Quảng Ninh cần dùng nguồn vốn khoảng 432.000 tỷ trong giai đoạn 2024-2030 để thực hiện 9 dự án, nhiệm vụ lớn phục vụ du lịch để đưa vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực, quốc tế biến nơi này thành Sydney bên bờ vịnh Hạ Long.
Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong các ngày 22 và 23/1 tới, Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị tham vấn phát triển du lịch, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đưa du lịch Quảng Ninh thành trung tâm du lịch khu vực và quốc tế
Hội nghị được tổ chức nhằm hoàn thiện các nội dung của Đề án phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển của Trung ương, của vùng và tỉnh Quảng Ninh; tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch để có những đánh giá sâu sắc, đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện đảm bảo tính tổng thể, khả thi và hiệu quả.
Một góc vịnh Hạ Long
Hội nghị sẽ bao gồm nhiều nội dung như: Phân tích làm rõ tổng quan các điều kiện để điểm đến trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; kinh nghiệm của một số trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế trên thế giới; xác định các điều kiện cụ thể để một điểm đến trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế; Đánh giá hiện trạng du lịch Quảng Ninh trên cơ sở phân tích thực trạng các điều kiện để Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, cùng với việc phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và đề xuất quan điểm phát triển, các định hướng, mục tiêu cụ thể và giải pháp, tổ chức thực hiện.
Để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Đề án Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đầu tư 9 dự án lớn về hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch
Trong Đề án, Quảng Ninh cần thực hiện 9 dự án, nhiệm vụ lớn trị giá khoảng 432.000 tỷ. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng là 20.370 tỉ đồng; nguồn xã hội hóa, tư nhân khoảng 412.455 tỉ đồng.
Trong 9 dự án, nhiệm vụ này có: Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, bến cảng, cơ sở vật chất du lịch cao cấp tại các đảo, đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế với kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng; Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại khu vực vịnh Cửa Lục trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long", với kinh phí dự kiến hơn 5.000 tỉ đồng.
Cảng tàu quốc tế Hạ Long đón nhiều khách du lịch quốc tế đến du lịch Quảng Ninh bằng đường biển
Ngoài ra, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp và hạ tầng cơ sở vật chất khác kỹ thuật khác phục vụ du lịch, với kinh phí khoảng 420.000 tỉ đồng; Phát triển thành phố Móng Cái trở thành thành phố giải trí và sự kiện với thương hiệu “Kinh đô ánh sáng vùng biên”, với kinh phí dự kiến khoảng hơn 2.000 tỉ đồng; Xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ mở các đường bay, kết nối hàng không quốc tế đến Vân Đồn, với kinh phí dự kiến khoảng 150 tỉ đồng…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Quảng Ninh cần thực hiện các đề án/nhiệm vụ khác để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030.
Trong đó, về chính sách, để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, đòi hỏi Quảng Ninh phải có được một số chính sách, cơ chế đặc thù theo hướng ưu tiên và khuyến khích thu hút nguồn lực đáng kể cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đẳng cấp, xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực du lịch.
Đề xuất Chính phủ cho phép sân bay Vân Đồn được áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế là thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách ưu tiên bay thuê bao chuyến (Charter flight) kết nối từ sân bay quốc tế Vân Đồn đến các sân bay trong khu vực và quốc tế.
Quảng Ninh sở hữu đồng bộ nhiều công trình giao thông, hạ tầng trong đó có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam nối trung tâm Hạ Long với thành phố vùng biên Móng Cái.
Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, đón từ 18 - 20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 - 5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11 - 12%.
Đến năm 2030, Du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được 25,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8,7 triệu lượt khách quốc tế (chiếm 34%), đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 15 - 16%.