Thời tiết Quảng Ninh trong những ngày Tết Nguyên đán thuận lợi, hàng nghìn người dân và khách du lịch đến Di tích lịch sử Bạch Đằng để vãn cảnh, tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian và cầu nguyên cho năm Giáp Thìn 2024 đầy thuận lợi, may mắn.
Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, đi lễ đầu năm. Theo dự báo thời tiết, Quảng Ninh có nắng đẹp rất phù hợp để người dân và khách du lịch du xuân tại các địa điểm nổi tiếng của địa phương này.
Ghi nhận của PV Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh, người đến lễ tại Di tích Bạch Đằng chủ yếu đến từ thị xã Quảng Yên và các địa phương lân cận của Quảng Ninh như Uông Bí, Hạ Long, Đông Triều…
Nhiều du khách đến từ phương xa như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… cũng chọn địa điểm này là điểm đến cho chuyến du xuân của mình.
Tranh thủ nắng đẹp trong nhiều ngày, người dân diện áo dài chụp ảnh ngay bên cạnh di tích Bạch Đằng.
Theo người dân Quảng Yên, khu di tích miếu Vua Bà và đền thờ Trần Hưng Đạo nổi tiếng linh thiêng. Hàng năm, người dân địa phương này đến lễ tại di tích Bạch Đằng ngay từ đêm Giao thừa và kéo dài đến lễ hội Bạch Đằng.
Hiện tại khu vực đền còn lưu lại nhiều văn bia cổ bằng đá và cây quếch cổ hơn 700 tuổi. Theo truyền thuyết, Hưng Đạo Đại vương, Trần Quốc Tuấn trong lúc đến bến đò nghiên cứu địa hình để chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo quân xâm lược thủy quân Nguyên Mông.
Tại cây Quếch nằm ngay cửa sông, Trần Quốc Tuấn đã gặp được bà hàng nước cung cấp tỷ mỷ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến. Sau khi chiến thắng quân xâm lược, Hưng Đạo Đại vương, Trần Quốc Tuấn trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn, nhưng không thấy.
Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Trần Quốc Tuấn đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua bà” và cho lập miếu thờ tại nơi bà bán hàng bên gốc cây quếch. Cửa miếu quay ra dòng sông Bạch Đằng hào hùng, lịch sử.
Nhiều người đến đây đi lễ đầu năm để gửi gắm ước nguyện, cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
"Tôi đến đây cầu mong cho gia đình yên ấm, hạnh phúc. Công việc của tôi trong năm 2024 gặp được nhiều thuận lợi, may mắn", Duy Phương, đến từ TP Uông Bí, chia sẻ.
“Ở đây rất linh thiêng, ngay từ bé cứ Tết đến Xuân về là tôi cùng cha mẹ đến miếu Vua Bà lễ đầu năm. Giờ tôi dắt con cháu đến đây để lễ và cầu mong sức khỏe đến với cả gia đình”, bà Lê Nga, trú phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ chọn miếu Vua Bà để gửi gắm ước nguyện đầu năm. Phương Uyên (22 tuổi, trú TP Hạ Long) đến đây cùng bạn thân, Uyên tiết lộ lời chúc gửi tới gia đình và người thân thật nhiều sức khỏe, bình an trong năm mới Giáp Thìn 2024.
Ngoài đến lễ bái đầu năm, người dân còn đến nơi này để xin chữ, đây là phong tục từ xa xưa được lưu truyền đến ngày nay. Những câu thư pháp sau khi được các ông đồ viết trên nền giấy đỏ được treo lên tạo thành điểm nhấn để du khách chụp ảnh.
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức ngay trên sân như các trò chơi dân gian, thi hát, chơi cờ người…. được người dân và du khách hưởng ứng tham gia.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng gồm quần thể nhiều điểm du lịch, tham quan như đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò Rừng, đình Yên Giang...Khu trung tâm của di tích thờ Vua Bà; Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng các vị tướng thời Trần có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông qua trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Ngày 27/9/2012, di tích lịch sử Bạch Đằng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, khu di tích đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.