Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khác với không khí nhộn nhịp ở phố thị, làng phong Quy Hòa vẫn còn giữ lại cho mình nét đẹp bình dị và hoài cổ.

Cách trung tâm TP Quy Nhơn chưa được 15 phút đi xe máy, làng phong Quy Hòa (còn gọi thung lũng Quy Hòa- ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nguyên là làng chài nhỏ nằm tách biệt khác hẳn với không khí náo nhiệt ở phố thị.

Ít ai biết rằng, những người từng đang sống ở mảnh đất này cũng như người ở bên ngoài từng muốn nó chìm vào quên lãng. Song, giờ đây làng phong Quy Hòa trở thành điểm đến tham quan bình yên, thơ mộng, thu hút du khách gần xa.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 1

Những gốc hoa giấy cổ thụ nở hoa rực rỡ.

Thung lũng Quy Hòa mang vẻ bình dị với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, kết hợp với những công trình khu bệnh viện phong, nhà ở cho bệnh nhân do những kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, tạo nên một quần thể kiến trúc rất độc đáo.

Theo các tài liệu, hơn 90 năm trước (1929), khi linh mục người Pháp tên Paul Maheu (1869 - 1931) đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 2

Trẻ em làng phong Quy Hòa đạp xe dạo chơi dưới con đường hoa giấy nở rộ.

Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài.

Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 3

Vườn tượng danh nhân y học trong khuôn viên làng phong Quy Hòa.

Những ngôi nhà thiết kế kiểu nhà trệt rộng rãi, lối đi được lát gạch bông, giữa các ngôi nhà không có rào chắn. Mỗi ngôi nhà đều có một khu vườn nhỏ trồng cây và trồng hoa. Con đường dẫn qua các khu nhà đều có cây xanh và hoa, giữa mỗi khu có một khuôn viên nho nhỏ bố trí một vài tượng danh nhân y học, tượng Đức Mẹ…

Mùa này, đến Quy Hòa ngoài vẻ đẹp bình dị, thơ mộng thì du khách còn bị níu chân bởi những hàng hoa giấy có tuổi đời vài chục năm đang nở hoa rực rỡ.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 4

Tu viện Phan sinh Thừa sai Đức mẹ.

Đặc biệt, đến làng phong Quy Hòa, du khách còn có thể đến với Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử- thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.

Năm 1936, thi sĩ Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và đến sống những năm tháng cuối đời ở Quy Hòa để điều trị bệnh và làm thơ.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 5

Phòng lưu niệm nhà thơ, thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử nằm chữa bệnh.

Trong đau đớn, cô đơn và buồn tủi, những vần thơ Hàn Mặc Tử ghi đậm dấu ấn tài hoa rất riêng đã được ra đời tại vùng đất đẹp như tranh này như: "Thơ điên", "Hương thơm", "Mật đắng", "Máu cuồng và hồn điên"... cũng bởi đó mà Quy Hòa được biết đến nhiều hơn.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 6

Một bệnh nhân ở làng phong cầu nguyện.

Ai đã từng đến Quy Hòa sẽ cảm nhận được cuộc sống bình yên dưới mỗi nếp nhà và nụ cười hiền hòa của người trong làng.

Nét đẹp bình dị và hoài cổ ở thung lũng Quy Hòa - 7

Biển Quy Hòa chạy dọc theo làng phong.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Doãn Công (Báo Dân Trí)

CLIP HOT