Lắng nghe "hơi thở" của khu giặt ủi ngoài trời lớn nhất thế giới

Trong lần trở lại Mumbai, thay vì chọn đến các khu du lịch nổi tiếng, tôi quyết dành phần lớn thời gian để khám phá các khu ổ chuột – nơi ta có thể thấy, cảm nhận và chạm vào nhịp sống của người dân nơi đây theo cách rõ ràng nhất.

Trong lần trở lại Mumbai, thay vì chọn đến các khu du lịch nổi tiếng, tôi quyết dành phần lớn thời gian để khám phá các khu ổ chuột – nơi ta có thể thấy, cảm nhận và chạm vào nhịp sống của người dân nơi đây theo cách rõ ràng nhất.

Nơi tôi chọn đến là khu giặt ủi ngoài trời lớn nhất thế giới – Mahalaxmi Dhobi Ghat. Từ ga Mahalaxmi – nhà ga thứ 6 trên tuyến phía Tây từ Churchgate – rẽ trái trên cầu là đến nơi này.

lang nghe

Toàn cảnh khu giặt ủi Mahalaxmi Dhobi Ghat.

Từ xa xưa, Ấn Độ là một quốc gia luôn khan hiếm nguồn nước vì nắng nóng, hạn hán kéo dài thường xuyên. Vì thế, cứ vào mùa hè "đổ lửa" là cả thành phố Mumbai lại lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng về việc vệ sinh, giặt giũ.

Để giải quyết tình trạng này, năm 1890, chính quyền Mumbai đã cho xây dựng xưởng giặt Mahalaxmi Dhobi Ghat và có chính sách cấp nước đặc biệt cho nơi này. Tất cả người dân không có khả năng giặt ủi quần áo thì cứ mang đến đây với chi phí rất thấp. Đó là lý do xưởng giặt ủi lớn nhất thế giới ra đời. Trong tiếng Ấn, những người giặt ủi được gọi là “dhobi”, còn “ghat” nghĩa là xưởng.

lang nghe

Mahalaxmi Dhobi Ghat ra đời nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè tại Mumbai.

132 năm trôi qua, nơi này trở thành mái ấm khổng lồ của hơn 800 hộ dân. Cứ thế, nhiều thế hệ con cháu của họ không ngừng nối nghiệp gia đình. Từ trên cầu vượt Mahalaxmi nhìn xuống, bạn sẽ thấy cả một khu vực rực rỡ sắc màu bên dưới. Thế nhưng, cuộc sống ẩn sau những gam màu tươi vui ấy lại nghèo nàn và khổ cực.

lang nghe

Những bộ trang phục đầy màu sắc được phơi trên các giàn cao đã phần nào che khuất hiện thực khốn khó của người dân xưởng giặt.

Để vào được khu này, tôi bắt buộc phải nhờ cậy một “thổ địa” với giá là 500 rupi. Anh ấy dẫn tôi đi một vòng tham quan quy trình giặt ủi tại đây, từ lúc nhận quần áo đến khi giao trả.

Toàn khu xưởng giặt Mahalaxmi Dhobi Ghat rộng hàng chục hecta, sở hữu khoảng 800 bể nước và hơn 700 phiến đá giặt giũ. Thoạt đầu, bạn sẽ thấy hoa mắt bởi sự sắp đặt hỗn loạn của các bể nước, giàn phơi đồ, chỗ ăn ngủ… nhưng phía sau sự hỗn loạn đó lại là quy trình hoạt động cực kỳ khoa học. Đó là lý do mà mỗi ngày có hơn 250.000 bộ quần áo từ đây sẽ được giao tận tay chủ nhân của chúng.

lang nghe

Hơn 250.000 bộ quần áo được làm sạch mỗi ngày tại Mahalaxmi Dhobi Ghat.

Người dân nơi này vẫn tuân thủ cách giặt ủi kiểu truyền thống. Tầm 4 giờ sáng, khi quần áo được chuyển về, cánh mày râu khỏe mạnh sẽ lấy chúng bỏ vào một bể nước lớn. Sau đó, đổ tiếp dung dịch tẩy rửa NaOH vào ngâm cho chất bẩn mềm ra. Với quần áo dính vết bẩn khó giặt, họ sẽ ngâm chúng vào thùng xút đun sôi, rồi lấy ra và đặt lên những khối đá lớn, sau đó dùng gậy hoặc tay đập nhiều lần rồi xả bằng nước cho sạch sẽ.

lang nghe

Người dân xách trên tay thùng dung dịch tẩy rửa NaOH.

lang nghe

Với những vết bẩn khó giặt, họ sẽ ngâm chúng vào thùng xút đun sôi để làm mềm vết bẩn.

lang nghe

Sau khi ngâm quần áo với chất tẩy, các thợ giặt sẽ mang quần áo đến các khối đá lớn, dùng gậy hoặc tay đập nhiều lần rồi xả bằng nước cho sạch sẽ. Tất cả công đoạn giặt giũ đều không có máy móc can thiệp.

Sau khi giặt xong, quần áo sẽ được chuyển qua bộ phận vắt khô bằng các máy quay ly tâm cỡ lớn. Nhưng đa số người dân vẫn quay bằng tay nên rất tốn sức, chỉ một số ít nhà dùng động cơ điện.

lang nghe

Máy quay ly tâm giúp vắt khô đống quần áo.

Sau khi sấy xong thì đồ được phơi trên mái nhà, trên các giàn giáo và trên các dây căng sẵn. Điểm độc đáo ở đây là dây phơi được se lại từ hai dây và thợ giặt chỉ nhét một góc đồ qua khe hở của dây chứ không dùng kẹp vì sẽ rất mất thời gian.

lang nghe

Hàng trăm bộ quần áo được phơi trên trên các giàn giáo và trên các dây căng sẵn.

Quần áo sau khi khô sẽ chuyển qua bộ phận ủi bằng than truyền thống, cũng có hộ dùng bàn ủi điện nhưng còn khá ít. Sau khi là ủi phẳng phiu, chúng sẽ được chuyển đến bộ phận giao trả cho khách hàng. Ngày nay, đa phần khách hàng của xưởng giặt Mahalaxmi Dhobi Ghat là các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện… còn các hộ gia đình chỉ chiếm số lượng rất ít.

lang nghe

Người thợ ủi già bên chiếc bàn ủi điện hiếm hoi.

Có hàng nghìn người làm việc mỗi ngày tại đây. Thoạt nhìn cứ ngỡ sẽ rất rối rắm nhưng thực chất, ở họ lại có sự phối hợp nhịp nhàng cực kỳ hoàn hảo. Ngày công sẽ bắt đầu được tính từ lúc 4 giờ sáng đến khoảng 9, 10 giờ đêm. Mỗi công nhân giặt được khoảng 500 - 600 chiếc, tiền công mỗi tháng thu về tầm 20.000 rupi (tương đương 6 triệu đồng). Với mức sống đắt đỏ ở Mumbai thì số tiền ít ỏi này chỉ có thể giúp họ duy trì mức sinh hoạt cơ bản nhất, mọi thứ khác đều hết sức chật vật và khó khăn.

Hầu hết người dân sống tại đây đều hiền lành và thân thiện, nhưng phần lớn họ đều nghèo khó, bần cùng. Từ ánh mắt đến gương mặt luôn mang đầy sự mệt mỏi, cực nhọc, có phần cam chịu và khắc khổ lắm.

lang nghe

Khuôn mặt rạng rỡ của một cô bé làm việc tại xưởng giặt Mahalaxmi Dhobi Ghat.

lang nghe

Hầu hết người dân sống tại đây đều hiền lành và thân thiện.

Điều kiện sống của họ cũng rất tệ. Toàn khu cực kỳ ẩm thấp và tồi tàn, ánh sáng cứ le lói rồi biến mất hoàn toàn khi càng đi sâu vào trong. Các bể nước xút ngâm quần áo sau khi xả đi cũng chính là bể tắm của họ. Nhìn họ ngụp lặn trong làn nước đục ngầu mà không biết tương lai sẽ bị nhiễm bệnh như thế nào.

lang nghe

Không gian ẩm thấp và tồi tàn bên trong nhà của một người dân.

lang nghe

Nhiều người dân tranh thủ tắm rửa tại các bể nước xút ngâm quần áo sau khi xả đi, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hại đến sức khỏe.

Ai cũng lầm lũi làm việc kiếm sống trong im lặng, bởi lẽ họ đã thực sự mệt mỏi. Những ai không còn gắng gượng được nữa thì cứ nằm lăn ra đất mà ngủ để lấy sức ở bất cứ đâu có thể. Cả bầu không khí cực kỳ ngột ngạt, mùi thuốc tẩy nồng khắp nơi pha lẫn mùi ẩm thấp lâu ngày.

lang nghe

Người thợ giặt tranh thủ nằm ngủ lấy sức bên dưới giàn phơi.

Khi tôi dò hỏi sao không tìm nơi khác làm việc để có thu nhập tốt hơn thì họ im lặng không nói gì. Sau này, cũng cùng câu hỏi ấy, tôi hỏi những người bạn khác của mình tại Mumbai thì nhận được câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng đầy day dứt: "Bởi họ thuộc về nơi đó".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Ngô Trần Hải An

CLIP HOT