Kỳ thú chim muông trên đỉnh Bạch Mã
Bốn nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên săn ảnh các loài thú quý hiếm trong Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc Thừa Thiên - Huế và ở Quảng Nam.
Cách TP Huế khoảng 60 km, du khách đi theo Quốc lộ 1A về phía nam tại thị trấn Phú Lộc, tại km số 3 theo biển chỉ dẫn là đến Vườn quốc gia Bạch Mã. Bạn cần liên hệ Ban quản lý vườn trước để được hướng dẫn chi tiết đối với loại hình du lịch sinh thái ngắm chim, muông thú. Ngoài ra, vườn quốc gia vẫn phục vụ các tour đi bộ, đạp xe, cắm trại trong rừng...
Từ cổng lên tới đỉnh Bạch Mã theo đường chính có chiều dài khoảng 20 km, gặp nhiều cảnh quan hòa quyện của núi rừng, suối thác và mây trời. Trekking tới km 17 (ảnh), qua những cánh rừng quanh đường mòn là tới Hải Vọng Đài, điểm cao nhất trên Bạch Mã ở độ cao 1.450 m.
Bốn nhà yêu nhiếp ảnh gồm anh Võ Rin, Nguyễn Hồng Huy, Hà Vũ Linh và Nguyễn Thuỳ Linh dành nhiều lần đến Bạch Mã từ 2019 đến 2021 để trải nghiệm thiên nhiên, săn ảnh chim và muông thú. Trên ảnh là vị trí nhóm săn ảnh chim trong khuôn viên biệt thự đỗ quyên, với tầm nhìn ra vùng rừng Bạch Mã tại độ cao khoảng 1.000 m.
Hà Vũ Linh (28 tuổi), cho biết trong lần đi vào dịp đầu năm ấn tượng với sắc đỏ của lá phong chuyển màu tại các khuôn viên biệt thự cổ kiến trúc Pháp và sắc hồng của đỗ quyên dưới chân thác Đỗ Quyên.
Bạch Mã hiện có 1.715 loài động vật, nổi bật với hệ chim có 363 loài, chiếm 1/3 các loài chim có ở Việt Nam, trong đó có 16 loài nguy cấp đã ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Nhóm nhiếp ảnh gia chủ yếu săn ảnh chim ở khu vực từ km số 14 lên đỉnh Bạch Mã, lặn lội qua các đường mòn, bờ suối là nơi có nhiều chim vì ở đó mát mẻ và có nhiều thức ăn. Chim thường hoạt động nhiều vào sáng sớm, cuối buổi chiều, nên nhóm săn ảnh cũng “canh” theo giờ giấc này.
Nữ nhiếp ảnh gia 30 tuổi Nguyễn Thùy Linh, cho biết một trong các loài chim đáng chú ý là con khướu mào khoang cổ đang ẩn mình giữa những tán phong đỏ.
Nhờ tiết trời đẹp và bắt gặp con khướu mỏ quặp mày trắng đang đi kiếm ăn và đậu ở nhánh thấp của cây thông nên nhóm chụp được nhiều ảnh loài này. Loài khướu này có đỉnh đầu và gáy màu đen, vạch trên lông mày đậm màu trắng, thân dưới mày xám.
Tay máy trẻ 26 tuổi Nguyễn Hồng Huy thích thú vì chụp được chim mỏ rộng xanh có bộ lông sặc sỡ, phần thân trên màu xanh lá cây đậm hơn bên dưới. Loài chim này thường sống theo đàn 4-5 con, khi kiếm ăn sẽ kêu và nhiếp ảnh gia thường dựa vào tiếng kêu để ngắm chụp.
“Tôi may mắn chụp được con mỏ rộng xanh vào mùa chim làm tổ. Lúc nó đớp con mồi xuất hiện vào tầm ngắm máy ảnh trông thật dễ thương, cưng tới mức tim hồi hộp không kịp nhấn nút chụp. Đến khi chụp được khoảnh khắc thì mới biết vắt cắn chân mình lúc nào cũng không hay”, Huy nói.
Một loài chim khác có màu sắc sặc sỡ trên Bạch Mã là nuốc bụng đỏ, có kích thước trung bình 34 cm. Trong ảnh là con trống, có đầu mỏ tối và phần thân dưới có màu đỏ tươi. Cả chim trống và chim mái đều có một hình lưỡi liềm màu trắng ở ngang ngực. Thời điểm dễ chụp nuốc bụng đỏ là mùa kết đôi, lúc nó xuất hiện kêu gọi bạn tình vào tháng 11.
Thùy Linh nói chụp con chim này cũng không hề dễ, phải kiên nhẫn canh, gặp nó là di chuyển thật nhẹ nhàng. Đôi khi nó xuất hiện trên cành, nhưng khá xa người nên chọn cách chụp lọt qua khe cây, tán cây.
Cú vọ mặt trắng, một trong những loài cú nhỏ nhất trong họ Cú. Đây là loài săn mồi ban ngày, thường săn các loài chim nhỏ. Loài cú này dễ quan sát, nhận diện với hình dạng đầu tròn, mặt nâu nhạt và mày trắng, khi cảm thấy an toàn thì nó đậu rất lâu, có khi đến vài tiếng.
Loài gầm ghì vằn thuộc họ Cuckoo, có kích thước trung bình 38 cm, phía sau cổ có màu tím lẫn xanh óng ánh. Tại Vườn quốc gia Bạch Mã, dễ chụp loài này vào mùa chim làm tổ trên cây.
Một trong những loài chim hiếm gặp mà nhóm lần đầu tiên chụp được trong rừng Bạch Mã là đớp ruồi họng trắng. Loài chim này có kích thước nhỏ, thường sống trong bụi rậm. Nó đậu thấp nên mọi người kịp chụp được vài tấm rồi lại bay vào bụi. Các lần sau quay lại Bạch Mã nhưng chưa gặp lại loài này.
Chim xanh bụng vàng có kích trước dài trung bình 18 cm, có thể quan sát trên Bạch Mã nhưng hiếm gặp. Trong ảnh là con trống đang hút mật hoa đào chuông, với màu sắc sặc sỡ, có mảng xanh da trời đậm ở cổ họng và ngực trên, trong khi con mái có màu lông chủ đạo là màu xanh lá cây.
“Có những loài chim mục tiêu phải đi nhiều lần mới chụp được. Nhóm trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi săn ảnh chim, có hôm đang canh chim trên Bạch Mã thì trời chuyển mưa, nên phải gấp rút thu dọn đồ nghề”, Thùy Linh chia sẻ.
Gà lôi trắng là một loài quý hiếm ở Bạch Mã, có đặc điểm dễ nhận dạng là có một dải rộng màu trắng chạy dọc theo hai bên cổ và phần lông trên lưng có những vân đen mảnh xen kẽ với vân trắng.
“Sáng sớm, con gà lôi trắng xuất hiện đi ngang qua đường mòn trên Bạch Mã để kiếm ăn. Nó rất nhát, việc tiếp cận rất khó và thường chúng tôi phải ngồi trên ôtô để canh. Nhưng ở khoảnh khắc này, càng hiếm hơn khi phát hiện gà lôi trắng trên nhánh cây vào một buổi chạng vạng lúc nó chuẩn bị đi ngủ", anh Võ Rin (38 tuổi), hiện chụp được 418 loài chim ở Việt Nam, cho biết.
Lưu ý: Trước khi đến Bạch Mã, du khách đem theo áo ấm và giày đế thấp, xe máy hoặc ôtô trên 16 chỗ ngồi không được phép lên đỉnh núi. Ngoài ra, du khách sẽ bị phạt tiền nếu xả rác, hay vi phạm các quy định cấm khác khi du lịch trong vườn quốc gia.
Bãi Xếp sở hữu vẻ đẹp hoang sơ với cát vàng, biển xanh và những lớp đá chồng tự nhiên, là một trong những bãi biển...