, kinh doanh, du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần cân bằng môi trường, nâng cao giá trị cuộc sống và đưa con người gần với thiên nhiên hơn.
Nhiếp ảnh Ngọc Ga lưu ý, du khách đi chụp ảnh sương sớm cần chuẩn bị một chiếc xe số đủ mạnh để leo đồi dốc, áo ấm, găng tay, nón len, để giữ nhiệt cơ thể.
Còn thời điểm này, Đà Lạt trong mùa mưa lớn, gây lũ và đã xảy ra sạt lở, nên du khách đến đây tốt nhất lưu trú trung tâm thành phố, tránh qua đêm ở các khu vực đồi thông, trong rừng, ven suối...