Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dinh 1 ở Đà Lạt của vua Bảo Đại có tuổi đời gần thế kỷ, không chỉ đơn thuần là nơi nghỉ dưỡng của hoàng đế, mà còn chứng kiến bao thăng trầm của những cuộc đổi dời. 

Từ xa xưa vẻ đẹp mộng mơ của Đà Lạt đã được lòng giới hoàng gia quý tộc. Thế nên trong số 7 dinh thự của vua Bảo Đại trải dài khắp đất nước, có đến 3 dinh đặt tại Đà Lạt, nổi bật nhất là Dinh 1. Dinh 1 nằm trên đường Trần Quang Diệu, thuộc phường 10, cách trung tâm Đà Lạt tầm 4km theo hướng Đông Nam. Dinh có diện tích 18 hecta, tọa lạc trên ngọn đồi cao 1.550 m so với mực nước biển, được bao bọc bởi rừng thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 1

Biệt thư Vua có màu vàng vương giả.

Những cây thông thẳng tắp, lừng lững đứng mặc cho phong sương giá rét, khiến tôi liên tưởng đến những chàng vệ sĩ trong đội cấm vệ quân, dốc sức ngày đêm bảo vệ đền đài vua chúa.

Ngay từ cổng chính bước vào, tôi ấn tượng bởi con đường lát đá với hai hàng cây tràm cổ thụ thân trắng cao vút. Con đường dài độ hơn trăm m, tạo cảm giác hun hút như đi giữa khu rừng thơ mộng.

Bên phải con đường là lối đi dẫn vào biệt thự Vua, Uyên ương Thảo lộ, Vĩnh Thuỵ hội quán. Bên trái dẫn vào biệt thự Hoàng Hậu, bàn trà Nam Phương, cầu thang bảy màu cùng đài phun nước cho các tín đồ sống ảo. Gần đó là lô cốt mang đậm dấu ấn quân sự. 

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 2

Biệt thự Hoàng Hậu.

Cuối lối đi của những cây tràm thơ mộng là khu vườn hoa được chăm chút tỉ mỉ. Nơi đây đặt bức tượng của vua Bảo Đại, được tán thông cổ thụ che mát, tạo khung cảnh tôn nghiêm. 

Phía sau bức tượng là tòa dinh gồm 2 tầng, diện tích 818 m vuông, gồm 12 phòng lớn nhỏ. Dinh còn lưu giữ nhiều hình ảnh về các đời vua nhà Nguyễn, đặc biệt về vua Bảo Đại như cây đàn dương cầm, chiếc máy hát thời xưa, chiếc radio hiệu Murphy. Phía sân sau ngay sát dinh, trưng bày chiếc trực thăng quân đội đa năng Bell UH-1 Iroquois do Mỹ sản xuất. Chiếc máy bay này chính là chiếc trực thăng nguyên bản từng phục vụ tại dinh các thời trước.

Ngoài dinh chính còn có biệt thự Hoàng Hậu La Reine Villas, biệt thự Vua Le Roi Villas, Vĩnh Thuỵ hội quán. Mỗi căn biệt thự có kiểu dáng khác biệt, nhưng gặp nhau ở một điểm, đó là kiến trúc châu Âu đặc trưng, màu sắc cổ điển tinh tế.

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 3

Khu vườn phía trước biệt thự Hoàng Hậu.

Theo bảng ghi chép đặt tại dinh, Dinh 1 được khởi công xây dựng năm 1929, chủ sở hữu là ông Robert Clément Bourgery, một triệu phú người Pháp. Thời điểm đó, Dinh 1 có kiến trúc đồ sộ và lớn nhất tại Đà Lạt.

Năm 1949, Hoàng Triều Cương Thổ được thành lập, cựu hoàng Bảo Đại được bầu làm Quốc trưởng. Theo nhà nghiên cứu Lê Phi thì cha vợ ông là quận công Nguyễn Hữu Hào hỗ trợ tài chính cho ông mua lại tòa dinh này làm tổng hành dinh trong thời gian làm Quốc trưởng, đặt tên là dinh Gia Long.

Sau nhiều thăng trầm, Dinh 1 bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2014, Dinh 1 được trùng tu. Quá trình trùng tu vô cùng tốn kém và gặp nhiều khó khăn để. Nhiều người ví von tòa dinh này như nàng công chúa ngủ say trong rừng, vừa trở mình thức giấc.

Ngày nay, thăm quan Dinh 1, khách du lịch sẽ thấy, ngay sảnh chính tòa dinh trưng bày chiếc long bào, là đại triều bào của hoàng đế. Nhìn chiếc long bào tôi nghĩ đến hình ảnh đức vua chễm chệ trên ngai vàng, từ trên cao nhìn xuống bá quan văn võ phủ phục phía dưới. Tưởng rằng cảnh trí ấy, đang hiện ngay trước mắt.

Long

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 4

Long bào được phục dựng treo ở sảnh chính.

Lối từ tầng 1 lên tầng 2 được trải thảm màu đỏ rực chốn cung đình. Tại đây có 3 căn phòng ngủ của Từ Cung hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại, phòng ngủ của vua Bảo Đại, kế tiếp là phòng ngủ của Nam Phương hoàng hậu.

Căn phòng chính sự nằm ở lầu 2 của tòa dinh. Phòng Nội Các, nơi Quốc trưởng làm việc với các quan. Đây là nơi diễn ra những buổi hội họp quan trọng dưới thời Quốc trưởng từ năm 1949 -1954.

Trong dinh còn có một phòng dành riêng cho Nguyễn Đệ là Đổng Lý Văn Võ Phòng Đức Quốc Trưởng Bảo Đại. Ông là người được Quốc trưởng tin cậy và giao trọng trách “Khâm Mạng Hoàng Đế”, là người chỉ huy công việc tại văn võ phòng.

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 5

Nội thất trong dinh.

Bên trái dinh là bàn cờ vua khổng lồ cùng đài phun nước mang đậm nét châu Âu. Sân sau là bãi đáp trực thăng. Phía sau dinh phục dựng các khu vực vườn thượng uyển, nhà ngự lâm quân, trạm dừng chân săn bắn. Một con đường mòn quanh co xuyên rừng thông, dẫn xuống hồ Nam Phương xanh ngát. 

Lên Đà Lạt ngắm dinh thự cổ, nơi đâu cũng thấy vàng son lưu dấu - 6

Tượng vua Bảo Đại trước dinh.

Một điều thú vị ở Dinh 1 là con đường ngầm trong dinh. Khi Quốc trưởng Bảo Đại mua và cho sửa sang đã phát hiện một đường hầm dài 4 km được nối thông với dinh 2, hiện nằm trên đường Trần Hưng Đạo.

Quanh dinh có nhiều con đường nhỏ xuyên qua khu rừng thông trăm tuổi. Thả bước chậm rãi dưới những tán lá kim xanh rì, lắng nghe tiếng thông reo cùng gió, tôi bỗng nhớ hai câu thơ của bà Huyện Thanh Quan. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Ngước nhìn cung điện nguy nga, lầu son gác tía một thời, tôi tự hỏi, phải chăng từng nhành cây ngọn cỏ, từng viên đá sỏi nơi đây vẫn còn lưu dấu một thời vàng son nay đã thành dĩ vãng…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Ngọc Thanh.

CLIP HOT